Củng cố kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động an toàn, minh bạch

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 tăng trưởng trong gian khó

Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc do chính sách thắt chặt tiền tệ, cuộc chiến Nga - Ukraine và một số xung đột chính trị trên thế giới tiếp tục đè nặng lên các hoạt động kinh tế. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng tới sự phát triển của TTCK Việt Nam.

Trong nửa đầu năm 2023, TTCK Việt Nam giao dịch trầm lắng, thanh khoản sụt giảm so với năm ngoái mà nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy giảm tăng trưởng, lạm phát dai dẳng cùng chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài tại các nền kinh tế lớn và căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp.

Tuy nhiên, sang đến quý III/2023, TTCK Việt Nam đã tăng trưởng tích cực trở lại nhờ Chính phủ đã kịp thời đưa ra các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và thị trường tài chính, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt với 4 đợt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2023 nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, TTCK Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong quý III/2023 thể hiện ở chỉ số VN-Index đã lập mức đỉnh cao nhất kể từ đầu năm tại phiên 12/9/2023 đạt 1.245,44 điểm, tăng 24% so với cuối năm 2022.

Sau đó, thị trường đã chịu áp lực điều chỉnh giảm mạnh trong nửa cuối tháng 9 và tháng 10 trước những ảnh hưởng của việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tỷ giá VND được neo ở mức cao cùng với các động thái của NHNN rút tiền thông qua hoạt động bán tín phiếu nhằm ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, thị trường đã dần phục hồi từ đầu tháng 11/2023 khi áp lực tỷ giá đã phần nào giảm bớt.

Tính đến hết ngày 29/12/2023 – phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023, chỉ số VN Index đạt 1.129,93 điểm, chỉ số HNX Index đóng cửa ở mức 231,04 điểm và cả hai chỉ số này lần lượt tăng 12,2% và 12,5% so với cuối năm 2022. Tương tự, thanh khoản của TTCK sang quý III/2023 được cải thiện đáng kể với giá trị giao dịch (GTGD) bình quân đạt 24.641 tỷ đồng/phiên, tăng 80% so với mức giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm. Tính chung năm 2023, GTGD bình quân đạt 17.579 tỷ đồng/phiên, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Quy mô vốn hóa và quy mô niêm yết của thị trường cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng so với cuối năm 2022. Tính đến ngày 29/12/2023, mức vốn hóa thị trường đạt 5.937 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2022, tương đương 58,1% GDP ước tính năm 2023 (62,4% GDP ước tính năm 2022). Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch (ĐKGD) của thị trường tính đến cuối tháng 12/2023 đạt 2.128 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cuối năm 2022, với 739 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 862 cổ phiếu ĐKGD trên UPCoM .

Trong năm 2023, TTCK tiếp tục thu hút sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư. Tính đến cuối năm 2023, tổng số tài khoản chứng khoán tăng 395.290 tài khoản so với cuối năm 2022, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán lên hơn 7,29 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số, vượt mức 5% dân số theo mục tiêu được Chính phủ đưa ra. Điều này minh chứng cho việc TTCK vẫn có sức hấp dẫn nhất định đối với các nhà đầu tư.

Trong năm 2023, TTCK phái sinh đã trở thành một kênh đầu tư hiệu quả và công cụ phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, TTCK phái sinh ngày càng thu hút sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thể hiện qua số lượng tài khoản giao dịch phái sinh tính đến cuối tháng 11/2023 đã đạt 1.456.989 tài khoản, tương đương gần 19% số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở.

Để đạt được những thành tựu trên, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã luôn nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc quản lý hoạt động của ngành Chứng khoán, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, cụ thể:

Thứ nhất, tích cực hoàn thiện khung pháp lý. Trong năm 2023, UBCKNN tiếp tục chủ động, tích cực rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình đề ra. Theo đó, UBCKNN chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán năm 2019, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, chủ động triển khai rà soát các nội dung của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP và Nghị định số 128/2021/NĐ-CP để đánh giá các nội dung cần sửa đổi, bổ sung cập nhật phù hợp với thực tiễn xử phạt và sự phát triển của thị trường. Đồng thời, UBCKNN đã trình Bộ Tài chính ban hành 03 Thông tư liên quan đến việc sắp xếp lại thị trường cổ phiếu, hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước... Đặc biệt, UBCKNN cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Thứ hai,tăng cường quản lý hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Trong năm 2023, UBCKNN liên tục rà soát, tiến hành tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK), tăng cường công tác giám sát hoạt động của các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) và mạnh tay xử lý các công ty hoạt động yếu kém. Hiện có 82 CTCK đang hoạt động trong đó có 02 CTCK đang trong tình trạng cảnh báo, 01 CTCK đang trong tình trạng kiểm soát, 06 CTCK thuộc trường hợp bị chấm dứt hoạt động, 01 CTCK bị yêu cầu tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, hoạt động của các CTQLQ năm 2023 có sự tăng trưởng ổn định cả về quy mô và kết quả hoạt động kinh doanh. Về hoạt động tái cấu trúc các CTQLQ, trong năm 2023, UBCKNN đã ra 01 quyết định chấm dứt hoạt động để thu hồi giấy phép đối với 01 CTQLQ do chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong hoạt động nghiệp vụ.

Thứ ba,tăng cường công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm. Trong bối cảnh các hành vi vi phạm trên lĩnh vực chứng khoán ngày càng tinh vi, phức tạp, UBCKNN thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát đối với thị trường, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó phát huy vai trò của tuyến giám sát thứ nhất là các CTCK. Theo đó, UBCKNN đã tổ chức triển khai 62 đoàn thanh, kiểm tra và ban hành 409 quyết định xử phạt và một số vụ việc cần bổ sung thêm biện pháp khắc phục hậu quả như đình chỉ giao dịch, hủy bỏ thông tin… Đối với các vụ việc có tính hình sự, UBCKNN đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý theo pháp luật nhằm tăng tính răn đe trên TTCK.

Thứ tư,đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường. Trong năm 2023, UBCKNN đã nỗ lực trong việc tìm kiếm các giải pháp dài hạn và giải pháp trước mắt mà có thể triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Tại kỳ đánh giá vào tháng 9/2023, FTSE Russell tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp và cũng ghi nhận việc tái khẳng định cam kết của các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan quản lý thị trường vốn Việt Nam trong công tác nâng hạng thị trường. Đồng thời, UBCKNN cũng đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế nhằm góp phần quảng bá hình ảnh TTCK Việt Nam đến cộng đồng quốc tế, nổi bật là các sự kiện như: Ký kết Ý định thư hợp tác với Sở Giao dịch chứng khoán Nasdaq ngày 22/9/2023, tổ chức Hội nghị xúc tiến nhà đầu tư của Bộ Tài chính tại Luxembourg ngày 6/7/2023, phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) ra mắt Sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính vào tháng 8/2023...

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Sự phát triển nhanh chóng của TTCK đã đặt ra nhiều thách thức mới cho công tác quản lý, giám sát thị trường của cơ quan quản lý. Trong thời gian qua, trên TTCK đã xảy ra một số hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, giá một số mã chứng khoán không phản ánh đúng tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp còn vi phạm công bố thông tin, hệ thống công nghệ thông tin của UBCKNN, các sở giao dịch chứng khoán còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, giám sát thị trường. Nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại năm 2023, trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tập trung triển khai vào một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó tập trung hoàn thành xây dựng kế hoạch triển khai đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Hai, phát triển thị trường theo hướng bền vững thông qua việc nâng cao chất lượng hàng hóa và nền tảng cơ sở của thị trường, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành thị trường.

Ba, đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, làm chủ và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó, tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành chính thức trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện cho việc ra đời các sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường.

Bốn, tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm cho TTCK phát triển bền vững, công khai, minh bạch, tập trung giám sát đối với hoạt động huy động vốn và việc sử dụng vốn huy động đúng mục đích, tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính, tăng cường công tác thanh tra và xử lý kịp thời, nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK.

Năm, tiếp tục tái cấu trúc TTCK, tăng cường quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tập trung giám sát, kiểm tra việc cho vay giao dịch ký quỹ là đúng pháp luật, an toàn cho CTCK và an toàn bền vững cho dòng tiền trên TTCK.

Sáu, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, đào tạo nhà đầu tư cá nhân.

Bảy, đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tổ chức đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý với cơ quan quản lý các nước, các tổ chức quốc tế để có giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình thế giới, điều kiện của Việt Nam.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 1/2024

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn