Đây là thời điểm hợp lý để tích lũy cổ phiếu xuất nhập khẩu?
BSC vừa có báo cáo khuyến nghị triển vọng cổ phiếu nhóm xuất nhập khẩu với điểm nhấn đây là thời điểm hợp lý để mua vào tích lũy nhóm này.
Theo đó, dựa trên những dữ liệu thu thập được và xu hướng tập trung hóa tiếp tục được đẩy mạnh sau giai đoạn khó khăn khi các doanh nghiệp đầu ngành (VHC, MWG, PNJ,…) và các doanh nghiệp quy mô vừa tận dụng năng lực cạnh tranh (TNG,..) - đã chiếm thêm được thị phần trong 2023, kết hợp với tối ưu hóa vận hành, BSC kì vọng kết quả kinh doanh 2024 sẽ phục hồi trên mức nền thấp 2023 khi nhu cầu phục hồi.
Tuy nhiên, mức độ phục hồi có độ trễ tăng dần: nhóm xuất nhập khẩu được hưởng lợi trước tiên, sau đó đến nhóm cảng và vận tải biển và cuối cùng là tiêu dùng trong năm 2024.
BSC cho rằng đây là thời điểm hợp lý để tích lũy/mua vào nhóm các cổ phiếu xuất nhập khẩu đặc biệt là hai nhóm thủy sản và dệt may do nhận thấy một số tín hiệu hồi phục ban đầu của nhóm ngành, như tái tuyển dụng của nhóm dệt may, da giày tại khu vực các tỉnh phía Nam hay chênh lệch cung cầu dần thu hẹp của cá tra xuất khẩu trong Q4/2023.
Nhóm thủy sản và dệt may đang được giao dịch ở mức PE FW 2024 lần lượt 9.6 lần và 7.9 lần mức hợp lý để tích lũy cổ phiếu cho một giai đoạn phục hồi mới trong 2024. Theo quan sát của BSC, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc hai nhóm tương đối nhạy cảm với thông tin đơn hàng và giá xuất khẩu, đồng thời sẽ phản ánh trước so với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Do vậy, BSC cho rằng đây là thời điểm hợp lý để tích lũy cổ phiếu cho nhóm Dệt May và Thủy sản khi định giá chỉ tương đương mức định giá ở đầu của chu kỳ hồi phục trước đo (cuối 2020) và thấp hơn nhiều so với trung bình của giai đoạn hồi phục với lần lượt 9.3 lần và 12 lần.
Với nhóm thủy sản, BSC kỳ vọng kết quả kinh doanh hồi phục nhờ kỳ vọng giá và sản lượng đi các thị trường xuất khẩu chính hồi phục trong khi giá thức ăn chăn nuôi giảm. Sản lượng xuất khẩu kỳ vọng hồi phục nhờ nhu cầu tiêu thụ cá tra dần hồi phục do lạm phát giảm, chi tiêu của người dần tăng dần trở lại về phía cuối năm 2024, 2025 chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các doanh nghiệp cá tra thâm nhập kênh siêu thị tại Trung Quốc.
Giá cá tra xuất khẩu đi Mỹ, Trung Quốc kỳ vọng hồi phục lần lượt 10%/3% yoy nhờ nhu cầu cá tra hồi phục, nguồn cung thu hẹp do các hộ nuôi không đạt hiệu quả kinh tế và thủy văn không thuận lợi trong nửa đầu năm 2024.
Nhóm dệt may được kỳ vọng kết quả kinh doanh hồi phục nhờ triển vọng đơn hàng/đơn giá hồi phục khi nhu cầu tại thị trường Mỹ dần tăng trở lại về phía cuối năm 2024 và tiết giảm chi phí lãi vay trong 2024.
Áp lực tồn kho giảm tại Mỹ. Tồn kho quần áo tại Mỹ = 2.161 tỷ USD giảm -10% so với vùng đỉnh, trở lại tương đương mức tồn kho của năm 2022 nhờ nhãn hàng tập trung đẩy, xử lý tồn kho trong 2023; thông qua các đợt giảm giá cuối năm và đầu năm 2023/2024 (Black Friday, Cyber Monday,…). Hiện tại, BSC nhận thấy tín hiệu đơn hàng quay trở lại khi các doanh nghiệp dệt may/da giày bắt đầu tái tuyển dụng trở lại ở khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam.
Kỳ vọng thị trường bán lẻ quần áo Mỹ dần hồi phục về phía cuối năm 2024 nhờ chi tiêu của người dân tăng trở lại do lạm phát duy trì xu thế giảm; kinh tế Mỹ kỳ vọng hồi phục trong 2H.2024 – 2025; doanh số bán lẻ quần áo đã tạo mức nền mới khả quan hơn so với cuối năm 2022 đầu năm 2023.
Đơn giá dệt may xuất khẩu đã tạo đáy trong 2023 và kỳ vọng hồi phục trong 2024 nhờ nhu cầu may mặc hồi phục giúp các nhãn hàng không phải giảm giá để đẩy tồn (ii) tăng khối lượng hàng giá trị gia tăng cao, hàng khó, phức tạp (áo jacket, áo thu đông,…). Tiết giảm chi phí lãi vay nhờ mặt bằng lãi vay thấp trong 2024.
Nhìn chung trong 2023, nhiều doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng mạnh bởi lãi vay tăng cao như TNG, MSH,… sang năm 2024, khi lãi suất đi vay đã giảm BSC kỳ vọng việc tiết giảm chi phí lãi vay sẽ đóng góp vào khoảng 20% - 30% lợi nhuận tăng thêm của MSH và TNG trong 2024.
Xem thêm tại vneconomy.vn