Công ty thuỷ sản trên UPCoM có nhiều lãnh đạo vừa bị khởi tố: Lỗ luỹ kế gần 1.600 tỷ, ngân hàng cho vay hơn 400 tỷ có nguy cơ mất trắng
Tối 4/1, theo nguồn tin của báo Người Lao Động, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã bắt tạm giam ông Ngô Văn Phăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Chế biến Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex (Mã: CAD).
Ông Phăng bị khởi tố để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến các khoản vay của ngân hàng và đã được di lý về TP Cần Thơ.
Cùng ngày, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng cũng khởi tố bị can đối với 2 cán bộ của một ngân hàng có chi nhánh tại Cà Mau.
Trước đó, theo báo Công an Nhân dân, ngày 9/11/2023, Cục Điều tra hình sự Bộ quốc phòng đã khởi tố bị can 5 đối tượng liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Cadovimex. Trong đó, 2 người bị khởi tố, bắt tạm giam là ông Tăng Gia Phong - Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau và bà Phạm Thị Hường, cựu Tổng Giám đốc Cadovimex.
Thông tin ban đầu, nhà chức trách cho biết những sai phạm liên quan trong thời gian ông Phong còn công tác ở Cadovimex liên quan đến hồ sơ vay vốn của công ty này với một ngân hàng và mất khả năng chi trả. Giai đoạn trước năm 2010, Cadovimex có các hoạt động vay vốn tại Ngân hàng Quân đội chi nhánh Cà Mau.
Ba người bị khởi tố, cho tại ngoại là ông Dương Ngọc Thới (sinh năm 1976), cựu Tổng Giám đốc Cadovimex; ông Trần Hoàng Giang, cựu Tổng Giám đốc Cadovimex và ông Trần Minh Hoàng, cựu Phó Tổng Giám đốc Cadovimex. Những người này bị khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến các khoản vay tại Ngân hàng Quân đội.
Mất khả năng thanh toán nhiều năm qua
Cadovimex là công ty chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản ra đời từ những năm 1980 ở huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Doanh nghiệp thông tin sản phẩm chính là tôm, mực, cá các loại và địa bàn kinh doanh là Mỹ, EU, Úc, Hàn Quốc.
Công ty từng niêm yết HOSE hồi 2009 và bị huỷ niêm yết năm 2012 do lỗ ba năm liên tiếp và chuyển về UPCoM.
Hiện công ty có vốn điều lệ 208 tỷ đồng. Trong đó, ông Sầm Huy Bình - cựu Chủ tịch HĐQT nắm 51,2% vốn.
Lý giải về tình trạng kinh doanh sa sút, vào năm 2008 khủng hoàn toàn cầu nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó có Cadovimex. Mặt khác Cadovimex bị khách hàng chiếm dụng vốn dài hạn qua nhiều năm chưa thể thu hồi được với số tiền lên đến 175 tỷ làm cho công ty bị mất cân đối tài chính. Từ đó công ty phải xoay sở bằng việc tăng tiền vay ngắn hạn từ ngân hàng để lấy vốn thu mua nguyên liệu và sản xuất.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế toàn cầu nên lãi suất ngân hàng cao và cộng thêm khách hàng vẫn không thanh toán tiền nợ cũ nên việc sản xuất kinh doanh của công ty rơi vào tình trạng lỗ.
Đến năm 2014, Cadovimex không còn được ngân hàng cho vay vốn lưu động do việc trả nợ không đúng hạn. Từ đó công ty không có vốn thu mua sản xuất mà chỉ tự xoay sở bằng nguồn thu hạn hẹp từ cho thuê các dịch vụ xuất khẩu, nhận gia công thuê cho các đơn vị cùng ngành nhằm duy trì đời sống người lao động để chờ nhà đầu tư tái cấu trúc công ty.
Nguồn thu này không đủ bù đắp các khoản chi phí tại công ty dẫn đến Cadovimex bị lỗ liên tục và kéo dài cho đến thời điểm hiện tại.
Ngoài ra công ty Cadovimex còn phải chịu áp lực trả nợ từ nhiều khoản nợ chậm trả kéo dài từ nhiều năm trước đến nay, bao gồm cả khoản nợ bảo hiểm xã hội; nợ thuế; nợ các cơ quan ban ngành khác và khách hàng giao dịch nên công ty luôn trong tình trạng mất khả năng thanh toán nghiêm trọng.
Tính tới ngày 30/9/2023, Cavodimex có khoản phải trả 967 tỷ đồng, chủ yếu là khoản lãi vay phải trả ngân hàng hơn 921 tỷ.
Đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và công nhân lao động trực tiếp lo ngại về cảnh rủi ro công ty ngừng hoạt động nên xin chuyển công tác, nghỉ việc đồng loạt. Tại thời điểm tháng 5, công ty còn 101 người ký hợp đồng lao động và khoảng 50 lao động công nhật làm việc luân phiên.
Trong khi đó nhà xưởng, máy móc, thiết bị cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng, thời gian chạy đông kéo dài, hao hụt chế biến cao.
Do liên đới những sai phạm từ trước những năm 2015 và kéo dài đến nay nên công ty kiểm toán đã nhiều lần từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán với Cadovimex.
Tính tới hết quý III/2023, Cadovimex lỗ luỹ kế 1.592 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 1.397 tỷ đồng. Quy mô tài sản tại ngày 30/9/2023 còn hơn 15 tỷ, trong đó khoản tiền mặt còn hơn 1,3 tỷ đồng. Công ty có khoản phải thu 172 tỷ từ khách hàng song đã phải trích lập dự phòng 100%, chủ yếu ở khách hàng South China, Cadovusa.
Tại thời điểm 30/9/2023, Cadovimex có dư nợ ngân hàng gần 303 tỷ bằng VND và 131 tỷ đồng vay bằng USD.
Theo nguồn tin của chúng tôi, Cadovimex còn khoản nợ hơn 95 tỷ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Minh Hải tại ngày 29/12/2023, khoản nợ 77,5 tỷ bằng VND và hơn 2 triệu USD tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - chi nhánh tỉnh Cà Mau tại ngày 30/11/2023.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có dư nợ hơn 90 tỷ bằng VND và hơn 699.000 USD tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Cà Mau theo số liệu ngày 30/11/2023.
Ngoài ra, Cadovimex cũng nợ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Cà Mau hơn 39 tỷ bằng VND và nợ Ngân hàng TMCP Quân đội - chi nhánh quận 5 gần 2,56 triệu USD tại cuối tháng 11/2023. Đây đều là các khoản nợ có khả năng mất vốn.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, lãnh đạo công ty đã đưa ra kế hoạch năm 2023 là hoàn tất thủ tục pháp lý để mở thủ tục phá sản cho công ty trong quá trình tìm kiếm nguồn lực mới và nhà đầu tư có tiềm năng để phục hồi kinh doanh cho công ty.
Xem thêm tại vietnambiz.vn