Sáng ngày 26/4, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã PLX) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Năm nay, Petrolimex đặt mục tiêu sản lượng xăng dầu xuất bán hợp nhất đạt hơn 13 triệu m3/tấn, giảm 9%. Doanh thu hợp nhất dự kiến là 188.000 tỷ đồng; lãi trước thuế mục tiêu 2,9 nghìn tỷ đồng, lần lượt giảm 32% và 26% so với thực hiện năm 2023.
Kế hoạch này được dựa trên các dự báo kinh tế thế giới còn nhiều bấp bênh, với các rủi ro như tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị kìm hãm bởi ảnh hưởng còn lại của đại dịch; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột vũ trang, căng thẳng địa chính trị (Nga – Ukraine, Biển Đỏ); lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài… dẫn đến nguy cơ suy thoái toàn cầu, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều quốc gia.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Petrolimex dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 15% bằng tiền. Năm 2024, Tập đoàn lên kế hoạch trả cổ tức 10%.
Phần thảo luận
Đối với các đại lý bán lẻ phát hành hoá đơn điện tử cho từng giao dịch, Petrolimex có gặp khó khăn gì không? Điều này tác động như thế nào đến Tập đoàn cũng như các doanh nghiệp trong ngành? Việc thực hiện có làm Công ty phát sinh nhiều chi phí hay không?
Ông Lưu Văn Tuyển, Phó tổng giám đốc: Thực hiện nghị định của Chính phủ về việc triển khai áp dụng hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng với các cửa hàng xăng dầu, PLX triển khai đồng loạt trên 2.700 cửa hàng từ ngày 1/7/2023. Công nghệ triển khai của PLX đã được các cơ quan quản lý nhà nước thẩm định đánh giá, ghi nhận các quy trình triển khai của PLX trong từng đợt bán hàng là độ tin tưởng cao nhất vì hoàn toàn là tự động hoá.
Chi phí triển khai thì chúng tôi dự kiến số lượng về tần suất phát hành hoá đơn tăng khoảng 40 lần, 1 năm có hơn 1 tỷ giao dịch ở cửa hàng phải phát hành hoá đơn. Tuy nhiên, PLX khi triển khai Thông tư 15 năm 2015 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường bán hàng tại cửa hàng và Thông tư 218 điều chỉnh lại thông tư 08 năm 2018, PLX đã chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật giải pháp để triển khai việc này từ 2015 đến giờ, nên khi triển khai nghị định 123 thì chỉ tốn khoảng hơn 1 tỷ đồng để triển khai trên 2.700 cửa hàng của PLX.
Tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu Việt Nam nói chung và PLX nói riêng có gặp rủi ro gì khi xu hướng phát triển xe điện?
Ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT: Trong những năm gần đây, số lượng xe điện bán ra tăng rất nhanh, nhưng thị phần ô tô điện chỉ chiếm trên dưới 1%, chỉ thay thế được phần nhỏ xe gia đình 8 chỗ mà chưa thể thay thế toàn bộ xe vận chuyển hàng hoá, giao thông đường thuỷ, hàng không, đường sắt…
Xu hướng phát triển xe điện tăng lên từng ngày, nhưng ở thời điểm hiện tại chưa tạo rủi ro lớn cạnh tranh thị phần với xăng dầu. Xăng dầu vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong giao thông. Theo nghiên cứu, ở Việt Nam trong 5 – 7 năm tới sẽ có sự cạnh tranh còn hiện nay chưa đáng kể.
Vài năm qua, Petrolimex và Vinfast cũng hợp tác tham gia với vai trò đối tác cung ứng hạ tầng trạm sạc nên trước mắt việc phát triển xe điện chưa có tác động đến kinh doanh xăng dầu Việt Nam và PLX, nhưng đây cũng là xu thế đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
Để chuẩn bị cho giai đoạn chuyển tiếp, chúng tôi cũng quan tâm cung cấp các loại hình năng lượng mới, năng lượng xanh, sạch, nhiên liệu sinh học…, nghiên cứu các cơ hội đầu tư phát triển trạm sạc xe điện tại Việt Nam và dịch vụ gia tăng tại cửa hàng xăng dầu PLX.
Về nghị định kinh doanh xây dựng sắp ban hành ảnh hưởng đến PLX như thế nào? Doanh nghiệp có thể tự đặt giá bán lẻ xăng dầu PLX có lợi thế gì hay không?
Ông Trần Ngọc Năm, Thành viên HĐQT: Liên quan dự thảo ban hành nghị định xăng dầu mới, đến thời điểm này, Bộ Công thương mới trình Chính phủ một dự thảo lần 2, trong đó có nội dung sửa đổi. Do nghị định đang trong quá trình xây dựng nên quyết định thực hiện trong thời gian tới như thế nào cần có khoảng thời gian. Chỉ khi nào nghị định được ban hành thì lúc đó PLX là thương nhân đầu mối mới đánh giá được mức độ tác động.
Nhưng về cơ bản, nghị định lần này đã bao hàm nhiều nội dung mới để phân định rõ ràng với các thương nhân trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt đề cập quyền quyết định giá, điều này sẽ tác động đến các thương nhân đầu mối, vì vậy đây cũng là nội dung đang được bàn thảo.
Trong dự thảo đưa 2 kịch bản: một là ban hành giá tối đa, các thương nhân căn cứ vào đó quyết định giá bán; hai là vẫn có quan điểm đây là mặt hàng gắn với đời sống dân sinh nên tiếp tục nhà nước quản lý giá. Với 2 phương án, PLX là thương nhân thì bất cứ phương án nào khi được ban hành, PLX cũng sẽ tổ chức, thực hiện nghiêm theo quy định.
Việt Nam đang rất tích cực hướng đến mục tiêu net zero 2050, PLX có chiến lược nào về nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm năng lượng sạch?
Ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc: PLX với tư cách là doanh nghiệp chủ đạo về kinh doanh xăng dầu hạ nguồn luôn tiên phong, đi đầu trong triển khai chủ trương chính sách mới của Đảng, nhà nước, đặc biệt là hướng đến net zero năm 2050.
Năm 2016, 2020 PLX đã tiên phong triển khai các nhiên liệu theo tiêu chuẩn Euro 5 giảm phát thải khí cacbon như xăng E5, xăng 95 V, nhiên liệu sinh học… Gần đây, hưởng ứng yêu cầu Thủ tướng Chính phủ triển khai COP 26, chúng tôi cũng chủ động nghiên cứu các chiến lược, chương trình hành động chuyển đổi xanh, có những dự án cụ thể đăng ký Bộ Tài nguyên Môi trường.
Bên cạnh đó, PLX cũng đang tích cực chủ động trong việc tìm hiểu, học tập, học hỏi kinh nghiệm từ các tập đoàn xăng dầu, năng lượng lớn trên thế giới để có thể rút ra những kinh nghiệm, chương trình phù hợp với PLX. Theo đó, PLX cũng xúc tiến nghiên cứu một số chương trình, dự án lớn liên quan đến nhiên liệu, năng lượng mang tính chuyển đổi, lâu dài sẽ tích cực tham gia chiến lược, quy hoạch quốc gia về hydrogen…
PLX cũng đang chờ thí điểm của nhà nước về điện mặt trời áp mái các dự án, đề án nghiên cứu với các đối tác để thực hiện tại cơ sở mặt đất, cửa hàng xăng dầu trên toàn hệ thống.
Lộ trình tăng vốn, chia thưởng cổ phiếu trong năm 2024 thời gian tới?
Ông Đào Nam Hải: Lộ trình tăng vốn theo đề án tái cơ cấu tập đoàn 2021 – 2025, theo đó đến năm 2025 vốn điều lệ của tập đoàn được nâng lên 20.000 tỷ đồng. Sau khi có đề án tái cơ cấu được ĐHĐCĐ thông qua vào cuối năm 2022, PLX đã tích cực xây dựng các phương án, kế hoạch để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt lộ trình đến hết 2025 có thể đạt vốn 20.000 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển cho tập đoàn.
Năm 2023, Tập đoàn đã rất tích cực làm việc nhưng do vướng mắc thể chế theo luật, Nghị định 91, 140 chưa cập nhật sửa đổi cho phép các tính huống như tập đoàn tăng vốn từ thặng dư vốn cổ phần, chúng tôi đặt mục tiêu 2023, 2024 có thể tăng vốn đến 15.000 tỷ đồng nhưng chưa thực hiện được. Trong thời gian tới, hy vọng Nghị định 140 được sửa đổi theo hướng xử lý các tình huống tăng vốn thì Tập đoàn sẽ đi đúng lộ trình đặt ra.
PLX có được hưởng lợi khi Hải Hà Petro bị loại không? Sản lượng có tăng thêm không?
Ông Trần Ngọc Năm, Thành viên HĐQT: Theo thông báo, đây là 1 thương nhân đầu mối. Bộ Công thương thu hồi giấy phép là thương nhân đầu mối, còn nói về thương nhân kinh doanh xăng dầu thì Hải Hà vẫn tổ chức hoạt động kinh doanh, chỉ khác thương nhân đầu mối thì họ không thực hiện được nhập khẩu.
Tuy nhiên, điều này vẫn có tác động nhất định đến thị trường. Trong hệ thống phân phối của Hải Hà cũng có những thương nhân nhượng quyền, phân phối, đại lý, họ sẽ căn cứ vào khả năng đáp ứng của đầu mối Hải Hà sau khi không còn là đầu mối sẽ lựa chọn việc tìm kiếm các thương nhân đầu mối khác, trong đó PLX cũng là 1 thương nhân đầu mối.
Chúng tôi không đánh giá PLX được hưởng lợi gì thông qua việc này, mà trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công thương, PLX sẽ tham gia nhiệm vụ đảm bảo nguồn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.