Đầu tư công tạo động lực cho nhiều nhóm cổ phiếu

Giải ngân đầu tư công được ưu tiên thúc đẩy

Năm 2025, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công với nhiều dự án lớn kéo dài trong nhiều năm. Hơn thế, năm nay là năm cuối cùng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, vì vậy, các dự án đầu tư công đang triển khai sẽ được đẩy nhanh tiến độ để đạt mục tiêu. Đây là động lực lớn thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng, tạo việc làm và kích cầu tiêu dùng nội địa.

Trong các giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc thúc đẩy đầu tư công, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia… được quyết liệt thực hiện. Chính phủ đặt kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt khoảng 790.000 tỷ đồng, tăng 2% so với kế hoạch 2024 ban đầu và tăng 18% so với kế hoạch 2024 điều chỉnh.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, thông thường, kế hoạch đầu tư công thường tính đến tháng 1/2025. Vì vậy, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đang tập trung thúc đẩy các chương trình đầu tư công.

Theo ông Long, đầu tư công luôn là động lực rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, nhất là ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Về lý thuyết, khi đầu tư công tăng 1%, sẽ đóng góp tương ứng vào tăng trưởng của GDP của năm đó. Tuy nhiên, điều này không quan trọng bằng việc đầu tư công sẽ tạo ra một cơ sở hạ tầng tốt để thúc đẩy các lĩnh vực, ngành nghề khác phát triển trong dài hạn.

BSC đánh giá, từ năm 2025, đầu tư công sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn đối với sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành và các khu công nghiệp mới.

Từ góc nhìn của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường chứng khoán, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), năm 2025 là một năm đặc biệt khi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, cũng là năm cuối của nhiệm kỳ 2020 - 2025, được coi là năm mà những quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị sẽ được đẩy lên cao. Điều này cũng phù hợp với định hướng ở Nghị quyết 158 phải đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025. Trong đó, mục tiêu cụ thể là GDP tăng trưởng từ 6,5 - 7% và phấn đấu đạt 7,0 - 7,5%. Vì vậy, việc giải ngân đầu tư công được ưu tiên thúc đẩy.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công bắt đầu tăng tốc trong tháng 11/2024, sau hai quý trì trệ, với giá trị vốn thực hiện của Nhà nước đạt 75.900 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 5/2024. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công ghi nhận mức tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023, lên 572.100 tỷ đồng (tương đương 22,3 tỷ USD).

Động lực cho nhiều nhóm cổ phiếu

Trên thị trường chứng khoán năm qua, nhóm cổ phiếu đầu tư công lại đi lùi. Đơn cử, so với thời điểm đầu năm 2024, hầu hết các cổ phiếu xây lắp như C4G (của Công ty cổ phần Cienco 4), HHV (của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả), hay CII (của Công ty cổ phần Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM)… đều ghi nhận mức giảm hơn 10%, trong khi chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 12% trong năm 2024.

Theo lý giải của ông Trần Hoàng Sơn, đà giảm của nhóm cổ phiếu đầu tư công phản ánh thực trạng giải ngân đầu tư công chậm chạp trong năm qua. Tuy nhiên, với việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, cùng với mức nền giá cổ phiếu đang ở mức khá hấp dẫn, chuyên gia BSC kỳ vọng, đây sẽ là nhóm có nhiều dư địa tăng trưởng trong năm 2025.

Nhận định được ông Trần Thăng Long đưa ra, chính sách đầu tư công có tác động lan tỏa đến rất nhiều nhóm cổ phiếu khác nhau, trực tiếp là nhóm xây lắp, vật liệu. Nhiều ngành, lĩnh vực khác được hưởng lợi gián tiếp, điển hình như logistics, do cơ sở hạ tầng phát triển giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành này. Ngoài ra, hưởng lợi chậm hơn một chút nhưng dự báo sẽ có sự tăng trưởng tốt khi nền kinh tế tăng tốc, cùng sự sôi động của thị trường là nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.

Ông Long nhấn mạnh, nếu môi trường vĩ mô thuận lợi, thị trường chứng khoán sôi động hơn, đây sẽ là ba nhóm ngành mà nhà đầu tư nên quan tâm trong năm 2025.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý về yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công. Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng ở một số dự án bị chậm do vấn đề bồi thường, nhiều dự án đối mặt với nguy cơ giá vốn bị đẩy lên cao so với giá dự toán do tiền bồi thường không còn như trước. Thậm chí, có những dự án bị tồn đọng hồ sơ từ năm 2022, 2023 nhưng đến nay chưa được giải quyết. Vấn đề thanh, kiểm tra các dự án thời gian qua cũng ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án. Dù vậy, với hành động quyết liệt, tính pháp lý cụ thể và phân cấp mạnh mẽ hơn khi Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 là những điểm nhấn để giá trị giải ngân đầu tư công tăng tốt trong năm tới.

Nhóm cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng được nhận định hưởng lợi trực tiếp từ chính sách đầu tư công, nhưng theo giới chuyên gia, cần xem xét đến nhiều yếu tố như tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào (như thép, xi măng), nhân công biến động ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận của các nhà thầu thi công. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các nhà thầu trong việc giành hợp đồng từ các dự án lớn là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận của gói thầu. Vì vậy, nhà đầu tư cần ưu tiên các doanh nghiệp đầu ngành, có chiến lược phát triển bền vững và khả năng nhận được nhiều gói thầu lớn từ các dự án đầu tư công.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn