Hệ quả của quá trình tăng vốn nhanh trong thời gian ngắn
Cuộc họp đại hội đồng cổ đông là nơi doanh nghiệp thông qua kế hoạch và chiến lược kinh doanh, kế hoạch huy động vốn… Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, tình trạng không thể tổ chức đại hội lần 1, doanh nghiệp phải tổ chức lần 2, thậm chí lần 3 diễn ra nhiều hơn, làm phát sinh chi phí, đặc biệt là không thể triển khai kế hoạch gọi vốn, mở rộng đầu tư kịp thời.
Trước đây, tình trạng này hầu như chỉ diễn ra khi doanh nghiệp gặp sự cố rất lớn, thậm chí do lãnh đạo doanh nghiệp vướng vào lao lý như trường hợp của Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã chứng khoán JVC), Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã chứng khoán NDN), Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã chứng khoán LDG), thì nay đã xuất hiện ở cả doanh nghiệp quy mô lớn, thuộc tốp đầu trong lĩnh vực kinh doanh.
Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán VNDIRECT (mã chứng khoán VND) không thể tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông vào ngày 17/6/2024 như kế hoạch, khi số lượng nhà đầu tư tham dự dưới 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, không đảm bảo mức tối thiểu theo quy định. Đại hội lần 2 được tổ chức vào ngày 28/6, mặc dù thành công nhưng tỷ lệ tham dự chỉ đạt 41,91% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Những năm gần đây, VNDIRECT chạy đua tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cổ phiếu. Cụ thể, năm 2021 và 2022, Công ty có hai lần chào bán cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1, lần lượt chào bán 214,5 triệu cổ phiếu để huy động 3.110,46 tỷ đồng và chào bán 434,94 triệu cổ phiếu để huy động 4.349,4 tỷ đồng. Trong năm 2024, VNDIRECT chào bán 243,56 triệu cổ phiếu để huy động 2.435,6 tỷ đồng (kế hoạch chào bán kết thúc ngày 3/7/2024).
Bên cạnh việc tăng cường huy động vốn cổ phần, từ ngày 31/12/2020 tới 31/3/2024, VNDIRECT đã tăng tổng nợ vay thêm 87,5%, tương ứng tăng 8.892,2 tỷ đồng, lên 17.124,9 tỷ đồng, bằng 111,3% vốn chủ sở hữu. Dòng tiền huy động được Công ty đẩy mạnh cho vay giao dịch chứng khoán, đồng thời mở rộng danh mục tự doanh. Theo đó, khoản mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 14,6 lần, tương ứng tăng thêm 15.391,4 tỷ đồng, lên 16.445,1 tỷ đồng, chiếm 39,8% tổng tài sản (cuối năm 2020 chỉ chiếm 7% tổng tài sản), chủ yếu là khoản mục đầu tư trái phiếu chưa niêm yết với 8.698,1 tỷ đồng.
Trong các mùa đại hội cổ đông gần đây, cổ đông đều chất vấn về chất lượng tài sản khi VNDIRECT liên tục đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp năng lượng tái tạo và đại hội lần 2 năm 2024 cũng vậy, cổ đông tập trung câu hỏi vào khoản đầu tư liên quan tới Trung Nam.
Về vấn đề này, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNDIRECT cho biết: “Trường hợp xấu nhất, nếu Trung Nam gặp vấn đề, VNDIRECT cũng có thiệt hại, nhưng không quá lớn, bởi chúng tôi làm gì cũng đều tính toán. Trong đó, Trung Nam chủ yếu làm các dự án điện đã đi vào hoạt động, khác hoàn toàn với các dự án không có dòng tiền. Hơn hết, lượng trái phiếu mà Trung Nam phát hành tại VNDIRECT có quy mô không lớn và đều có tài sản đảm bảo”.
Trái với sự tự tin của Ban lãnh đạo về chất lượng tài sản nắm giữ, VNDIRECT liên tục ghi nhận tỷ lệ cổ đông tham dự đại hội cổ đông suy giảm sau các đợt tăng vốn. Nếu như năm 2020, tỷ lệ tham dự đại hội là 72%, thì năm 2021 là 51,75%, năm 2022 là 53,91%, năm 2023 là 51,23%, năm 2024 chỉ đạt 41,91% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tính đến 31/12/2023, VNDIRECT chỉ có một cổ đông lớn là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư I.P.A (mã chứng khoán IPA), sở hữu 25,84% vốn điều lệ, trong khi cuối năm 2019, nhóm 5 cổ đông lớn gồm IPA, PYN Elite Fund, Vietnam Investments Fund I, L.P và Yurie Vietnam Securities Investment Trust (Stock) sở hữu 45,05% vốn điều lệ.
Như vậy, cùng với các đợt tăng vốn, từ cuối năm 2019 tới cuối năm 2023, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhỏ tại VNDIRECT đã tăng từ 54,95% lên 74,16% vốn điều lệ.
Nhiều doanh nghiệp khác có cơ cấu cổ đông phân tán
Vấn đề lớn nhất ở các doanh nghiệp không thể tổ chức đại hội cổ đông năm 2024 là cơ cấu cổ đông phân tán, cổ đông lớn sở hữu với tỷ lệ quá thấp.
Trong mùa đại hội cổ đông năm 2024, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn khác cũng phải tổ chức lần 2 mới thành công.
Tại Công ty cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, mã chứng khoán HDC), đại hội lần 1 diễn ra ngày 6/4 chỉ có đại diện 47,91% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Tới đại hội lần 2 tổ chức ngày 2/5, tỷ lệ tham dự giảm còn 36,05%. Do đại hội lần 2 chỉ cần đảm bảo mức tối thiểu 33% tham dự, nên đại hội đã được tổ chức.
Tính đến 31/12/2023, Hodeco chỉ có một cổ đông lớn là ông Đoàn Hữu Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, sở hữu 9,84% vốn điều lệ.
Tương tự, cuộc họp đại hội đồng cổ đông ngày 29/4/2024 của Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship, mã chứng khoán VSC) chỉ có đại diện 36,7% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Đại hội lần 2 tổ chức ngày 10/6 có tỷ lệ tham dự là 36,45% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Viconship hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 1.333,96 tỷ đồng lên 2.667,9 tỷ đồng vào ngày 19/4/2024, nhưng Công ty không có cổ đông lớn, 100% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông nhỏ (tỷ lệ sở hữu dưới 5%).
Một doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công và cổ phiếu liên tục nổi sóng trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 là Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Đèo Cả, mã chứng khoán HHV) cũng có cổ đông phân tán nên tỷ lệ tham dự đại hội đồng cổ đông lần 1 năm 2024 ngày 26/4 chỉ đạt 36,8% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Tỷ lệ này tại đại hội lần 2 là 34,02%.
Trong quý I/2024, Đèo Cả đã tăng vốn điều lệ từ 3.293,5 tỷ đồng lên 4.116,8 tỷ đồng. Sau đợt tăng vốn, Công ty chỉ có một cổ đông lớn là Công ty cổ phần Đầu tư Hải Thạch B.O.T, sở hữu 16,09% vốn điều lệ.
Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital cho rằng, các doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông không thành công có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nhóm cổ đông lớn, ban lãnh đạo không còn sở hữu đủ tỷ lệ chi phối, khiến việc tổ chức đại hội phụ thuộc vào cổ đông nhỏ.