Cứ điểm của "đại bàng" công nghệ
Sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ được đánh giá sẽ tác động 2 chiều đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam.
Điểm đến chiến lược
Đầu tháng 12-2024, Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang đã trở lại Việt Nam và chính thức ký kết thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về trí tuệ nhân tạo (AI) và trung tâm dữ liệu AI. NVIDIA cũng công bố thương vụ mua lại VinBrain, công ty chuyên về AI của Tập đoàn Vingroup. Sự hiện diện của NVIDIA được kỳ vọng là chìa khóa quan trọng giúp Việt Nam hướng đến mục tiêu đầy tham vọng là đạt quy mô doanh thu bán dẫn 100 tỉ USD vào năm 2050.
Ngay sau đó, Việt Nam tiếp tục đón đoàn doanh nghiệp (DN) bán dẫn hàng đầu của Mỹ - bao gồm Intel, Ampere, Marvell, Cirrus Logic, Infineon, Skyworks - đến thăm và làm việc. Ngoài ra, nhiều "ông lớn" công nghệ khác trên toàn cầu cũng đã có những động thái cụ thể tại Việt Nam trong năm qua.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón 1,07 tỉ USD của Tập đoàn Công nghệ Amkor, 1 tỉ USD của LG và 551 triệu USD của Foxconn cho dự án sản phẩm, thiết bị thông minh... Trong đó, riêng tỉnh Bắc Ninh ghi nhận vốn đăng ký cao kỷ lục 5 tỉ USD, chiếm 16% tổng số vốn đăng ký cả nước và cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDIRECT, lý giải Bắc Ninh thu hút dòng vốn FDI lớn không chỉ nhờ vào các lợi thế cạnh tranh như cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động lành nghề, mà còn bởi sự chủ động hợp tác của tỉnh với các tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, Canon, CMC...
Trên quy mô cả nước, nhiều kế hoạch đầu tư khác đầu tư vào Việt Nam của các tập đoàn công nghệ đang được xúc tiến. Chẳng hạn, Google thông báo trụ sở công ty tại Việt Nam sẽ hoạt động từ tháng 4-2025; Tập đoàn Hyosung muốn đầu tư thêm 4 tỉ USD; SpaceX có kế hoạch đầu tư 1,5 tỉ USD để phát triển internet vệ tinh; Samsung Display ký bản ghi nhớ phát triển dự án màn hình, linh kiện điện tử trị giá 1,8 tỉ USD... Những con số trên cho thấy Việt Nam đang là cứ điểm thu hút "đại bàng" trong lĩnh vực công nghệ AI, chip bán dẫn.
"Dưới thời Trump 2.0, các "gã khổng lồ" công nghệ sẽ tìm cách đa dạng và tối ưu hóa chuỗi cung ứng của họ bằng cách chuyển hoạt động sang khu vực ASEAN. Trong đó, Việt Nam là một ứng cử viên tiềm năng và triển vọng lạc quan này được củng cố bởi định hướng ngoại giao, lợi thế trữ lượng đất hiếm dồi dào và thời kỳ dân số vàng" - ông Đinh Quang Hinh nhận định.
Cơ hội thành trung tâm kỹ thuật số
Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán Ngân hàng HSBC Việt Nam, dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất có khả năng tiếp tục tăng khi chuyến thăm gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Mỹ đã mở ra cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư từ nhiều công ty, điển hình là Meta. Ngoài ra, thông tin Shunsin, công ty con của Foxconn, được cho là đã xin giấy phép đầu tư 80 triệu USD để sản xuất mạch tích hợp tại tỉnh Bắc Giang cũng cho thấy năng lực sản xuất tại Việt Nam đang được cải thiện. Không riêng sản xuất điện tử, các lĩnh vực giá trị tăng thêm cũng thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia.
Báo cáo của Savills Việt Nam mới đây nêu rõ đang có làn sóng mới về đầu tư giá trị cao, đánh dấu sự phát triển của Việt Nam với kỳ vọng thành một trung tâm sản xuất, logistics và kỹ thuật số ở Đông Nam Á. Ông John Campbell - Giám đốc, Trưởng bộ phận bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam - cho rằng dòng vốn FDI đổ vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng đã thúc đẩy đáng kể tăng trưởng xuất khẩu, trong đó điện tử nổi lên là ngành đóng góp chính.
Theo ông Campbell, Việt Nam đang trở thành một thị trường quan trọng cho các trung tâm dữ liệu. Được định giá 685 triệu USD vào năm 2023, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam dự kiến đạt 1,4 tỉ USD vào năm 2029, nhờ nhu cầu gia tăng đối với điện toán đám mây, 5G và internet vạn vật (IoT).
Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ hướng đến mục tiêu 50% DN sẽ hoạt động kỹ thuật số vào năm 2025 cũng khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng đất nước trở thành một trung tâm kỹ thuật số. "Quy định mới đang khuyến khích vốn FDI vào trung tâm dữ liệu khi cho phép nhóm nhà đầu tư này sở hữu hoàn toàn các trung tâm dữ liệu trong nước. Tỉ lệ bao phủ internet cao và ngành thương mại điện tử bùng nổ cũng là động lực thúc đẩy nhu cầu đầu tư, định vị trung tâm dữ liệu là trụ cột quan trọng của nền kinh tế" - ông Campbell nhận xét.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng đánh giá Việt Nam tiếp tục sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn FDI, bao gồm lĩnh vực công nghệ cao. Điều này được thúc đẩy bởi các động lực dài hạn như lợi thế về chi phí và nguồn lao động dồi dào, môi trường đầu tư thuận lợi, cơ sở hạ tầng được cải thiện, cơ chế khuyến khích đầu tư cho các dự án trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, R&D và công nghệ cao.
Hỗ trợ doanh nghiệp nội nắm bắt cơ hội
Theo giám đốc một công ty công nghệ tại TP HCM, Việt Nam đã trở thành thị trường hấp dẫn các "đại bàng" công nghệ toàn cầu song để DN trong nước đón đầu được dòng vốn này là không đơn giản.
Góp ý giải pháp, giám đốc này cho rằng DN cần tập trung xây dựng, phát triển thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ mình đang phát triển để đáp ứng nhu cầu của đối tác nước ngoài, nhất là liên quan AI; đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn cao, chủ động tham gia vào các khâu sản xuất hoặc phát triển để có kinh nghiệm vững vàng. Cơ quan quản lý cần là cầu nối để kết nối các DN gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
"DN nội địa nếu nắm bắt được dòng vốn FDI đang chảy vào sẽ góp phần thay đổi hình ảnh Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, từ đó thu hút mạnh mẽ hơn nữa các dự án công nghệ nước ngoài" - giám đốc này nhìn nhận.
Xem thêm tại cafef.vn