Điểm tin bất động sản tuần qua: Hải Dương sẽ xây trung tâm thương mại AEON, loạt doanh nghiệp xây dự án điện mặt trời khi chưa được thuê đất
Trung tâm thương mại lớn nhất Hải Dương ‘chốt’ được nhà đầu tư tiềm năng
UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án trung tâm thương mại Hải Dương cho CTCP Thương mại và Dịch vụ Tuấn Kiệt HD.
Theo quyết định được phê duyệt, dự án có diện tích đất sử dụng gần 3,6ha thuộc phường Thạch Khôi và xã Liên Hồng (TP. Hải Dương), với tổng mức đầu tư 1.220 tỷ đồng.
Trung tâm thương mại Hải Dương sẽ thực hiện các dịch vụ kinh doanh siêu thị (bán lẻ, phân phối sản phẩm) với quy mô khoảng 5.000 loại mặt hàng, cho thuê khoảng 150 gian hàng (mục đích kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, điện tử, trang sức, quần áo…).
Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày UBND tỉnh ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý IV/2025.
Trước đó, vào tháng 12/2022, UBND tỉnh Hải Dương và Công ty TNHH AEON Việt Nam đã có buổi làm việc và ký kết biên bản ghi nhớ về việc chuẩn bị các bước triển khai đầu tư dự án trung tâm thương mại AEON Hải Dương. CTCP Thương mại và dịch vụ Tuấn Kiệt HD là đối tác của Công ty TNHH AEON Việt Nam trong việc triển khai thực hiện dự án này.
Đến tháng 3/2023, Công ty TNHH AEON Việt Nam và CTCP Thương mại và dịch vụ Tuấn Kiệt HD đã ký kết hợp tác đầu tư dự án Trung tâm thương mại AEON Hải Dương.
Loạt doanh nghiệp xây dự án điện mặt trời khi chưa được thuê đất tại Long An
Trong kết luận thanh tra được Thanh tra Chính phủ công bố vào ngày 25/12, cơ quan đã nêu tên loạt doanh nghiệp đã khởi công dự án mà chưa được thuê đất trên địa bàn tỉnh Long An.
Cụ thể, các doanh nghiệp, gồm: CTCP Năng lượng Hanwha - BCG Băng Dương - Nhà máy điện mặt trời GAIA khởi công xây dựng trên diện tích 124,8ha đất rừng sản xuất;
Công ty TNHH Hoàn Cầu Long An - Nhà máy điện mặt trời Solar Park 01 khởi công xây dựng trên diện tích 52,5ha đất rừng sản xuất;
CTCP Vietnamsolar - Nhà máy điện mặt trời Solar Park 02 khởi công xây dựng trên diện tích 50,3ha đất;
CTCP Long An Solar Park - Nhà máy điện mặt trời Solar Park 03 khởi công xây dựng trên diện tích 48,3ha đất;
CTCP Solar Energy LA - Nhà máy điện mặt trời Solar Park 04 khởi công xây dựng trên diện tích 49,5 ha;
CTCP Điện mặt trời Europlast Long An - Nhà máy điện mặt trời Europlast Long An khởi công xây dựng trên diện tích 58,6ha.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc các chủ đầu tư khởi công xây dựng dự án khi chưa được UBND tỉnh Long An cho thuê đất là vi phạm một trong những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Long An, các sở ngành có liên quan và các chủ đầu tư dự án.
Những khuyết điểm, vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai đai để thực hiện đầu tư xây dựng các dự án năng lượng nêu trên, trách nhiệm quản lý thuộc về UBND tỉnh Long An; UBND huyện Đức Huệ, UBND các xã: Bình Hòa Nam, Mỹ Thạnh Bắc; UBND huyện Thạnh Hóa, UBND xã Thạnh An theo quy định tại Điều 208 Luật Đất đai năm 2013.
Tổng Công ty 36 (G36) giải thể một công ty con
Tổng Công ty 36 - CTCP (UPCoM: G36) mới đây đã thông báo đã giải thể 1 công ty con.
Theo đó CTCP 36.62 đã giải thể/chấm dứt tồn tại từ 22/11/2023 với lý do công ty hoạt động kinh doanh không hiệu quả.
Trước đó, ngày 25/05/2023, ĐHĐCĐ G36 đã ban hành quyết định về việc giải thể doanh nghiệp này.
Với việc giải thể Công ty 36.62, Tổng Công ty 36 chỉ còn 1 công ty con là Công ty TNHH BOT 36,71 (sở hữu 100%).
Tại thời điểm 30/06/2023, Tổng Công ty 36 có 4 cổ đông lớn gồm Bộ Quốc Phòng sở hữu 18,4%, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp - Chủ tịch HĐQT nắm 17,2%, CTCP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc - 7,7% và CTCP Vận tải và Thương mại Anh Quân là 5%.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý 3/2023, Tổng Công ty 36 ghi nhận doanh thu thuần hơn 282 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ; lỗ ròng hơn 1 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 3 tỷ đồng.
Sau 9 tháng đầu năm, mặc dù Tổng Công ty 36 có doanh thu thuần hơn 803 tỷ đồng, tăng 29%; tuy nhiên, lãi ròng chỉ hơn 415 triệu đồng, cùng kỳ lỗ gần 8 tỷ đồng.
Kết phiên ngày 10/1, giá cổ phiếu G36 đóng cửa tại mức 7.800 đồng/cp, tăng 22% so với đầu năm 2023, thanh khoản bình quân hơn 629.000 cp/phiên.
Doanh nghiệp Hà Nội bị cấm đấu thầu tại Thanh Hóa trong vòng 3 năm
Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã bị cấm thầu trong 3 năm vì có hành vi gian lận khi tham gia đấu thầu gói thầu Tư vấn khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực Thành nội Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc.
Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan đã trình bày sai một cách cố ý trong E-HSDT (hồ sơ dự thầu) khi tham gia dự thầu nhằm thu được lợi ích về mặt điểm đánh giá kỹ thuật.
Do vậy, Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong vòng 3 năm, kể từ ngày 9/1 đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước do các cơ quan, ban, ngành thuộc tỉnh Thanh Hóa và các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa quản lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Tỉnh Thanh Hóa giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung báo cáo, đề xuất và tham mưu của mình; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; theo dõi, giám sát việc chấp hành, thực hiện quyết định.
Vinhomes (VHM) khởi công dự án nhà ở xã hội gần 3.800 tỷ tại Khánh Hòa
ngày 11/1), CTCP Tập đoàn Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) đã chính thức khởi công dự án khu nhà ở xã hội phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, dự án nhà ở xã hội này có tên Happy Home tại phường Cam Nghĩa, có quy mô 87,6ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 3.800 tỷ đồng. Dự án nằm cạnh quốc lộ 1A và quan trọng trong phân khu 3 đô thị ven vịnh Cam Ranh.
Sau khi hoàn thành, dự án cung cấp gần 3.600 căn nhà ở xã hội dạng thấp tầng và 540 căn nhà ở thương mại liền kề, có sân vườn.
Đây cũng là dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại tỉnh Khánh Hòa được quy hoạch hạ tầng đồng bộ với hệ thống cảnh quan, tiện ích ngay trong nội khu như: Khu tập thể thao ngoài trời, sân chơi trẻ em, vườn hoa cây xanh, trường học, trạm y tế, trung tâm thương mại… đáp ứng điều kiện về một chỗ ở lâu dài và mang lại không gian tái tạo sức khỏe cho người lao động. Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026.
Đây là dự án có quy mô lớn nhất tại tỉnh Khánh Hòa ở thời điểm hiện tại, do Vinhomes đầu tư.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, "dự án khu nhà ở xã hội phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh được khởi công hôm nay là một trong 2 dự án nhà ở xã hội trọng điểm được Khánh Hòa công bố chấp thuận chủ trương đầu tư từ giữa năm 2023.
Đây là dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn của cả nước và lớn nhất của tỉnh hiện nay, không chỉ về chỉ số nhà ở xã hội với gần 3.600 căn nhà thấp tầng mà còn có hạ tầng đồng bộ và quy mô đô thị hiện đại, đầy đủ nhất...".
Chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư về đất nền Hoà Bình bỗng dưng 'dậy sóng'
Các yếu tố như quy hoạch hồ Hòa Bình cùng với việc các tập đoàn, công ty lớn đến tìm hiểu và có ý định đầu tư tại các khu vực vừa nêu đã khiến giá đất Hòa Bình một thời gian tăng cao bất thường dù giao dịch thực không có nhiều.
Nửa cuối năm 2023, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình sau khi công bố 55 dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, chuyển nhượng và kinh doanh bất động sản trên địa bàn đã khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định để tránh những rủi ro trong giao dịch và đảm bảo minh bạch và đảm bảo phát triển lành mạnh ổn định của thị trường bất động sản.
Cơ quan quản lý cũng đề nghị trường hợp các tổ chức, cá nhân có bằng chứng về việc ký hợp đồng đặt cọc giữ chỗ mua bán sản phẩm dự án giữa khách hàng và chủ đầu tư thì cung cấp về Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan (Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố nơi có dự án rao bán) để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Dẫn tin từ báo Tiền phong, nhận xét về thị trường bất động sản Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: "Hòa Bình là một trong những địa phương mới nổi được quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Kể từ năm 2007, nhiều đại gia đã xuất hiện tại Hòa Bình để đầu tư mua đất nhưng tốc độ triển khai đến nay chưa thực sự tốt. Mới chỉ có một số ít các doanh nghiệp tham gia thị trường bất động sản tại địa phương này. Tuy nhiên, trên thực tế, Hòa Bình cũng như các địa phương khác đang có nhiều dự án gặp khó khăn về pháp lý nên chưa thể ra hàng".
Đáng chú ý, nhiều chuyên gia cảnh báo, các nhà đầu tư nên thận trọng khi tham gia thị trường đất nền thời điểm này, kể cả với các mẩu tin thanh lý hay bán cắt lỗ đất nền bởi các thông tin liên quan đến quy hoạch, đầu tư dự án của các “ông lớn” bất động sản không rõ ràng nên không đánh giá được giá trị thực của bất động sản, nếu không tỉnh táo nhà đầu tư sẽ bị rơi vào vòng xoáy đất nền…
>> 'Ồ ạt' chuỗi cửa hàng 'mọc' lên tại khu trung tâm TP. HCM dịp cuối năm, 'làn sóng' trả mặt bằng đã chấm dứt?
Xem thêm tại nguoiquansat.vn