DIC Corp và SAM Holdings cắt lỗ khoản đầu tư

Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã chứng khoán DIG) đã thông qua chủ trương giải thể Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point; thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Cao su Phú Riềng Kratie và thoái một phần vốn tại Công ty cổ phần Gạch Men Anh Em DIC, thực hiện trước ngày 30/9/2024.

Tính đến 31/3/2024, DIC Corp đã trích lập toàn bộ 75,25 tỷ đồng đầu tư vào Gạch Men Anh Em DIC (sở hữu 89,03% vốn điều lệ); trích lập toàn bộ 20 tỷ đồng đầu tư vào Cao su Phú Riềng Kratie (sở hữu 5% vốn điều lệ).

Quyết định giải thể và thoái vốn khỏi các đơn vị thành viên đang kinh doanh thua lỗ được đưa ra sau khi DIC Corp liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc. Cụ thể, sau khi đạt đỉnh lợi nhuận năm 2021 là 989,9 tỷ đồng, lợi nhuận của doanh nghiệp này năm 2022 giảm 80,7% về 191,4 tỷ đồng, năm 2023 giảm 41,7% về 111,6 tỷ đồng và trong quý I/2024 lỗ 121,2 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 lãi 76,6 tỷ đồng).

Nguyên nhân lợi nhuận đi xuống chủ yếu là do hoạt động giải ngân đầu tư trong những năm qua thường thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Năm 2018, DIC Corp lên kế hoạch giải ngân 3.060 tỷ đồng, nhưng giải ngân 1.570 tỷ đồng, đạt 51,3%. Con số giải ngân/kế hoạch năm 2019 là 2.384,8/6.970,8 tỷ đồng, đạt 34,2%; năm 2020 là 9.166,1/6.487 tỷ đồng, đạt 141,3%; năm 2021 là 3.026,4/9.436,3 tỷ đồng, đạt 32,1%; năm 2022 là 3.473,5/11.739,8 tỷ đồng, đạt 29,6%; năm 2023 là 1.124,3/ 4.138 tỷ đồng, đạt 27,2%.

Hệ quả của việc chậm giải ngân đầu tư các dự án trọng điểm là đội vốn đầu tư. Đơn cử, tại dự án Khu trung tâm Chí Linh, DIC Corp vừa thông qua việc điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên 9.624,3 tỷ đồng, gấp 7,6 lần so với kế hoạch ban đầu (1.113,36 tỷ đồng).

Lý do được DIC Corp đưa ra là gặp khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại các dự án trọng điểm như Khu trung tâm Chí Linh (quy mô 93,7 ha), Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu (quy mô 90,5 ha), Khu đô thị Du lịch Long Tân (quy mô 331,9 ha).

Tương tự, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần SAM Holdings (mã chứng khoán SAM) thông qua việc thoái toàn bộ 7,2 triệu cổ phiếu tại Công ty cổ phần SAM Nông nghiệp công nghệ cao.

Tính đến cuối năm 2023, SAM Holdings đầu tư 72 tỷ đồng vào SAM Nông nghiệp công nghệ cao, trích lập dự phòng 9,9 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 13,8% tổng giá trị đầu tư.

Trong khi đó, theo SAM Holdings, SAM Nông nghiệp công nghệ cao là nơi tạo nên sản phẩm sạch cho người tiêu dùng nhờ công nghệ khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, sở hữu vùng trồng nguyên liệu lên đến 3.000 ha tại Đắk Nông, đồng thời thích hợp cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và một nhà máy chế biến hồ tiêu quy mô 9.000 tấn/năm.

Tại nhiều kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên trước đây, Ban lãnh đạo SAM Holdings luôn khẳng định sẽ đầu tư lâu dài trong nền nông nghiệp chất lượng cao thông qua SAM Nông nghiệp công nghệ cao, đơn vị có nguồn thu chính từ chế biến và thương mại hồ tiêu.

Về tình hình tài chính của SAM Holdings, mặc dù quy mô tài sản lên tới hơn 6.596 tỷ đồng, nhưng hiệu quả sử dụng tài sản và vốn ở mức thấp so với trung bình ngành: hệ số ROA năm 2022 là 0,04% (ngành là 0,91%), năm 2023 là 0,27% (ngành là 2,31%); hệ số ROE năm 2022 là 0,07% (ngành là 1,46%), năm 2023 là 0,47% (ngành là 3,8%).

Việc kinh doanh với tỷ suất lợi nhuận thấp, một số dự án trọng điểm như Chung cư Samland Riverside (TP.HCM), Khu dân cư tại xã Long Tân và xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai chậm tiến độ kéo dài, khiến SAM Holdings mất chi phí cơ hội và giảm hiệu quả sử dụng tài sản.

Có thể thấy, DIC Corp và SAM Holdings đang phát đi tín hiệu tái cấu trúc, cơ cấu lại khoản đầu tư. Trong đó, hai doanh nghiệp muốn thoái vốn khỏi đơn vị thua lỗ, phải trích lập dự phòng.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn