Đại diện Vinamilk: Tháng 9 chạy thương mại nhà máy chế biến thịt bò, đang bán thử sản phẩm tại một số siêu thị
Tại buổi hội thảo trực tuyến với Chứng khoán HSC, Giám đốc Điều hành Marketing của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) nhìn nhận bức tranh chung của vĩ mô ngày càng cải thiện thì ngành hàng tiêu dùng nhanh cũng có nhiều tín hiệu tích cực. 6 tháng đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh là 2,2% trong khi các quý trước tăng trưởng âm hoặc không tăng trưởng.
Ngành sữa cũng nằm trong bức tranh cải thiện còn những quý trước tăng trưởng âm ở mức cao.
Đại diện Vinamilk cho biết ba nguyên nhân chính khiến ngành sữa tăng trưởng chậm so với ngành FMCG là do nền kinh tế không phát triển như kỳ vọng. Sản phẩm sữa không phải nhu cầu quá thiết yếu nên khi kinh tế khó khăn dễ bị cắt giảm.
Thứ hai, tỷ lệ sinh ngày càng giảm, trong khi đó các bà mẹ ngày càng có ý thức hơn về việc nuôi con bằng sữa mẹ nên sản phẩm sữa bột mới ghi nhận giảm tới hai con số cũng góp phần kéo tăng trưởng ngành sữa đi xuống.
Thứ ba, không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới có nhiều sản phẩm thay thế, cạnh tranh với Vinamilk.
"Vinamilk xác định đây chỉ là xu thế tạm thời. Khi kinh tế đi vào quỹ đạo tăng trưởng trở lại thì tỷ lệ tiêu thụ sữa trên bình quân đầu người sẽ cải thiện",Giám đốc Điều hành Marketing đưa ra quan điểm.
Bà Trần Hương Mỹ - Giám đốc Nghiên cứu ngành hàng tiêu dùng của HSC dự báo ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý III và dự phóng tổng doanh thu thuần các đơn vị niêm yết có thể tăng 12%, lợi nhuận thuần tăng 53%. Nếu so với quý trước sẽ giảm nhẹ so với quý II do yếu tố mùa thấp điểm.
Động lực tăng trưởng năm 2024 ngành hàng tiêu dùng đến từ các doanh nghiệp có nguồn lực lớn, có khả năng gia tăng thị phần, nhu cầu có sự cải thiện và biên lợi nhuận được mở rộng. Còn tới năm 2025 đà tăng trưởng sẽ hỡ trợ đáng kể bởi sức mua.
Thị phần tăng thêm 1,4 điểm % trong 4 tháng
Thị trường quốc tế của Vinamilk trong quý II đã đạt được những con số bùng nổ với mức tăng trưởng doanh thu 30%. Trong đó, doanh thu xuất khẩu trực tiếp tăng gần 40%, chi nhánh nước ngoài (Campuchia và Mỹ) cũng tăng trưởng trên 20%.
Lãnh đạo Vinamilk kỳ vọng cả thị trường Campuchia và Mỹ tiếp tục duy trì tăng trưởng như 6 tháng đầu năm trong quý III và IV/2024.
Tháng 7/2023, Vinamilk giới thiệu bộ nhận diện thương hiệu mới và đã được triển khai cho một số dòng sản phẩm chính như sữa nước, sữa chua ăn, sữa chua uống men sống Probi.
Theo kết quả thu được, thị phần nội địa của Vinamilk đã tăng 1,4 điểm % từ tháng 3 tới tháng 7/2024 chủ yếu đến từ dòng sản phẩm sữa đặc, sữa nước, sữa chua uống.
Tác động về kết quả kinh doanh, quý II cũng ghi nhận mức doanh thu kỷ lục của Vinamilk với mảng kinh doanh nội địa tăng trên 5%. Một số ngành hàng có sự tăng trưởng như sữa chua, sữa đặc và và ghi nhận sự phục hồi ở ngành hàng sữa bột trẻ em trong quý II.
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của Vinamilk.
Lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ sau khi hoàn thành tái định vị cho ngành hàng quan trọng là sữa bột tức Vinamilk cũng chuẩn bị xong bước cơ bản nhất cho chu kỳ tăng trưởng tiếp theo.
Việc duy trì tăng trưởng nửa cuối năm ngoài nỗ lực từ doanh nghiệp còn phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu tháng 7, doanh thu xuất khẩu của Vinamilk ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ và kỳ vọng tiếp tục duy trì những tháng cuối năm song còn phụ thuộc vào tình hình các quốc gia nơi Vinamilk xuất khẩu sản phẩm.
Một số thị trường xuất khẩu trọng điểm, Vinamilk nhận thấy có cơ hội gia tăng khi nguồn cung ở các thị trường này có dấu hiệu bị suy giảm do một số công ty gặp vấn đề về cung ứng liên quan tới biến động địa chính trị, mở ra cơ hội cho Vinamilk.
Đối với Vinamilk, một số thị trường doanh nghiệp đã có mặt được 30 năm, am hiểu thị trường và có đối tác phân phối có tính cam kết cao. Các sản phẩm Vinamilk xuất khẩu chủ yếu là sữa bột trẻ em và có kế hoạch xuất khẩu thêm các sản phẩm như sữa đặc.
Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống (các nước đang phát triển), Vinamilk nhận thấy một số thị trường như Đài Loan, Nhật Bản có cộng đồng người Việt lớn cũng là cơ hội để Vinamilk mang sản phẩm sang phục vụ người dân.
"Nhu cầu sử dụng lương thực hay sữa lúc nào cũng có cho dù căng thẳng chính trị ra sao. Mặc dù căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực có diễn biến khó lường song Vinamilk tự tin sẽ không bị mất thị trường. Với kinh nghiệm xuất khẩu tới 30 năm vào nhiều thị trường trong khi đối thủ ít kinh nghiệm hơn, không bám được thị trường sẽ mở ra cơ hội cho Vinamilk.
Doanh thu xuất khẩu của Vinamilk luôn duy trì quanh ngưỡng 200 triệu USD/năm bất chấp các thăng trầm những năm qua", đại diện Vinamilk cho hay.
Để duy trì tăng trưởng trong tương lai, lãnh đạo Vinamilk cho biết doanh nghiệp sẽ ưu tiên tiếp tục triển khai việc tái định vị thương hiệu đặc biệt là ngành hàng sữa bột trẻ em. Một số sản phẩm khác cũng sẽ tiếp tục được tái định vị thương hiệu như kem, sữa chua uống, sữa trái cây,…
Ưu tiên lớn thứ hai là sản phẩm mới - đó là nền tảng tăng trưởng trong tương lai của Vinamilk.
Ưu tiên thứ ba là cách tiếp cận marketing cũng sẽ có sự khác biệt hơn. Vinamilk có danh mục sản phẩm lớn, nhiều nhãn hiệu, sau khi triển khai xong chiến dịch tái định vị thương hiệu thì doanh nghiệp sẽ khai thác mạnh hơn sức mạnh của thương hiệu “mẹ” Vinamilk. Vì vậy khi làm marketing sẽ cố gắng kết hợp nhiều dòng sản phẩm, nhiều ngành hàng trong chương trình marketing để tận dụng sức mạnh của thương hiệu mẹ và tối ưu hoá chi phí marketing.
Xu hướng hiện nay là thương mại điện tử, doanh số thương mại điện tử của Vinamilk ngày càng đóng góp lớn với tốc độ tăng trưởng gấp đôi qua mỗi năm. Vinamilk sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng này.
Tiếp theo, Vinamilk sẽ tăng cải thiện trải nghiệm của người tiêu dùng, tương tác trên nhiều điểm chạm thông qua các nền tảng offline và online.
Tháng 9 sẽ chạy thương mại nhà máy chế biến thịt bò
Cập nhật về tiến độ dự án nhà máy sữa ở Hưng Yên, lãnh đạo Vinamilk thông tin dự kiến cuối năm nay khởi công và có thể đi vào hoạt động năm 2026. Dự án này sẽ giúp Vinamilk tăng cường nguồn cung, công suất sản xuất ở thị trường miền Bắc. Hiện Vinamilk có 13 nhà máy ở Việt Nam nhưng phần lớn tập trung ở khu vực miền Trung và Nam trong khi có chỉ có 1 nhà máy ở miền Bắc.
Ngoài ra nhà máy cũng sẽ giúp Vinamilk tiếp nhận thêm nguồn sữa từ trang trại tại Lào - hiện đã đi vào hoạt động nhưng Vinamilk sẽ có kế hoạch tăng đàn và sản lượng sữa đưa về Việt Nam sẽ nhiều hơn nên cần một nhà máy mới để tiếp nhận nguồn sữa này.
Về dự án liên doanh bò thịt với Sojitz, đại diện doanh nghiệp cho hay dự án đã bước vào những giai đoạn cuối cùng xây dựng nhà máy. Dự kiến tháng 9 sẽ tiến hành chạy thương mại nhà máy còn trang trại bò thịt dự kiến hoàn thành từ nay tới cuối năm. Hiện Vinamilk đã mở bán thử sản phẩm bò thịt với thương hiệu Vinabeef tại một số hệ thống siêu thị tại TP HCM, Hà Nội. Sau khi nhà máy và trang trại chính thức đi vào hoạt động sẽ cung ứng nhiều hơn ra thị trường.
Đối với sản phẩm thịt bò, trên thị trường chỉ có các sản phẩm nhập khẩu và đại diện Vinamilk cho biết hiện tại Vinamilk là đơn vị đi đầu. Với hệ thống phân phối rộng khắp Việt Nam của Vinamilk là cơ sở để liên doanh Sojitz đưa sản phẩm tiếp cận nhanh ra thị trường.
Nhiều cơ hội để tiết giảm đầu vào
Về câu chuyện rủi ro tăng giá nguyên vật liệu, lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận giá bột sữa đã quay về trước giai đoạn COVID-19. Trong thời gian sắp tới, chưa có lý do nào để giá bột sữa tăng trở lại. Thực tế, giai đoạn 2021 - 2022, giá sữa bột tăng do đứt gãy nguồn cung - nguyên nhân chính là ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Ngoài yếu tố nguồn cung thì nhu cầu sữa trên thế giới trong các năm gần đây cũng không cao. Cụ thể là thị trường Trung Quốc - nơi nhập khẩu nhiều bột sữa nhất thế giới thì nhu cầu của đất nước tỷ dân này với bột sữa từ New Zealand và Úc giảm nhất mạnh.
Có hai nguyên nhân, thứ nhất là câu chuyện kinh tế Trung Quốc dẫn tới việc thắt chặt tiêu dùng của người dân. Thứ hai, trong năm vừa qua, Chính phủ nước này đã hỗ trợ nhiều cho chăn nuôi trong nước, tăng đàn rất quyết liệt nên nguồn cung sữa trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu và giảm bớt áp lực nguồn cung bột sữa cho thị trường toàn cầu. Trong điều kiện như vậy, các đơn vị nhập khẩu bột sữa như Vinamilk có thể nhập khẩu với giá tốt hơn.
Diễn biến giá sữa bột nguyên kem (bên trái) và sữa bột tách béo (bên phải). (Nguồn: Global Dairy Trade).
Ngoài nguyên liệu nhập khẩu từ New Zealand thì Vinamilk cũng sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu trong nước như sữa tươi từ các trang trại. Hiện tại, giá sữa tươi đầu vào doanh nghiệp trả cho nông dân vẫn cao hơn so với giai đoạn trước COVID-19. Nếu thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi điều chỉnh giảm sẽ là cơ hội cho Vinamilk tiết giảm giá đầu vào.
Bên cạnh đó, đường cũng là nguyên liệu thiết yếu của Vinamilk. Giá đường do chính sách quản lý về thuế chống bán phá giá dẫn tới giá đường trong nước rất cao so với trước COVID-19 trong khi giá đường thế giới giảm nhưng giá trong nước chưa có điều chỉnh nhiều. Sắp tới, nếu giá đường nội địa điều chỉnh như giá đường toàn cầu thì cũng là một cơ hội cho Vinamilk cải thiện biên lợi nhuận, đại diện Vinamilk chia sẻ.
Xem thêm tại vietnambiz.vn