Diễn biến lạ xuất hiện trên thị trường xăng dầu
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành công điện số 99 ngày 23-9, yêu cầu tiếp tục triển khai các giải pháp để đảm bảo cung cấp đủ xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Công điện nhấn mạnh, tình hình kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, với sự gia tăng cạnh tranh giữa các quốc gia lớn, có nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều này có thể dẫn đến biến động về giá cả và nguồn cung hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là xăng dầu, nguyên vật liệu, cước vận tải và giá vàng.
Thị trường xăng dầu xuất hiện nhiều diễn biến lạ, ngược dự báo. |
Nơi lời khủng, nơi than lỗ
Ngày 24-9, một thương nhân kinh doanh xăng dầu cho biết, mức chiết khấu hiện tại đang khá thấp, dao động từ 500 – 800 đồng/lít đối với xăng và khoảng 1.000 đồng/lít đối với dầu. Mức chiết khấu này khiến nhiều thương nhân bán lẻ và phân phối gặp khó khăn vì lợi nhuận giảm, chi phí vận chuyển lại tăng do mưa bão, trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm.
Tại cuộc họp mới đây của Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được Bộ Công Thương phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện tổng cộng là 28,4 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Theo báo cáo từ các doanh nghiệp đầu mối, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu và mua trong nước trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt 18,16 triệu m3/tấn, chiếm 63,7% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao. Tuy nhiên, một số thương nhân đầu mối đã bất ngờ đề xuất điều chỉnh giảm mức tổng nguồn xăng dầu được phân giao cho cả năm 2024.
Nguyên nhân được các doanh nghiệp đưa ra là do nhu cầu tiêu thụ của người dân không có sự tăng trưởng đột biến, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão và một số bị lỗ do giá xăng dầu giảm mạnh trong những tháng gần đây. Đồng thời, việc doanh nghiệp phải đảm bảo duy trì lượng dự trữ trong 20 ngày cũng gây khó khăn cho việc cân đối chi phí.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngắn khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi giá xăng dầu giảm. Lý do là khi giá bán hạ, giá vốn nhập khẩu trước đó vẫn cao, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị lỗ.
Động thái trên khiến nhiều người bất ngờ bởi trước đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa đầu 2024. Ngay sau đó, Petrolimex đã có văn bản giải trình báo cáo tài chính sau soát xét 6 tháng năm 2024 lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM về số lãi khủng trên.
Theo Petrolimex, trong 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt gần 1.530 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 649,3 tỷ đồng, tăng 135%. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế của Petrolimex trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 2.420 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 1.558 tỷ đồng, tăng 55%. Giải thích nguyên nhân lãi lớn, Petrolimex cho biết hoạt động kinh doanh xăng dầu nửa đầu năm nay cơ bản ổn định, có hiệu quả và sản lượng bán tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Sở dĩ có kết quả ấn tượng, Petrolimex cho rằng do nguồn cung năng lượng và giá dầu thế giới ổn định, không có nhiều biến động lớn như các năm trước. Ngoài ra, các nhà máy lọc dầu trong nước duy trì nguồn cung ổn định và các thương nhân đã nhập xăng dầu đúng kế hoạch, đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Yêu cầu thực hiện nghiêm tổng nguồn tối thiểu
Tuy nhiên, lợi nhuận của ngành xăng dầu có sự "phân hóa" khi một số doanh nghiệp khác lại báo lỗ. Chẳng hạn, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đã giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội rằng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong 6 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 290 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này đã khiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất của PVOIL chỉ đạt 344,9 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.
PVOIL lý giải rằng nguyên nhân chính là do giá dầu thế giới trong nửa đầu năm 2024 biến động phức tạp, tăng giảm đan xen với biên độ lớn tại các thời điểm khác nhau. Ngoài ra, công ty phải đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa để bù đắp phần thiếu hụt khi nhà máy lọc dầu Dung Quất dừng hoạt động để bảo dưỡng. Cùng với đó, tỷ giá đồng USD tăng mạnh và duy trì ở mức cao, khiến chi phí tài chính và các chi phí liên quan tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Tham gia vào khâu phân phối, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Nai, chia sẻ rằng kinh doanh xăng dầu vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ông cho biết, những người mới vào thị trường dễ dàng từ bỏ, trong khi "chúng tôi do đã gắn bó với nghiệp buôn xăng dầu" nên vẫn phải duy trì, dù số lỗ trong giai đoạn vừa qua có thể phải mất 3 năm nữa mới bù đắp được. Ông cũng nhận định rằng các doanh nghiệp đầu mối có lợi thế hơn khi "nhập tận gốc và bán tận ngọn", và trong trường hợp gặp khó khăn, họ có thể siết chiết khấu.
Một doanh nghiệp phân phối xăng dầu khác bày tỏ lo ngại rằng, nếu không có biện pháp ứng phó với tình hình kinh doanh khó khăn hiện tại, kịch bản khan hiếm nguồn cung xăng dầu như thời kỳ từ tháng 10 đến tháng 12/2022 có thể tái diễn.
Trước tình hình này, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân nếu để xảy ra tình trạng thiếu hụt hoặc đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong nước. Bộ Công Thương cần chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải chủ động đảm bảo nguồn hàng và cung cấp đủ xăng dầu cho hệ thống phân phối, tránh gián đoạn nguồn cung. Ngoài ra, Bộ phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024, đồng thời chỉ đạo điều tiết để đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trên từng địa bàn.
Minh Sáng
Xem thêm tại vnbusiness.vn