Đại biểu Quốc hội đề xuất chuyển nhà tái định cư bỏ hoang thành nhà ở xã hội

Phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế xã hội vừa diễn ra, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, hiện đang là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết khi đi qua đường Hoàng Mai, Hà Nội ông thấy nhiều căn hộ chung cư từng dùng làm bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 giờ bị bỏ không. Khu vực cầu Chương Dương sang Gia Lâm cũng có hàng loạt chung cư, căn hộ tái định cư bỏ hoang.

Theo ông Hiếu, Hà Nội có hơn 14.200 căn chung cư chưa sử dụng, TP HCM có 14.000 căn tái định cư bỏ không. Thực trạng này gây lãng phí lớn vì giá chung cư đang tăng cao. "Chúng ta phải có giải pháp đồng bộ, có thể thực hiện đấu giá hoặc chuyển mục đích sử dụng sangnhà ở xã hộihoặc cho thuê", ông Hiếu nêu quan điểm.

Phản hồi ý kiến trên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nhà tái định cư cũng là tài sản của nhà nước nên các quy định, thủ tục phải thực hiện theo luật. Hiện nay, cơ quan quản lý đang tính toán cơ chế để đề xuất chuyển đổi sang nhà ở xã hội.

Cũng liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên ngân hàng Agribank, đề xuất Hà Nội đầu tư vào nhà ở xã hội sau đó cho thuê dài hạn. Điều này sẽ giải quyết bài toán nhà ở cho người lao động thu nhập thấp, công nhân.

"Nếu Nhà nước được quyền phát hành trái phiếu thì lãi suất rất thấp, chỉ 3-4 %, và người dân thuê nhà cũng có giá hấp dẫn. Khi có lãi suất tốt, có thể xây được khu nhà ở xã hội với đầy đủ hạ tầng, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân", ông Ấn nói.

Theo báo cáo của các địa phương, cả nước hiện có hơn 500 dự án nhà ở xã hội đã triển khai với quy mô 418.200 căn. Con số này tăng thêm 4 dự án, 6.950 căn so với báo cáo giữa tháng 3. Tuy nhiên, nhiều người dân phản ánh khó tiếp cận thông tin các dự án.

Gần đây, tại một chương trình gặp gỡ lãnh đạo UBND TP HCM, công nhân cho biết rất khó khăn khi tiếp cận nhà ở xã hội bởi nguồn cung khan hiếm. Họ nói "chỉ thấy nhà ở xã hội trên tivi, không biết dự án ở đâu, mua thế nào, vay vốn ra sao".

Liên quan tới gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã rút gọn điều kiện cho doanh nghiệp vay. Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank), TPBank và VPBank đã đăng ký tham gia, mỗi ngân hàng 5.000 tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng thương mại đã giải ngân 1.144 tỷ đồng, gồm 1.133 tỷ cho chủ đầu tư; 11 tỷ đồng cho người mua nhà.

Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An có tỷ lệ thực hiện nhà ở xã hội thấp so với mục tiêu của đề án. Việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn chậm. Các doanh nghiệp đầu tư gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai.

Thách thức đặt ra khi chuyển dự án tái định cư thành nhà ở xã hội

Theo Luật sư Quách Minh Trí - Công ty Luật TNHH Passio Lawyers việc chuyển đổi dự án tái định cư thành nhờ ở xã hội là hướng đi hay, nếu được vận dụng sẽ tạo thêm nguồn cho nhà ở xã hội, giúp người thu nhập thấp có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội và giải quyết một phần cho nhu cầu cấp bách nhà ở hiện nay ở nước ta.

Tuy nhiên, cũng theo ông Trí, về bản chất đây là hai loại hình nhà ở có sự khác biệt, do đó việc đảm bảo tiêu chuẩn khi chuyển đổi cũng là một vấn đề đáng quan tâm.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Tuấn - Đoàn luật sư TP.Hà Nội đánh giá quy định tiêu chuẩn diện tích sử dụng mỗi căn nhà ở xã hội tối thiểu là 25 m2 và tối đa là 70 m2. Trong khi đó, do phục vụ mục tiêu tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi, nhất là với các hộ gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống nên nhà tái định cư không giới hạn diện tích nhà ở.

"Như vậy, khi chuyển đổi các dự án sẽ bị vướng về tiêu chuẩn diện tích, nhiều diện tích nhà ở tái định cư lớn hơn tiêu chuẩn diện tích tối đa của nhà ở xã hội (là 70m2) và nằm rải rác trong các tòa nhà tái định cư đã xây dựng. Nếu chúng ta chuyển đổi công năng chỉ với các căn hộ bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích trong các tòa nhà tái định cư thì sẽ rất khó trong quản lý, vận hành sau này", Luật sư Tuấn đánh giá.

Cũng theo Luật sư Phạm Thanh Tuấn, để áp dụng được phương án trên cần phải có các quy định rõ về quy chuẩn chất lượng, tiến trình thẩm định chất lượng trước khi bàn giao nhà ở xã hội cho người mua cần phải được quy định chi tiết bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm đảm bảo sự tuân thủ từ các bên liên quan.

Đại biểu Quốc hội đề xuất chuyển nhà tái định cư bỏ hoang thành nhà ở xã hội
- Ảnh 1.

Hai toà nhà với hàng trăm căn hộ không người ở tại một dự án tái định cư phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Int

Hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang

Theo ghi nhận của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện tượng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang xuất hiện nhiều tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…Các tòa nhà xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả khiến toàn bộ hạ tầng và các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.

Tại Hà Nội, khoảng 4.000 căn đang bị bỏ hoang. Nhiều dự án tái định cư có người dân về ở, có diện tích kinh doanh dịch vụ cũng vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.

Tương tự, trên địa bàn TP.HCM, theo một thống kê của Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) hiện trên địa bàn thành phố cũng có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, tập trung nhiều nhất tại khu tái định cư Bình Khánh (quận 2) với hơn 12.000 căn hộ và tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với hơn 2.000 căn hộ…

Lý giải về tình thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng do nhiều khu tái định cư được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích và dịch vụ công cộng. Điều này làm giảm sức hấp dẫn và gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển và sinh hoạt.

Một số dự án tái định cư gặp vấn đề về chất lượng xây dựng như vật liệu kém chất lượng, thiết kế không hợp lý và thi công không đạt chuẩn. Những vấn đề này khiến người dân không muốn chuyển đến ở.

Bên cạnh đó, nhiều khu tái định cư thường thiếu hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ và hệ thống giao thông…làm giảm chất lượng sống và sự tiện lợi cho cư dân.

Ngoài ra, mức đền bù chưa thỏa đáng và chính sách tái định cư theo Luật Đất đai hiện hành còn chưa hợp lý khiến nhiều người dân không muốn chuyển đến nơi ở mới hoặc không đủ khả năng để sống tại các khu tái định cư vì toàn bộ số tiền được đền bù không đủ để mua suất tái định cư được giao.

Xem thêm tại cafef.vn