ĐHĐCĐ TPBank (TPB): Mục tiêu lợi nhuận 2025 đạt 9.000 tỷ đồng, chia cổ tức 15%

Phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 ngày 24/4, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã TPB) cho biết: "2025 là năm thách thức hơn cả, chưa bao giờ chúng ta thấy sự phân hoá, đối đầu mạnh như hiện nay kéo theo nhiều hệ luỵ, tác động nghiêm trọng đến kinh tế nói chung và hoạt động tài chính ngân hàng ngày càng trở nên khó khăn. Minh chứng cho diễn biến phức tạp trong nền kinh tế, đó là chưa bao giờ thấy giá vàng tăng cao như vậy”.

Nhận diện được thách thức và để vượt qua khó khăn, ngay từ đầu năm 2025, Ngân hàng đã đổi mới toàn diện cơ cấu tổ chức, phương thức kinh doanh, quy trình quy định, thậm chí kể cả nền tảng của TPBank là ngân hàng số, song song đó, tối ưu hoá, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường kiểm soát chi phí để mang lại lợi nhuận cho Ngân hàng.

Trước câu hỏi của cổ đông về tác động của chính sách thuế đối ứng của Mỹ, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, TPBank có khoảng 10.800 tỷ đồng dư nợ là khách hàng xuất nhập khẩu có liên quan đến thị trường Mỹ. Với những khách hàng này thì doanh số xuất nhập khẩu cũng chiếm dưới 20% tổng doanh thu TPBank nên mức độ ảnh hưởng không nhiều. Ngân hàng đã rà soát cẩn trọng với các khoản tín dụng mới với các trường hợp xuất khẩu các mặt hàng như nông, thuỷ sản sang Mỹ. Ngân hàng không cho vay doanh nghiệp FDI và nhóm khách hàng này chỉ dùng dịch vụ thanh toán, mua bán kinh doanh ngoại tệ, L/C nên nhóm doanh nghiệp này không ảnh hưởng tới TPBank.

“Có thể có 2-3 doanh nghiệp ở Đồng Bằng Sông Cửu Long nhưng chúng tôi cũng đã sát sao, có phương án để hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại sản xuất, chuyển đổi thị trường nếu cần thiết”, ông Hưng nói.

Về lợi nhuận quý I/2025 của TPBank, ông Nguyễn Hưng cho biết, Ngân hàng đạt 2.108 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ quý trước. “Đây là con số khá khả quan do quý I là mùa trũng của các ngân hàng. Tháng Giêng là tháng ăn chơi, khách hàng không đi vay. Kết quả này thực sự là điều phấn khởi đối với Ngân hàng”, ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank

Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, ông Hưng cho biết, đầu năm, TPBank được cấp hạn mức là 15,85% và chưa kể có thể có điều chỉnh ở những đợt bổ sung sau, nên Ngân hàng không có lo lắng gì về hạn mức tăng tín dụng. Tính đến đến hết quý I/2025, TPBank đã tăng trưởng 3,6%, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành là 2,5%, đến thời điểm gần nhất trước ĐHĐCĐ, mức tăng trưởng tín dụng đã đạt là 4,5%.

“Động lực tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đến từ sản xuất kinh doanh, cho vay tiêu dùng của người dân như mua nhà, mua xe…, bất động sản cho vay vẫn khá thận trọng. Tóm lại, TPBank cho vay theo đúng định hướng, an toàn, đảm bảo tăng trưởng bền vững”, ông Hưng nói.

Trước câu hỏi của cổ đông về chiến lược để duy trì NIM (biên lãi thuần), ông Nguyễn Hưng chia sẻ, NHNN nhiều năm nay luôn định hướng giảm lãi suất cho vay. Vừa qua, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo không tăng lãi suất huy động. Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động cũng đã bị NHNN nhắc nhở vì đi ngược chủ trương, bởi lãi suất huy động là cơ sở cho lãi suất cho vay. NHNN cũng đang giữ lãi suất điều hành ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Hiện nay, lãi suất cho vay có xu hướng ngày càng hạ, chưa kể bên cạnh đó là các chương trình cho vay ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, cho vay người trẻ mua nhà...

“Để duy trì hoặc tăng NIM, chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện chi phí vốn, tăng CASA và có cơ cấu vốn hợp lý. Thực tế, Ngân hàng phải tuân thủ rất nhiều chỉ số. Chúng ta có thể huy động vốn ngắn hạn để chi phí rẻ, nhưng còn ràng buộc tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Bộ chỉ số mà ngân hàng tuân thủ rất phức tạp. Do đó, chúng tôi sẽ cố gắng cân đối làm thế nào để hài hoà đủ hiệu quả”, ông Hưng nói.

Về băn khoăn của cổ đông liên quan đến mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, Chủ tịch TPBank cho biết, Ngân hàng đã kín room ngoại. Nếu được tăng tỷ lệ sở hữu tối đa của nước ngoài, thì TPBank vẫn là ngân hàng có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý tại ĐHĐCĐ TPBank là kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt 2025. TPBank đề xuất chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (01 cổ phiếu nhận được 1.000 đồng) từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo BCTC hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán của Ngân hàng.

Bên cạnh tiền mặt, HĐQT cũng đề xuất phát hành tối đa hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 5% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền sẽ được nhận thêm 5 cổ phiếu mới).

Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo BCTC hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán của Ngân hàng. Dự kiến, sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng tối đa 1.320,9 tỷ đồng, từ 26.420 tỷ đồng lên hơn 27.740 tỷ đồng.

Là một ngân hàng nhỏ nhưng đây là năm thứ 3 liên tiếp, TPBank thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu cho cổ đông trên cơ sở xét thấy hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ổn định, có bề dày phát triển an toàn, lành mạnh cũng như để gia tăng lợi ích cho các cổ đông đã đồng hành cùng Ngân hàng trong suốt thời gian qua.

Ông Lê Quang Tiến, Phó chủ tịch HĐQT TPBank nhấn mạnh: “Kế hoạch chia cổ tức mang lại lợi ích lớn cho cổ đông”.

Năm 2024, TPBank đã thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 5%, tương ứng tổng số tiền chi trả hơn 1.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng phát hành thêm 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông. Sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank tăng từ 22.016 tỷ đồng lên 26.420 tỷ đồng, tương ứng với số cổ phiếu lưu hành là gần 2,642 tỷ đơn vị.

Trước đó, năm 2023, nhà băng này cũng đã dành 4.000 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng) và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 39,19% cho cổ đông.

Tại đại hội, TPBank cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2024. Tổng tài sản năm 2025 dự kiến đạt 450.000 tỷ đồng, tăng 7,6%. Huy động vốn dự kiến tăng 12,3% lên 420.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế tăng khoảng 20% lên 313.750 tỷ đồng theo sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2,5%.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn