Đảm bảo hài hòa lợi ích “3 nhà” khi áp thuế GTGT 5% với phân bón

Áp thuế đem lại lợi ích tổng thể

Thông tin về chính sách thuế GTGT đối với phân bón theo luật hiện hành, TS. Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12, phân bón là một trong những mặt hàng không chịu thuế GTGT.

Điều này có nghĩa các DN sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón.

Theo TS Phùng Hà, việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón sụt giảm đáng kể.

“Chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, nhìn một cách tổng thể đối với lợi ích xã hội sẽ góp phần tăng ngân sách nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế TNDN, thuế TNCN…”, TS. Phùng Hà nhấn mạnh.

Dẫn số liệu của Bộ Tài chính, đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của DN từ năm 2015 đến nay đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng.

Đơn cử, trong giai đoạn 2016-2020, Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) có khoản thuế GTGT đầu vào là 1.857 tỷ đồng, trong đó, năm 2016 là 284 tỷ đồng; năm 2017 là 371 tỷ đồng; năm 2018 là 518 tỷ đồng; năm 2019 là 358 tỷ đồng và năm 2020 là 326 tỷ đồng.

Số thuế này phải hạch toán vào chi phí dẫn đến khoản lợi nhuận trước thuế hàng năm sẽ giảm tương ứng. Theo TS. Phùng Hà, khi không được nhận lại thuế GTGT, doanh nghiệp sản xuất phân bón có 2 lựa chọn: hoặc khoản lợi nhuận trước thuế hàng năm giảm tương ứng hoặc điều chỉnh giá bán ra khiến giá phân bón tới tay người tiêu dùng có thể tăng cao.

Bên cạnh đó, việc không áp thuế GTGT cũng ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của DN sản xuất phân bón trong nước.

Theo đó, áp dụng Luật 71, phân bón nhập khẩu sẽ không có thuế GTGT, điều này có lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài khi xuất khẩu phân bón sang Việt Nam và làm ảnh hưởng nặng nề đến các DN sản xuất trong nước.

Cùng với đó, khi áp dụng Luật 71, các DN sẽ không đầu tư hoặc đắn đo khi đầu tư sản xuất phân bón trong nước, nhất là các loại phân bón góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giảm tác động của biến đổi khí hậu do không được hoàn thuế GTGT cho nhà xưởng, thiết bị.

Từ những lí do đó, đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, cần thiết phải chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%.

Nhà nước, nông dân và DN đều được lợi

Sửa đổi thuế GTGT đối với phân bón là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng, các DN sản xuất kinh doanh, của nông dân trong cả nước.

Hiện đang có các quan điểm khác nhau về vấn đề này. Một mặt, có những ý kiến cho rằng sửa đổi thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón là hết sức cần thiết, mặt khác, cũng có nhiều ý kiến cho rằng sửa đổi thuế GTGT sẽ chỉ có lợi cho DN, còn người nông dân thì sẽ phải chịu thiệt thòi.

Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, việc áp dụng thuế GTGT 5% với phân bón mang lại lợi ích 3 nhà: nhà nước, nông dân và DN.

Trong ngắn hạn, việc áp thuế GTGT có thể khiến giá phân bón tăng, người nông dân phải bỏ thêm chi phí sản xuất, nhưng về lâu dài, họ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Đối với ngân sách, theo thống kê của cơ quan quản lý thu thì số thu về thuế GTGT luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu ngân sách nhà nước.

Do đó, khi áp thuế GTGT đối với phân bón, Nhà nước có thêm nguồn thu khi sửa đổi thuế GTGT. Đối với người nông dân, trong ngắn hạn thì giá phân bón sẽ tăng lên và người nông dân sẽ chịu thiệt một chút do phải bỏ thêm tiền để mua phân bón.

Tuy nhiên, trong thời gian dài hơn, người nông dân sẽ được hưởng lợi từ chính sách thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón.

Theo đó, DN sản xuất phân bón được khấu trừ thuế đầu vào nên chi phí đầu tư giảm, giá thành sản xuất sẽ giảm đi. DN có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón có hàm lượng kỹ thuật cao, thế hệ mới giúp làm tăng năng suất và hiệu quả của sản xuất, từ đó làm tăng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả công tác trồng trọt một cách bền vững.

Nhà nước thu được một khoản thuế từ mặt hàng phân bón nên có thêm điều kiện để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học... qua đó, giúp người nông dân tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước.

Thông tin về kết quả phân tích định lượng tác động của việc áp thuế GTGT 5% đối với phân bón, TS. Trần Thị Hồng Thủy, Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam cho biết, giá bán phân bón tới tay người tiêu dùng như giá phân ure, DAP và lân trong nước có thể giảm, giá phân NPK có thể tăng không đáng kể hoặc giữ nguyên; giá urê, DAP, NPK nhập khẩu có thể tăng.

Cụ thể, sau khi DN được khấu trừ thuế, thì giá phân bón sản xuất trong nước như ure giảm 2%, DAP giảm 1,13%, lân giảm 0,87%, NPK tăng 0,09%, nhờ đó, tổng chi phí nông dân bỏ ra giảm khoảng 453 tỷ đồng.

Ngược lại, phân bón nhập khẩu sẽ tăng 5%, làm tăng tổng chi phí của nông dân lên khoảng 988 tỷ đồng. Theo TS. Trần Thị Hồng Thủy, kịch bản áp thuế GTGT 5% sẽ có thể dẫn đến thay đổi giá các sản phẩm phân bón, trong đó, phân bón sản xuất trong nước sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về giá so với các sản phẩm nhập khẩu.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn