Đại hội đã nhận được sự đồng thuận cao, thông qua nhiều quyết sách quan trọng về kế hoạch kinh doanh năm 2024, mục tiêu lợi nhuận 4.000 tỷ đồng, chia cổ tức 25%, mở rộng mạng lưới, bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị…
Đối với kế hoạch kinh doanh năm 2024, ĐHĐCĐ thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 4.000 tỷ đồng, tăng 21%; Tổng tài sản đạt 232.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023; Dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế ở mức 160.000 tỷ đồng, tăng 13%, đồng thời, đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hàng năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và giấy tờ có giá ở mức 178.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước…
Bên cạnh đó, Đại hội cũng thống nhất việc tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.145 tỷ đồng, từ mức 10.580 tỷ đồng lên mức 13.725 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP). Việc tăng vốn điều lệ năm 2024 nhằm thực hiện định hướng chiến lược phát triển Nam A Bank đến năm 2025, tầm nhìn 2030; nâng cao năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro.
Trong đó, Nam A Bank sẽ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 25%, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 2.654 tỷ đồng. Nguồn phát hành là lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 (sau khi đã trích các quỹ) và lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước. Đối với ESOP, Nam A Bank dự kiến sẽ phát hành 50 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ tăng thêm 500 tỷ đồng.
Đối tượng phát hành là cán bộ nhân viên của ngân hàng, giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi hoàn thành tăng vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng hợp nhất sẽ lên 11,96%, tăng 0,8 điểm % so với cuối năm 2023.
Ngoài kế hoạch tăng vốn, Đại hội thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ tối đa 2.000 tỷ đồng hoặc 100 triệu USD trong năm 2024 hoặc 2025 với kỳ hạn trái phiếu tối đa là 5 năm.
Cổ đông cũng tiếp tục đồng thuận kế hoạch thành lập ngân hàng 100% vốn của Nam A Bank hoặc chi nhánh Nam A Bank tại nước ngoài, khu vực triển khai tại các nước Đông Nam Á. Thông qua chủ trương, Ngân hàng sẽ tiếp tục tham gia hoạt động tái cơ cấu các quỹ tín dụng nhân dân, đồng thời ủy quyền cho HĐQT trong việc lựa chọn và quyết định phương án tham gia trình Ngân hàng Nhà nước xem xét, phê duyệt.
Về công tác nhân sự cấp cao, ông Trần Khải Hoàn, Phó tổng giám đốc thường trực Nam A Bank được bầu vào thành viên HĐQT nhiệm kỳ VIII (2021 - 2026). Như vậy, HĐQT Nam A Bank sẽ có thêm một thành viên, nâng tổng số lên 7 thành viên, trong đó ông Trần Ngô Phúc Vũ là Chủ tịch HĐQT; 2 Phó chủ tịch là ông Trần Ngọc Tâm và bà Võ Thị Tuyết Nga.
Năm 2023, Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 3.300 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2022; Tổng tài sản đạt hơn 210.000 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với đầu năm; Huy động vốn đạt gần 165.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm; Dư nợ cho vay đạt gần 142.000 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với đầu năm.
Về phát triển mạng lưới, năm 2023, Ngân hàng đã khai trương và đưa vào hoạt động 32 điểm kinh doanh truyền thống và giao dịch số tự động ONEBANK. Cuối năm 2023, NHNN đã chấp thuận cho Nam A Bank thành lập thêm 5 chi nhánh, 3 phòng giao dịch. Năm 2024 Nam A Bank sẽ mở mới 30 điểm ONEBANK. Như vậy, Nam A Bank sở hữu gần 250 điểm kinh doanh trên toàn quốc, trong đó có gần 150 điểm kinh doanh truyền thống (chi nhánh, phòng giao dịch) và 100 điểm ONEBANK.
Mới đây, Nam A Bank cũng chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE, hoàn thành kế hoạch mà ĐHĐCĐ đã giao. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh, gia tăng giá trị cho cổ đông và sự phát triển bền vững của Ngân hàng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về kỳ vọng đột phá nào về giá cổ phiếu NAB trong năm 2024, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, việc niêm yết cổ phiếu NAB trên sàn thì giá cổ phiếu sẽ theo quy luật cung cầu. Mức đột phá phụ thuộc vào cung cầu và diễn biến chung của thị trường. Mọi thông tin hoạt động của Nam A Bank sẽ được công khai minh bạch trên sàn chứng khoán theo quy định.