Sắc đỏ tràn ngập, VN-Index lùi về mốc 1.230 điểm

Những phiên giảm với biên độ rộng hơn, liên tục xuyên qua ngưỡng hỗ trợ mạnh trong những ngày đầu năm, đặc biệt là thanh khoản liên tục sụt giảm, thậm chí về mức thấp kỷ lục trong gần 2 năm trong phiên 9/1, đã khiến thị trường “lệch pha” khỏi xu hướng tích lũy để đi lên như giới phân tích đã kỳ vọng.

Trong phiên giao dịch sáng 10/1, mặc dù VN-Index khá nỗ lực để có những nhịp bật hồi, nhưng lực cầu suy yếu trong khi lực bán vẫn chiếm áp đảo khiến thị trường nhanh chóng trở lại với sắc đỏ và chỉ số chung tạm khép lại với mức giảm nhẹ gần 4 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn duy trì trạng thái “ru ngủ” và có chút bật hồi nhẹ trở lại vùng giá 1.240 điểm sau khoảng 1 giờ giao dịch. Khi nhà đầu tư đang nuôi hy vọng thị trường sẽ hồi phục thành công, thì bất ngờ đã xảy ra khiến nhà đầu tư bừng tỉnh.

Dù áp lực bán tháo chưa xảy ra nhưng việc các cổ phiếu lớn bé đua nhau giảm sâu, đẩy VN-Index về mốc 1.230 điểm, trong khi dòng tiền vẫn kém tích cực với thanh khoản vẫn ở dưới mức trung bình 20 phiên, điều này càng thị trường trở nên tiêu cực hơn và việc lo ngại rơi về mốc 1.200 điểm là hoàn toàn có thể.

Chốt phiên, sàn HOSE chỉ có 78 mã tăng và tới 338 mã giảm, VN-Index giảm 15,29 điểm (-1,23%), xuống 1.230,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 499,3 triệu đơn vị, giá trị 11.235,1 tỷ đồng, tăng 48,5% về khối lượng và 49,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 25 triệu đơn vị, giá trị 797,9 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng diễn biến kém khả quan khi kết phiên giảm hơn 17,5 điểm, với 26 mã giảm và chỉ còn 3 mã thoát sự điều chỉnh là SSB tăng 2,1%, BVH tăng 1% và CTG tăng 0,3%, cùng SAB đứng giá tham chiếu.

Ở top cổ phiếu giảm trong rổ bluechip, cổ phiếu HDB vẫn giảm sâu nhất khi để mất 3,4% và kết phiên đứng tại mức giá thấp nhất ngày 21.600 đồng/CP; tiếp theo là STB giảm 3,3%, SSI giảm 2,9%, MSN giảm 2,7%...; trong khi BID và TCB là 2 mã tác động mạnh nhất khi lấy đi gần 2,5 điểm của chỉ số chung, kết phiên tương ứng giảm 2,1% và 2,3%.

Điểm tích cực nhỏ nhoi duy nhất là đà bán tháo chưa xảy ra trên diện rộng khi toàn thị trường chỉ có 4 mã là SBV, YEG, CCI, HAP nằm sàn; trong khi các mã APG, ST8, STG đã lội ngược dòng thị trường chung và đóng cửa tăng kịch trần.

Xét về nhóm ngành, toàn thị trường chỉ có nhóm dịch vụ tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm giữ được đà tăng nhẹ; trong khi phần lớn đều giảm sâu hơn. Trong đó, viễn thông đi đầu với mức giảm hơn 4%, với FPT giảm hơn 1%, ELC, CMG, CTR, FOX đều giảm hơn 2%, VGI giảm 4,6%...

Đứng ở vị trí thứ 2 là nhóm cổ phiếu chứng khoán khi hầu hết các mã đều giảm sâu về mức giá thấp nhất trong phiên, ngoại trừ duy nhất đột biến tại APG. Trong đó, SSI và VIX lần lượt giảm 2,9% và 3,8%, là 2 mã có thanh khoản sôi động nhất thị trường, với 21,37 triệu đơn vị và 20,4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Bên cạnh đó, gây áp lực lớn lên thị trường phải kể đến nhóm ngân hàng. Chỉ còn CTG và SSB vẫn giữ được đà tăng nhẹ, còn lại đều nới rộng biên độ giảm, với HDB, STB, NAB cùng giảm hơn 3%, với thanh khoản sôi động nhất dòng bank, lần lượt đạt hơn 16 triệu đơn vị, 15,56 triệu đơn vị và 11,66 triệu đơn vị; BID và MSB giảm hơn 2%...

Trên sàn HNX, nhóm HNX30 tiếp tục gia tăng sức ép cũng khiến thị trường chung rơi về vùng giá thấp nhất trong phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 42 mã tăng và 110 mã giảm, HNX-Index giảm 2,44 điểm (-1,1%) xuống 219,49. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 47,97 triệu đơn vị, giá trị 747 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,72 triệu đơn vị, giá trị 18,2 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 kết phiên giảm tới gần 8,5 điểm khi có 4 mã là PVB, HUT, TMB và LHC tăng; trong khi có tới 23 mã giảm với DTD giảm mạnh nhất là 5,8%, NTP giảm 4%...

Xét về nhóm ngành, chứng khoán giảm mạnh với SHS có thời điểm về sát giá sàn và đóng cửa giảm 3,4% xuống mức 11.400 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 7,51 triệu đơn vị; MBS giảm 2,6% xuống mức thấp nhất ngày 26.000 đồng/CP và khớp 2,23 triệu đơn vị, BVS giảm 2,9%, APS giảm 1,6%... Tuy nhiên, điểm sáng là VFS ngược dòng tăng 2,5%, đóng cửa ở vùng giá cao gần nhất phiên 16.400 đồng/CP và khớp gần 1,8 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu P cũng kém tích cực hơn, ngoại trừ PVB vẫn tăng khá tốt 3,8%, đóng cửa đứng tại mức giá 32.500 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, không nằm ngoài xu hướng chung, UPCoM-Index cũng nới rộng hơn biên độ giảm.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,94 điểm, tương đương -1,01% xuống 92,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 42,6 triệu đơn vị, giá trị 362 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6,6 triệu đơn vị, giá trị 114,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu HNG vẫn có thanh khoản lớn nhất thị trường với gần 13,2 triệu đơn vị được giao dịch thành công, đóng cửa giảm mạnh 9,9% xuống mức 7.300 đồng/CP.

Tiếp theo đó cũng là cặp đôi vừa và nhỏ HBC và VHG lần lượt khớp lệnh 1,97 triệu đơn vị và 1,68 triệu đơn vị, đóng cửa tương ứng giảm 4,3% và 5%.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm trên 15 điểm, trong đó VN30F2501 giảm sâu nhất là 18,9 điểm, tương đương -1,4% xuống 1.295,6 điểm, khớp lệnh hơn 202.980 đơn vị, khối lượng mở hơn 53.850 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch cũng ảm đạm, với CHPG2407 với thanh khoản tốt nhất đạt hơn 2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 12,1% xuống 580 đồng/cq; tiếp theo là CSTB2409 khớp 1,91 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 17,1% xuống 970 đồng/cq.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn