Đề án 1 triệu ha lúa: Sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vốn

Nỗi trăn trở

Sau 2 năm trồng lúa sạch, ông Võ Thanh Hải, ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho biết, riêng 2 ha lúa nằm trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, chi phí sản xuất giảm.

Đơn cử, lượng lúa giống sạ cho 1 ha giảm còn 80 kg, thay cho 120 kg như trước kia. Ước tính tổng chi phí trước đây cho 1 ha trồng lúa truyền thống là 1,8 triệu đồng, giờ còn 1,2 triệu đồng và năng suất lại tăng lên.

“Với giá lúa hiện trên 8.000 đồng/kg thì lợi nhuận trồng lúa thuộc đề án này tăng lên 50%, thay vì 30% như sản xuất lúa truyền thống lâu nay. Mỗi héc-ta cho thu hoạch 6-7 tấn lúa, số tiền bán được là hơn 40 triệu đồng, trong đó lợi nhuận thu về là trên 20 triệu đồng, nên người nông dân mong muốn nhân rộng mô hình trồng lúa giảm phát thải môi trường. Tuy nhiên, để làm được điều này, người trồng lúa đề xuất được vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Thắng Lợi, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong xu hướng sản xuất nông nghiệp là phải giảm tác hại đến môi trường, trồng lúa an toàn, hợp tác xã có 50 ha trồng lúa giảm phát thải, giảm tác hại môi trường.

Theo đó, trồng lúa giảm phát thải có lượng phân bón giảm từ 60 kg xuống còn 40 kg so với trồng lúa theo cách thông thường, song song với đó là giảm khoảng 30% nhân công lao động…

“Mô hình hợp tác xã tới đây là ngoài đồng ruộng không có dấu chân người, hay nói cách khác là cơ giới hóa nông nghiệp, phải tính theo chứng chỉ carbon, nên chương trình 1 triệu ha lúa rất tốt cho người nông dân và hợp tác xã là cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân”, ông Hùng nói và chia sẻ thêm, Hợp tác xã Thắng Lợi dự định mở rộng thêm 100 ha trồng lúa, nên nếu được tham gia chuỗi đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, người nông dân được thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp.

Phương thức sản xuất sẽ chuyển sang nông nghiệp số với mọi thông tin, dữ liệu về giống lúa, ngày gieo hạt, bón phân… đều được lưu trữ trong máy điện thoại thông minh.

“Vấn đề chúng tôi quan tâm đó là nguồn vốn, đặc biệt là vốn trung - dài hạn sẽ giải quyết như thế nào, tài sản bảo đảm cho khoản vay sẽ ra sao?”, ông Hùng nói.

Câu chuyện ở Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp riêng 10 tháng đầu năm 2024 đã xuất khẩu trên 150.000 tấn gạo với doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng cho thấy có mối liên kết chặt chẽ. Ông Nguyễn Khắc Duy, Phó giám đốc Công ty cho biết, doanh nghiệp hiện tham gia chuỗi liên kết, bao tiêu lúa gạo cho nông dân với quy mô liên kết khoảng 2.000 ha.

Doanh nghiệp có liên kết nông dân, từ gieo trồng đến canh tác, định hướng sản xuất các giống lúa chất lượng cao như ST 25, Nàng Hoa… phục vụ thị trường khó tính.

“Lúa được kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu sẽ bán được vào thị trường châu Âu, Mỹ, giá tăng cao hơn 1.000-2.000 đồng/kg so với thông thường. Khi chất lượng lúa ổn định, doanh nghiệp mạnh dạn ký đơn hàng xuất vào những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Canada…”, ông Duy nói và cho hay, sản xuất - kinh doanh trong nông nghiệp cũng cần tiếp cận vốn vay qua ngân hàng nhưng phải có tài sản đảm bảo, trong khi đây là lĩnh vực mang tính chất mùa vụ, thu hoạch rộ vào một thời điểm và khả năng tài chính của doanh nghiệp hạn chế. Đặc biệt, để yên tâm đầu tư kho bãi, thu mua, xuất khẩu lúa thuộc đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, cũng như các doanh nghiệp khác, Công ty Chơn Chính mong muốn được ngân hàng thương mại cho vay vốn.

“Tôi mong muốn vay thêm 150-200 tỷ đồng từ ngân hàng với lãi suất 4-5%/năm. Số vốn này sẽ được dùng để thu mua lúa, nhất là nguồn vốn trung - dài hạn cho mở rộng diện tích kho chứa lên gấp đôi 50.000 tấn lúa so với hiện nay, cùng hệ thống sấy tương đương công suất 1.000 tấn/ngày. Bởi đến thời điểm thu hoạch, sản lượng lúa được thu mua tập trung nhiều thì phải sấy ngay nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng lúa ổn định, đồng đều”, ông Duy đề nghị.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, tỉnh Cần Thơ, doanh nghiệp có thâm niên hơn 30 năm tham gia chế biến và xuất khẩu lúa gạo tập trung xuất khẩu vào các thị trường chính ở châu Âu, châu Á, Trung Đông… đề xuất: “Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quan tâm chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trung - dài hạn để đầu tư nhà máy, dây chuyền sấy lúa và hệ thống kho chứa hiện đại. Đồng thời, cần cung cấp nguồn vốn tín dụng ngắn hạn nhanh chóng, kịp thời để thu mua lúa cho nông dân khi vào vụ thu hoạch”.

Giải tỏa khúc mắc

Trước ý kiến của người dân và doanh nghiệp về việc vay vốn ưu đãi nói chung và vay vốn trung - dài hạn nói riêng, bà Phùng Thị Bình - Phó tổng giám đốc Agribank, ngân hàng chủ lực cho vay trong giai đoạn đầu thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, các ngân hàng tối kỵ với việc sử dụng vốn ngắn hạn cho mục đích trung - dài hạn bởi điều này trước tiên làm khó cho doanh nghiệp, sau đó là ngân hàng.

Tại Agribank, tỷ trọng cho vay trung - dài hạn còn rất thấp so với quy định của NHNN nên nếu khách vay là đối tượng tham gia đề án có nhu cầu vốn trung - dài hạn, Agribank cam kết đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Điểm Agribank quan tâm nhất là khách hàng sử dụng vốn như thế nào thì Ngân hàng sẽ cấp vốn như vậy.

“Lãi suất cho vay phục vụ đề án thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn theo đối tượng khách hàng/xếp hạng tín dụng... của Agribank trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm 31/10/2024, tăng trưởng tín dụng của Agribank đạt 7,5% - cao hơn rất nhiều so với nửa đầu năm, cho thấy nhu cầu vốn của nền kinh tế đã trở lại, trong khi hạn mức tín dụng năm 2024 của Agribank được NHNN giao là 12,5% và sẽ thực hiện tối thiểu là 11%, nên người dân và doanh nghiệp không phải quan ngại về hạn mức tín dụng của Ngân hàng”, bà Bình nói, đồng thời chia sẻ thêm, trước đây, các doanh nghiệp thu mua lúa qua thương lái khiến lợi nhuận san sẻ cho nhiều bên tham gia, còn nay, với chuỗi liên kết, doanh nghiệp sẽ thu mua trực tiếp từ nông dân, đồng thời có những cam kết hợp đồng cụ thể về giá thu mua, sản lượng, chất lượng lúa…

“Hay nói cách khác, triển khai đề án, chương trình cho vay theo chuỗi liên kết, Agribank mong muốn các đối tượng có liên quan cùng tham gia thực hiện trực tiếp để mang về lợi ích cho các bên. Đây là cách thức thực hiện được nhiều nước trên thế giới triển khai”, bà Bình nói.

Trước câu hỏi về việc có riêng một gói tín dụng cho đề án này không, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho hay: “Không cần đặt ra một con số cụ thể, nhưng tôi khẳng định nhu cầu vốn cho chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao cần bao nhiêu thì ngành ngân hàng sẽ tích cực tham gia và đáp ứng. Bởi lẽ, chương trình mới triển khai thí điểm một năm mà khảo sát thực tế đã cho thấy hiệu quả tích cực. Do vậy, không có lý do gì mà chúng ta không tập trung nguồn lực cho dự án hiệu quả, mang ý nghĩa chính trị, kinh tế rất quan trọng này”.

Ông Trần Thành Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao chỉ đạo của NHNN và Agribank - ngân hàng tiên phong tham gia dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện đề án được Nhà nước hỗ trợ một phần ngân sách, phần còn lại huy động nguồn lực xã hội do NHNN chỉ đạo thực sự là “cú huých” thúc đẩy các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là tổ chức lại hoạt động sản xuất lúa gạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giúp đem lại giá trị cao nhất cho ngành sản xuất lúa gạo và người nông dân.

“Qua thực tế ghi nhận giai đoạn thí điểm, để việc triển khai đề án thuận lợi, hiệu quả, tôi kiến nghị NHNN, Agribank và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thảo luận, xây dựng chính sách chi tiết hơn nữa”, ông Nam nói.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn