'Cuộc đua' mới của ngành ô tô châu Âu đã bắt đầu, VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chuẩn bị sẵn tham gia ‘sân chơi’ tỷ USD
Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang đứng trước áp lực chi hàng trăm triệu euro để mua tín chỉ carbon từ các đối thủ xe điện Trung Quốc, nhằm tránh các khoản phạt khổng lồ từ quy định khí thải nghiêm ngặt của EU vào năm 2025.
Theo Financial Times, các nhà sản xuất ô tô tại châu Âu phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: hoặc đầu tư phát triển xe điện và thúc đẩy doanh số, hoặc mua tín chỉ carbon từ các đối thủ để đáp ứng quy định khí thải. Nếu không, họ có nguy cơ bị phạt tới 95 euro/xe cho mỗi gam CO2 vượt quá giới hạn 93,6g/xe. Đây là một trong những biện pháp mạnh tay của EU nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khi châu Âu đang nóng lên gấp đôi mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980.
Tín chỉ carbon, vốn được chuyển đổi tương đương với một tấn khí CO2, đã trở thành tài sản quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô. Những nhà sản xuất xe điện có lượng tín chỉ dư thừa từ việc sản xuất xe điện có thể bán chúng cho các đối thủ, thu về lợi nhuận khổng lồ. Tesla, với doanh số xe điện vượt trội, đã kiếm hơn 2 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024 từ việc bán tín chỉ carbon trên toàn cầu.
Tín chỉ carbon không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng lại là công cụ quan trọng giúp các “ông lớn” trong ngành ô tô tuân thủ quy định khí thải. Ảnh minh hoạ |
Tương tự, các nhà sản xuất Trung Quốc như BYD và Geely, nhờ vào lượng xe điện bán ra lớn tại EU, cũng đang nắm giữ vị thế lớn, sẵn sàng cung cấp tín chỉ cho các nhà sản xuất châu Âu đang gặp khó khăn. Mercedes-Benz đã hợp tác với Polestar và Volvo - hai thương hiệu thuộc sở hữu của Geely - để mua tín chỉ, trong khi Tesla dự kiến hợp tác với Stellantis, Ford và Toyota.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng, những tập đoàn lớn như VW và Renault có thể cần tăng gần gấp đôi doanh số xe điện chỉ trong vòng một năm nếu muốn đáp ứng mục tiêu của EU. Tuy nhiên, thực tế lại không khả quan khi VW không có kế hoạch ra mắt mẫu xe điện đại trà mới vào năm 2025, còn Renault đang đặt kỳ vọng vào mẫu xe điện giá rẻ trị giá 25.000 euro để tăng doanh số.
Jens Gieseke, nhà lập pháp trung hữu trong Nghị viện châu Âu, nhận định rằng EU đã phạm sai lầm khi cho phép hợp tác với các nhà sản xuất ô tô Mỹ và Trung Quốc. Điều này khiến ngành công nghiệp ô tô châu Âu tụt lại trong cuộc đua cạnh tranh.
Trong bối cảnh này, VinFast, với chiến lược tấn công mạnh mẽ vào thị trường xe điện toàn cầu, đang nắm cơ hội tận dụng lợi thế từ tín chỉ carbon để tạo ra nguồn doanh thu đột phá. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Vingroup, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ: “Chúng tôi đã thành lập tổ công tác để thúc đẩy việc bán tín chỉ carbon không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác.”
Tín chỉ carbon không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng lại là công cụ quan trọng giúp các “ông lớn” trong ngành ô tô tuân thủ quy định khí thải. Với tiềm năng sinh lời lớn, đây được xem là “mỏ vàng” tỷ USD cho những doanh nghiệp đi trước trong cuộc đua xanh hóa ngành công nghiệp ô tô.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn