CTCK điểm tên 4 cổ phiếu ngân hàng tiềm năng tăng giá hàng chục % nhờ có câu chuyện riêng
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây vừa công bố báo cáo ngành ngân hàng với kỳ vọng sự phục hồi của tín dụng sẽ có sự khởi sắc vào nửa cuối năm, theo sau sự phục hồi của các hoạt động sản xuất và tiêu dùng, vốn đã có những tín hiệu phục hồi trong các tháng đầu năm, dưới tác động hỗ trợ của chính sách.
Về chất lượng tài sản, VDSC cho rằng áp lực nợ xấu dâng cao trở lại trong quý đầu năm có thể mang tính thời điểm. Chứng khoán Rồng Việt tin rằng quy mô nợ xấu có thể sẽ giảm nhẹ vào cuối năm khi các ngân hàng có vị thế về lợi nhuận trước dự phòng tốt hơn so với năm 2023 để tiếp tục hấp thụ và làm sạch bảng cân đối, thị trường bất động sản phục hồi giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.
VDSC ưa thích những cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt như ACB, VCB và CTG vì triển vọng tăng trưởng lợi nhuân của các ngân hàng này khá bền vững và ít có khả năng bị ảnh hưởng bởi quá trình củng cố lại bộ đệm dự phòng so với các ngân hàng khác. Ngoài ra, VDSC cũng kỳ vọng bước ngoặt về tăng trưởng lợi nhuận tại VPB, sau hai năm đẩy mạnh trích lập dự phòng nhằm tái cấu trúc danh mục vay theo hướng thận trọng hơn, sẽ giúp khởi động quá trình tái định giá ở cổ phiếu này.
ACB: Giá mục tiêu 27.400 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 19%
Trong bối cảnh mảng cho vay phân khúc khách hàng cá nhân chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu dùng yếu và thu nhập suy giảm, ACB đã tích cực dịch chuyển sang phân khúc khách hàng doanh nghiệp, chọn lọc các doanh nghiệp đầu ngành có sức khỏe tài chính tốt để thu hút nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tăng thu phí dịch vụ, phần nào bù đắp cho biên lãi ròng (NIM) kém hấp dẫn so với mảng khách hàng cá nhân.
Năm 2024, VDSC dự phóng thu nhập lãi thuần tăng trưởng 21,5% từ việc NIM duy trì ở mức 4% và tăng trưởng tín dụng ở mức xấp xỉ 18%. Thu nhập phí dự phóng sẽ cải thiện đến từ các mảng hoạt động thẻ, thanh toán quốc tế, dịch vụ chứng khoán bù đắp cho hoạt động banca.
Việc kiểm soát tốt chi phí tín dụng sẽ là động lực tăng trưởng cho ACB |
Chứng khoán Rồng Việt đánh giá ACB có chất lượng tài sản ở mức tốt, qua đó củng cố cho việc kiểm soát tín dụng. Theo ước tính, trong năm 2023, chi phí tín dụng của ACB tăng nhẹ ở mức 0,4% nhưng vẫn là ngân hàng có chi phí tín dụng thấp nhất ngành. Trong năm nay, VDSC kỳ vọng ngân hàng này vẫn có khả năng duy trì chi phí tín dụng ở mức thấp (0,39%) và kiểm soát thành công nợ xấu trong ngưỡng mục tiêu.
VPB: Giá mục tiêu 21.300 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 30%
VDSC dự phóng lợi nhuận hợp nhất năm 2024 của VPB sẽ tăng mạnh 86% so với cùng kỳ nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng 19% và chi phí dự phòng rủi ro giảm 15% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ an toàn vốn dẫn đầu hệ thống (17%) kết hợp với việc hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém sẽ tiếp tục cho phép VPB nhận hạn mức tín dụng cao so với toàn thị trường. VDSC kỳ vọng tăng trưởng tín dụng 25% trong năm 2024. Với lãi suất huy động đã hạ nhiệt cùng nguồn vốn dồi dào sau khi phát hành cho SMBC, VDSC dự phóng chi phí vốn sẽ giảm khoảng 70 điểm cơ bản so với năm 2023 hỗ trợ NIM tăng 20 điểm cơ bản. Công tác thu hồi nợ xấu, lãi treo của VPB cũng sẽ là một động lực gia tăng thu nhập lãi đáng chú ý.
FE Credit sẽ có lợi nhuận trước thuế trở lại trong giai đoạn 2024-2025 |
Cùng với đó, Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng FE Credit bắt đầu có lợi nhuận trở lại từ năm 2024 sau hai năm tái cơ cấu toàn diện với điểm nhấn là mở rộng tín dụng trở lại cùng với khẩu vị rủi ro thận trọng hơn.
VCB: Giá mục tiêu 104.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 14%
Theo VDSC, VCB là ngân hàng ít bị tổn thương nhất với tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 0,98% và tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR) ở mức 270%. Với cách tiếp cận thận trọng trong việc thẩm định và trích lập dự phòng, nỗ lực kéo dài của ngân hàng dự kiến sẽ ‘hái quả ngọt’ trong năm 2024 với chi phí tín dụng dự kiến tiếp tục được kiểm soát ở mức 0,36%.
Cùng với đó, VDSC kỳ vọng thu nhập cốt lõi của VCB dự kiến sẽ khởi sắc trong năm 2024 với mức tăng trưởng dự phóng 12% nhờ nhu cầu tín dụng cải thiện ở mức 11,9% và NIM phục hồi 13 điểm cơ bản lên mức 3,14%.
Thu nhập cốt lõi của VCB sẽ cải thiện nhờ việc NIM phục hồi |
Chứng khoán Rồng Việt đánh giá VCB có thể tận dụng chi phí huy động thấp nhờ tỷ lệ CASA cao ổn định ở mức 34% và sức mạnh lựa chọn khách hàng để tiếp tục cải thiện NIM trong dài hạn ở mức trên 3,2%. Mối quan hệ lâu dài với các nhà xuất khẩu và nhập khẩu lớn cũng sẽ giúp các mảng như thanh toán, chuyển khoản, tài trợ thương mại và kinh doanh ngoại hối tăng trưởng ổn định, duy trì đóng góp khoảng 21% vào tổng thu nhập hoạt động.
Ngoài ra, Vietcombank dự kiến phát hành riêng lẻ 6,5% trong năm 2025 cho đối tác chiến lược giúp củng cố hệ số tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR).
CTG: Giá mục tiêu 36.800 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 11%
Với định hướng mở rộng danh mục bán lẻ, tỷ trọng cho vay bán lẻ của CTG đã cải thiện đáng kể lên mức 38,4% cuối năm 2023. Vì vậy, VDSC kỳ vọng NIM của CTG sẽ cải thiện ở mức 3% hỗ trợ tăng trưởng thu nhập lãi trong năm 2024 là 20%.
Ngoài ra, sự hồi phục của nhu cầu tín dụng cũng sẽ giúp các nguồn thu nhập ngoài lãi được mở rộng nhờ vào các hoạt động gồm thanh toán, tài trợ thương mại và thu hồi nợ được cải thiện. Do đó, tổng thu nhập hoạt động của CTG trong năm 2024 được dự phóng tăng trưởng ở mức 18,2% (so với mức 10% trong năm 2023).
Chỉ tiêu sinh lời kỳ vọng cải thiện của CTG theo sau sự cải thiện chi phí tín dụng |
Kết hợp với việc kiểm soát chi phí tín dụng, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của CTG trong năm 2024 là 16%. Trong giai đoạn 2024-2028, VDSC cũng kỳ vọng CTG cũng sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận trước thuế với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 22% giúp tái định giá ngân hàng.
VDSC cũng kỳ vọng nợ xấu có thể chậm lại đà tăng, từ đó tạo cơ sở cho việc giảm bớt áp lực chi phí tín dụng cho CTG trong giai đoạn về sau, với chi phí tín dụng dự phóng cho 2024-2025 lần lượt là 1,8%-1,7%.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn