Điểm tên loạt dự án điển hình của Trung Nam Group

Năng lượng và công nghiệp điện tử

Công ty Cổ phần Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) thành lập từ năm 2004, được biết đến là doanh nghiệp với hệ sinh thái đa ngành nghề với các lĩnh vực hoạt động gồm năng lượng, hạ tầng - xây dựng, bất động sản và công nghiệp điện tử.

Người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Trung Nam Group là ông Nguyễn Tâm Thịnh (SN 1973).

Theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp ngày 14/1/2022, vốn điều lệ của Trung Nam Group đang ở mức hơn 20.940 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến ngày 31/12/2023 ghi nhận gần 24.290 tỷ đồng.

Kể từ khi thành lập đến nay, Trung Nam Group đã ghi dấu ấn với loạt dự án điển hình trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Điểm tên loạt dự án điển hình của Trung Nam Group- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo như giới thiệu trên website, năng lượng là mảng kinh doanh chính của Trung Nam Group, đồng thời cũng là nhà đầu tư Năng lượng tái tạo có tổng số lượng dự án và công suất lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Tính đến tháng 10/2021, doanh nghiệp có tổng 1,63 GW điện năng đóng góp vào nguồn điện của cả nước và tham gia vào quá trình truyền tải điện với Trạm biến áp 500kV và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia (Trạm 500kV Thuận Nam – Ninh Thuận).

Quy mô tính đến thời điểm hiện tại, các dự án thuộc lĩnh vực thủy điện của Trung Nam Group triển khai thành công đã đạt được công suất 118 MW; trong lĩnh vực điện gió đạt 698,1 MW và điện mặt trời đạt 794 MW AC.

Theo thống kê, doanh nghiệp này đang có 10 dự án điện với tổng công suất thiết kế hơn 1.610 MW, sản lượng hơn 2,6 tỷ kWH/năm.

Trong đó, dự án Điện gió Ea Nam được đặt tại xã Ea Nam, huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk, có tổng công suất 400 MW, đóng góp 1,1 tỷ kWH/năm vào nguồn điện quốc gia.

Dự án được khởi công ngày 2/6/2021, với hơn 4000 nhân công đã làm việc liên tục trong 240 ngày đêm, chỉ sau gần 10 tháng thi công, dự án điện gió Ea Nam đã hoàn thành các công đoạn cuối cùng để hòa vào lưới điện quốc gia. Đây là dự án do Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam- doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của Trung Nam Group làm chủ đầu tư.

Về công nghiệp điện tử, Trung Nam đã có cho mình dự án Nhà máy nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT, có quy mô gồm khu xưởng 2 tầng với diện tích 2.000 m2, 3 dây chuyền công nghệ dán bề mặt SMT (Suface mounted Technology) với máy móc của các hãng Yamaha, Heller, Ersa…Công suất lên đến 7 triệu sản phẩm mỗi năm. Dự án được đặt tại Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng.

Hạ tầng và bất động sản

Về lĩnh vực hạ tầng, hiện Trung Nam Group đã và đang thực hiện 5 dự án gồm dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná- Giai đoạn 1 có tổng diện tích quy hoạch hơn 108 ha tại tỉnh Ninh Thuận; dự án Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park) có quy mô 341 ha; dự án Cầu Bạch Đằng tại TP.Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, đầu tư với hình thức BOT; dự án Mức giao thông khác mức ngã ba Huế.

Ngoài ra, dự án điển hình trong lĩnh vực hạ tầng của Trung Nam Group phải nhắc đến “siêu dự án chống ngập” giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Dự án triển khai kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.

Dự án do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 làm chủ đầu tư dưới hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), tổng mức đầu tư dự kiến lên đến hơn 10.000 tỷ đồng.

Mặc dù dự án đã được khởi công từ ngày 26/6/2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được hoàn thành do vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc.

Điểm tên loạt dự án điển hình của Trung Nam Group- Ảnh 2.

Siêu dự án chống ngập giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM

Hồi tháng 10/2024, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các bộ, ngành, đơn vị liên quan, lấy ý kiến hỏa tốc đối với báo cáo của TP.HCM về phương án tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện dự án này của Trung Nam Group.

Trong báo cáo, UBND TP HCM nêu 3 khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, dự án chưa được xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện khi có nhiều nội dung thay đổi, dẫn đến việc dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Dự án đang không có nguồn vốn để hoàn thành. Nguyên nhân xuất phát từ việc BIDV không đủ cơ sở để ký phụ lục hợp đồng tín dụng với Trung Nam BT 1547 để trình Ngân hàng Nhà nước thực hiện gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn.

UBND TP.HCM cũng trình bày về việc chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng BT đối với dự án này.

Tại cuộc họp thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện các kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm từ sau Phiên họp 27 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) diễn ra ngày 25/3/2025 vừa qua, Tổng Bí thư cũng đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm đưa vào khai thác, sử dụng dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM.

Ngoài các dự án nêu trên, Trung Nam Group cũng được biết đến là doanh nghiệp hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực bất động sản. Tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã và đang thực hiện 5 dự án bất động sản khác gồm Tòa nhà Văn phòng Trung Nam, vị trí xây dựng tại TP.HCM, quy mô với 9 tầng cao và sân thượng - 1 tầng hầm, được khánh thành vào tháng 9/2014; Tòa nhà Trung Nam khánh thành tháng 3/2010, quy mô 11 tầng cao - 1 tầng hầm, vị trí đặt tại TP.HCM; Tòa nhà Dipt được xây dựng tại Đà Nẵng với diện tích sử dụng đất lên đến 2.441,4 m2, tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng.

Hai dự án bất động sản có quy mô lớn gồm Dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills với diện tích 381 ha, được chia thành 5 khu (gồm đất ở liền kề, đất biệt thự, nhà trẻ, trường học, khu thương mại dịch vụ, quảng trường, công viên và trung tâm vui chơi, giải trí); dự án Khu công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt - Golf Valley có diện tích 19,71 ha.

Khánh Hân

Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn