ĐHĐCĐ VFS: Đồng thuận tăng vốn điều lệ thêm 1.200 tỷ đồng
Tăng trưởng tích cực trong bối cảnh nhiều biến động
Trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục chịu nhiều biến động, VFS vẫn ghi nhận số liệu tăng trưởng tích cực, được củng cố bởi 3 định hướng kinh doanh chính: Tăng quy mô vốn, phát triển thương hiệu và phát triển đội ngũ nhân sự. Đây được coi là năm bản lề quan trọng khi VFS đã chính thức tăng quy mô vốn từ 802,5 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng; chính thức niêm yết trên sàn HNX; thay đổi nhận diện thương hiệu và mở rộng nhanh chóng đội ngũ nhân sự đón đầu diễn biến hồi phục mạnh mẽ của thị trường.
Theo đó, năm 2023, tổng doanh thu VFS đạt 244,52 tỷ đồng, tăng 25,88% so với năm 2022, vượt 6,09% so với kế hoạch. Trong đó, doanh thu Môi giới đạt 45,29 tỷ đồng, tăng 76,05% so với năm 2022; doanh thu Dịch vụ tài chính (cho vay ký quỹ) đạt 54,93 tỷ đồng, tăng 39,70%; doanh thu mảng Tự doanh đạt 96,17 tỷ đồng, tăng 13,14%; doanh thu Tư vấn doanh nghiệp đạt 2,03 tỷ đồng, giảm 22,88%; doanh thu khác đạt 46,08 tỷ đồng, tăng 160,78%.
Lợi nhuận sau thuế năm 2023 ghi nhận đạt 85,66 tỷ đồng, vượt kế hoạch 6,95% và tăng trưởng mạnh 35,96% so với năm 2022.
Đồng thuận tăng vốn điều lệ thêm 1.200 tỷ đồng
Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam được dự báo hồi phục với GDP dự kiến tăng 6 - 6,5%, tỷ giá và lạm phát tiếp tục duy trì ổn định. VFS dự báo thị trường chứng khoán sẽ duy trì xu hướng tăng, VN-Index kỳ vọng biến động trong biên độ 1.080 – 1.300 điểm và thanh khoản tiếp tục tăng khi dòng tiền luân chuyển từ các kênh đầu tư kém hấp dẫn hơn như tiết kiệm, bất động sản,… sang thị trường chứng khoán. Ngoài ra, việc hệ thống KRX kỳ vọng đi vào vận hành chính thức, cơ hội nâng hạng thị trường… sẽ là các yếu tố thúc đẩy thị trường và hoạt động các công ty chứng khoán.
Tin vào tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trung và dài hạn; ban lãnh đạo VFS đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2024 là 281,577 tỷ đồng, tăng 15,15% so với năm 2023; trong đó dẫn đầu là doanh thu từ dịch vụ tài chính đạt 146,932 tỷ đồng, doanh thu từ môi giới là 61,826 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đặt mục tiêu 124,124 tỷ đồng, tăng 44,91% so với năm 2023. Đây cũng là năm đầu tiên VFS quyết định chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8%.
Đây được coi là mức kỳ vọng tăng trưởng bứt phá, dựa trên định hướng tiếp tục tăng quy mô vốn điều lệ, dự kiến nâng vốn điều lệ từ 1.200 tỷ đồng lên 2.496 tỷ đồng; xin cấp phép kinh doanh chứng khoán phái sinh; mở rộng mạng lưới môi giới & tư vấn đầu tư, tập trung phát triển công nghệ & nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc tại sao công ty đặt mục tiêu lợi nhuận tăng mạnh, ông Trần Anh Thắng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT VFS, nêu ra 3 nguyên nhân. Thứ nhất là theo quan sát của lãnh đạo VFS trong 4 tháng đầu năm nay, thị trường chứng khoán giao dịch tương đối sôi động nên công ty kỳ vọng thanh khoản sẽ duy trì tương đối tốt, từ đó công ty có thêm doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động môi giới.
Thứ hai, thị trường đang kỳ vọng hệ thống KRX sớm đi vào hoạt động, sẽ giúp ích rất nhiều cho thị trường chứng khoán cũng như các công ty chứng khoán nói chung và VFS nói riêng.
Thứ ba, năm 2024, VFS có kế hoạch tăng vốn gấp đôi và toàn bộ nguồn vốn sử dụng cho hoạt động kinh doanh của công ty, tạo nền tảng cho công ty đặt kỳ vọng cao trong năm 2024.
Chia sẻ thêm với cổ đông về việc nâng vốn điều lệ lên gấp đôi, ông Trần Anh Thắng cho hay VFS đã nộp hồ sơ tăng vốn lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và UBCKNN đang yêu cầu bổ sung thêm tài liệu, trong đó có nghị quyết ĐHĐCĐ năm nay chấp thuận việc tăng vốn. "Ngay sau khi có nghị quyết, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tăng vốn lên UBCKNN", ông Thắng nói và cho biết nếu tăng vốn thành công, VFS sẽ sử dụng 600 tỷ đồng cho hoạt động tự doanh và 600 tỷ đồng còn lại sẽ sử ụng cho hoạt động cho vay ký quỹ (margin).
Liên quan đến câu hỏi của cổ đông về việc làm thế nào để VFS tìm kiếm khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó tổng giám đốc VFS, nhận định chứng khoán là ngành đang nở rộ, số lượng nhà đầu tư tham gia tăng dần qua các năm. "Miếng bánh đang dần lớn lên và VFS được hưởng lợi từ điều đó. Chúng tôi luôn cố gắng cải hiện sản phẩm kinh doanh theo hướng vừa vặn và linh hoạt, phù hợp với khách hàng nhất. Đồng thời cải thiện về công nghệ và thương hiệu để thu hút thêm khách hàng, bà Hằng nói.
Ông Trần Anh Thắng bổ sung thêm, một trong những trọng tâm của VFS trong thời gian tới là phát triển công nghệ và sử dụng công nghệ để tiếp cận khách hàng. Để đáp ứng được yêu cầu này, VFS đã phải có các bước chuẩn bị từ trước như triển khai 2 nhiệm vụ lớn gồm nâng cấp phần mềm lõi (core) và phần mềm giao dịch, kỳ vọng thay đổi toàn bộ trải nghiệm giao dịch, giúp nhà đầu tư thao tác nhanh hơn, gọn hơn, tiện ích hơn và quản lý tài sản thuận lợi hơn.
Song song với đó, VFS cũng chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ để khi có giấy phép kinh doanh chứng khoán phái sinh sẽ vận hành ngay, dự kiến vào tháng 9/2024.
Về lo ngại của cổ đông liên quan đến sự sụt giảm của giá cổ phiếu thời gian gần đây, ông Thắng cho biết đội ngũ phân tích của VFS dự đoán tương đối chính xác biến động của chỉ số, giúp cho hoạt động kinh doanh của công ty an toàn hơn. Đồng thời, công ty cũng luôn quan tâm đến quản trị rủi ro, theo đó, tỷ trọng đầu tư cổ phiếu chỉ chiếm tối đa 10% tổng tài sản công ty và chưa từng tham gia trái phiếu doanh nghiệp, tập trung tham gia thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu, giấy tờ có giá của các tổ chức tín dụng và đang ghi nhận kết quả khả quan.
Kết thúc đại hội, tất cả nội dung đã được các cổ đông đồng thuận tán thành.
Ra mắt Hội đồng quản trị mới nhiệm kỳ 2024-2029
Với mục tiêu nâng cao công tác kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro, Đại hội đã thông qua việc thay đổi mô hình tổ chức quản trị theo hướng tinh gọn và chuyên nghiệp. Theo đó, mô hình quản trị của VFS sẽ không có Ban Kiểm soát, thay vào đó VFS bổ sung Uỷ ban kiểm toán (UBKT) (trực thuộc Hội đồng quản trị). Trong mô hình tổ chức quản trị mới, công ty phải đảm bảo có ít nhất 20% thành viên HĐQT là thành viên độc lập. UBKT có tối thiếu 02 thành viên, trong đó Chủ tịch UBKT là thành viên độc lập HĐQT và các thành viên còn lại là thành viên HĐQT không điều hành.
ĐHĐCĐ năm 2024 đồng thời ra mắt Hội đồng quản trị mới nhiệm kỳ 2024-2029. Đây là quyết định quan trọng giúp VFS kiện toàn bộ máy quản trị và điều hành để đạt được mục tiêu đề ra. Danh sách Hội đồng quản trị mới nhiệm kỳ 2024 - 2029 bao gồm: Bà Nghiêm Phương Nhi; ông Trần Anh Thắng, bà Nguyễn Thị Lan, ông Hoàng Thế Hưng và ông Nguyên Xuân Điệp. Đây là đội ngũ các nhân sự cấp cao và là chuyên gia trong các lĩnh vực Quản trị doanh nghiệp, Đầu tư Tài chính, Tài chính ngân hàng, Kế toán Kiểm toán và Công nghệ thông tin.
Ngay sau Đại hội, HĐQT đã quyết định bầu bà Nghiêm Phương Nhi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị VFS. Về kinh nghiệm, bà Nghiêm Phương Nhi đã có hơn 15 năm kinh nghiệm và có thế mạnh vượt trội trong công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp & đầu tư tài chính. Bà được đào tạo tại Đại học Kinh tế Quốc dân và hoàn thành chương trình học tại Đại học Saxion – Deventer - Hà Lan, Đại học Tổng hợp Nijmegen – Hà Lan.
Từ năm 2008 - 2023, bà là Trưởng ban Đầu tư tài chính Tập đoàn Viettel, đồng thời giữ các vị trí cấp cao trong các tổ chức lớn như thành viên HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel, thành viên HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam, thành viên HĐQT Tổng công ty Cổ phần công trình Viettel. Hiện tại, bà đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Hoà An và Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Amber.
Với bề dày kinh nghiệm làm việc trong các công ty niêm yết lớn, bà Nghiêm Phương Nhi nhận được sự tín nhiệm và ủng hộ đồng thuận cao để giữ vị trí quan trọng tại VFS nhiệm kỳ 2024-2029.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn