Digiworld tiết lộ M&A không thành; Sông Hồng bán bớt công ty; FPT Retail tham gia thị trường điện máy

Vietjet nhận thêm 10 tàu bay mới ngay trong năm nay

Ngay trong những tháng cuối năm 2024, Vietjet dự kiến sẽ nhận thêm 10 tàu bay thế hệ mới vào đội tàu bay hiện đại hàng đầu của mình, đáp ứng nhu cầu phát triển, phục vụ người dân và du khách trên khắp các đường bay trong nước, quốc tế. 

Vietjet đang khai thác đội tàu hơn 100 chiếc


Hãng hàng không này cho biết, các máy bay mới dự kiến giao từ tháng 8/2024 phần lớn là các tàu bay A321neo ACF hiện đại nhất hiện nay của Airbus. Năm 2019, Vietjet cũng là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới đưa vào khai thác máy bay A321neo ACF (Airbus Cabin Flex).

Mới đây, Vietjet cũng đã ký hợp đồng đặt mua 20 tàu bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900) của Airbus với tổng trị giá 7,4 tỷ USD. 

Vietjet đang khai thác đội tàu hơn 100 chiếc với những thế hệ tàu bay tiên tiến, hiện đại, an toàn nhất thế giới như A320, A321ceo, A321neo - A321neo ACF, A330 bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050. 

Trong nửa đầu năm 2024, Vietjet đã vận chuyển 13,1 triệu khách, khai thác 70.154 chuyến bay an toàn. Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất nửa đầu năm 2024 đạt 34.016 tỷ đồng và 1.311 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 6 tháng, tăng trưởng lần lượt 15% và 433% so với cùng kỳ, vượt 21% so với kế hoạch năm. 

Với 10 tàu bay sắp nhận từ nay đến cuối năm 2024, Vietjet sẽ tiếp tục mở rộng mạng bay của mình tại Việt Nam và quốc tế, với các điểm đến mới tại Australia, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia… 

FPT Retail tham gia cuộc đua trên thị trường điện máy

Chuỗi bán lẻ sản phẩm công nghệ FPT Shop của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) vừa đồng loạt khai trương 10 cửa hàng điện máy trên toàn quốc. Trong đó, cửa hàng điện máy sẽ là một gian bên cạnh ngành hàng sản phẩm điện tử công nghệ (ICT).

FPT Shop vừa đồng loạt khai trương10 cửa hàng điện máy trên toàn quốc


Các cửa hàng mới có quy mô tương đối lớn với diện tích hơn 200m2/cửa hàng. FPT Retail cũng hợp tác chiến lược với 30 thương hiệu điện máy, gia dụng lớn như Samsung, LG, Casper, Toshiba, Xiaomi, Daikin, TCL, Aqua, Sharp, Midea, Hisense... để phân phối sản phẩm. Công ty dự kiến nâng tổng số cửa hàng điện máy lên 50 điểm trong năm 2024.

Động thái mới của FPT Retail diễn ra sau giai đoạn tái cơ cấu chuỗi FPT Shop và có phần “ưu ái” nguồn lực phát triển cho chuỗi nhà thuốc Long Châu. Việc mở rộng sang ngành hàng điện máy cũng khiến sự cạnh tranh giữa FPT Retail và Thế giới Di động thêm gay cấn. Hai doanh nghiệp bán lẻ này vốn đã “rượt đuổi” nhau ở lĩnh vực bán lẻ công nghệ (ICT) và dược phẩm. MWG và FRT cũng là đối thủ trong lĩnh vực dược phẩm khi MWG sở hữu chuỗi nhà thuốc An Khang còn FRT phát triển chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu...

Sông Hồng tiếp tục bán bớt công ty 

HĐQT Tổng công ty cổ phần Sông Hồng đã thống nhất phương án chuyển nhượng vốn đầu tư tại một số doanh nghiệp, bao gồm cả niêm yết lẫn chưa niêm yết. Thời gian thực hiện từ 1/8-31/10/2024.

Cụ thể, SHG sẽ chuyển nhượng toàn bộ 100 ngàn cổ phần Tập đoàn Nhôm Sông Hồng Shalumi và 91 cổ phần Công ty Xây dựng Sông Hồng theo hình thức khớp lệnh qua sàn.

Doanh nghiệp cũng sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư tại các công ty chưa niêm yết theo hình thức thỏa thuận. Giá chuyển nhượng theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách kế toán của Tổng công ty (sau khi đã bù trừ khoản dự phòng tổn thất đầu tư tài chính). Trong danh sách này có Công ty Xây dựng dân dụng và hạ tầng sông Hồng, Công ty Tư vấn và Xây dựng đô thị sông Hồng (trước đây là Công ty Tư vấn kiến trúc và đô thị sông Hồng), Công ty Bất động sản Hà Nội sông Hồng (trước đây là Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hà Nội sông Hồng). Hiện, Tổng công ty cổ phần Sông Hồng đã trích lập dự phòng tổn thất hầu hết phần vốn đầu tư tại các doanh nghiệp này.

Đầu năm nay, HĐQT Tổng công ty cổ phần Sông Hồng cũng đồng ý chuyển nhượng toàn bộ vốn một loạt công ty, gồm Sông Hồng Miền Trung, Đầu tư Địa ốc sông Hồng, Công nghệ và Đầu tư Thảo Nguyên (trước đây là Công nghệ Truyền thông sông Hồng).

Động thái thoái vốn trên nằm trong kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp giai đoạn 2024-2025 đã được ĐHĐCĐ bất thường Tổng công ty cổ phần Sông Hồng năm 2024 thông qua ngày 17/2/2024.

Theo lãnh đạo Công ty, sau khi hoàn thành việc thoái vốn Nhà nước, phương án tái cấu trúc doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện để xóa bỏ nợ xấu. Đa số công ty con và công ty liên kết đều đang thua lỗ, nợ rất nhiều nên khó thu được tiền về sau khi thoái vốn.

Việc thoái vốn chỉ để xóa nợ của các công ty đó, không ảnh hưởng đến báo cáo tài chính của Tổng công ty. 

Trong giai đoạn 2024-2025, Tổng công ty sẽ tập trung thoái vốn kèm theo xử lý dứt điểm công nợ phải thu/phải trả (nếu có) hoặc cho giải thể/phá sản (nếu đủ điều kiện) trong trường hợp không thể thoái vốn; cơ cấu lại nợ bằng hình thức hoán đổi nợ phải trả và vốn cổ phần; tăng vốn điều lệ để triển khai các dự án đầu tư, mua bán, sáp nhập, thành lập mới doanh nghiệp; công ty mẹ tập trung đầu tư kinh doanh bất động sản, không trực tiếp làm nhà thầu thi công xây dựng;…

Tổng công ty Sông Hồng cũng sẽ thương thảo với các ngân hàng để giải chấp máy móc thiết bị đang cầm cố tại ngân hàng về cho thuê, đồng thời khai thác hiệu quả mặt bằng tại khu đất 70 An Dương để lấy nguồn thu duy trì hoạt động.

Sắp tới, doanh nghiệp dự kiến tăng vốn từ 270 tỷ đồng lên khoảng 770-820 tỷ đồng theo từng giai đoạn, phù hợp với tiến độ và lộ trình tái cơ cấu cũng như nhu cầu tài chính của dự án đầu tư. Tổng công ty Sông Hồng cho biết đang có nhu cầu khoảng 200 tỷ đồng để thực hiện dự án tổ hợp đa chức năng Sông Hồng Tower; nhu cầu vốn để cơ cấu các khoản nợ phải trả khoảng 300-350 tỷ đồng.

Digiworld tiết lộ 1 thương vụ M&A không thành

Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) cho biết những thông tin đáng chú ý về các mảng kinh doanh mới của công ty.

Digiworld đặt mục tiêu cho doanh thu quý III/2024 ở mức 6.000 tỷ đồng 


Trong đó, nửa đầu năm 2024, chuỗi cầm đồ Vietmoney có mức lỗ trung bình hàng tháng là khoảng 1 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản chi phí trụ sở. Ban lãnh đạo cho rằng, Vietmoney sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ trong thời gian còn lại của năm 2024. Tại các thông báo trước đó, Digiworld dự báo đóng góp của Vietmoney vào lợi nhuận là không đáng kể trong vòng 2 năm tới.

Doanh số/cửa hàng/tháng của Vietmoney trong nửa đầu năm 2024 (tức tổng khoản vay đã phát hành) là 2 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ). Trong số 16 cửa hàng của Vietmoney, 14 cửa hàng ghi nhận mức lợi nhuận nhẹ ở cấp cửa hàng, trong khi 2 cửa hàng còn lại vẫn đang lỗ. 

Ban lãnh đạo cho biết Vietmoney có thể sẽ ghi nhận lãi cấp công ty với doanh số/cửa hàng trung bình hàng tháng ở mức 2,5 tỷ đồng.

Thông tin tại buổi gặp mặt  nhà đầu tư cũng cho biết,  một thương vụ M&A tiềm năng trong mảng thiết bị văn phòng đã không thành, nhưng khả năng cao sẽ chốt được 1 thương vụ tiềm năng trong mảng tiêu dùng vào năm 2025.

Về tình hình kinh doanh của Achison, công ty dự kiến mang lại 800 tỷ doanh thu trong năm 2024. Việc mua lại 75% công ty Achison - doanh nghiệp chuyên phân phối các sản phẩm bảo hộ lao động và thiết bị công nghiệp như đá mài, đá cắt, máy đánh bóng... - là thương vụ đáng chú ý nhất của Digiworld trong thời gian qua.

Achison cũng được giới đầu tư theo dõi trong bối cảnh dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Hàng loạt nhà máy của các thương hiệu lớn trên thế giới như Lego, Pandora, Samsung... được xây dựng tại Việt Nam càng củng cố kỳ vọng về sự tăng trưởng trong nhu cầu về thiết bị bảo hộ lao động. 

Tuy nhiên, nửa đầu năm 2024, doanh số bán hàng của Achison thấp hơn kỳ vọng của ban lãnh đạo do hoạt động sản xuất yếu hơn dự kiến. Achison đã thành lập chi nhánh tại Hà Nội, ghi nhận tổng doanh thu ở mức 360 tỷ đồng, với lợi nhuận ròng là 8 tỷ đồng. 

Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2024, Digiworld cho biết việc mua lại Achison đã giúp công ty giảm chi phí giảm và họ đặt mục tiêu doanh thu của mảng này là 1.000 tỷ đồng cho năm 2024, tức tăng trưởng 50% và và lãi sau thuế 50 tỷ đồng. Nhu cầu yếu từ Âu Mỹ đã khiến các đơn hàng ở Việt Nam sụt giảm và mục tiêu doanh thu đối với Achison cũng phải giảm xuống.

Digiworld đặt mục tiêu cho doanh thu quý III/2024 ở mức 6.000 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ và tăng 20% so với quý liền trước).\

Beta Media cùng Aeon Entertainment lập liên doanh

Aeon Entertainment và Beta Media của Việt Nam đã ký thỏa thuận thành lập liên doanh với mục tiêu xây dựng và vận hành chuỗi rạp chiếu phim cao cấp trên khắp Việt Nam. Quan hệ đối tác này cũng bao gồm các kế hoạch sản xuất và phân phối phim trong nước.

Aeon Entertainment (Nhật Bản) và Beta Media (iệt Nam) thỏa thuận thành lập liên doanh


Dự án này hoạt động dưới thương hiệu Aeon Beta Cinema, đặt mục tiêu mở hơn 50 cụm rạp chiếu phim cao cấp vào năm 2035. Địa điểm đầu tiên dự kiến ​​ra mắt vào năm 2025. Mặc dù thông tin tài chính cụ thể không được tiết lộ, nhưng theo những người quan sát trong ngành, tổng vốn đầu tư ước tính lên tới khoảng 5 nghìn tỷ đồng (198,2 triệu USD).

Aeon Entertainment, công ty con của Tập đoàn Aeon Nhật Bản và là đơn vị điều hành rạp chiếu phim lớn nhất tại thị trường trong nước với 96 địa điểm, coi Việt Nam là thị trường tăng trưởng chính. Ông Nobuyuki Fujiwara, chủ tịch của Aeon Entertainment, đã trích dẫn kiến ​​thức và mạng lưới thị trường địa phương của Beta Media là những yếu tố quan trọng trong quan hệ đối tác.

Trong khi ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch Beta Group, công ty mẹ của Beta Media cũng nhấn mạnh tiềm năng về “cơ hội phát triển đột phá” thông qua sự kết hợp giữa kinh nghiệm trong ngành của Aeon và hiểu biết sâu sắc về địa phương của Beta.

Beta Cinema, một thương hiệu rạp chiếu phim Việt Nam được cho là có những bước phát triển khá tốt trong thời gian gần đây. Trên thực tế, Beta Cinemas là chuỗi rạp chiếu phim có chính sách nhượng quyền tiềm năng nhất trên thị trường. Công ty hướng đến khái niệm rạp chiếu phim trẻ trung, hiện đại dẫn đầu phân khúc thị trường trung cấp, với mức giá phù hợp với trang thiết bị tiêu chuẩn và cơ sở vật chất rộng rãi, hiện đại. Thành lập năm 2014, đến năm 2024 thương hiệu đã có 20 cụm rạp trên toàn quốc.

TKV sẽ nhập khẩu 1,2 triệu tấn than trong tháng 8

Thông tin từ Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, TKV sẽ nhập khẩu 1,2 triệu tấn than, tiêu thụ 3,25 triệu tấn trong tháng 8/2024. TKV tập trung chỉ đạo các đơn vị sản xuất chủ động, linh hoạt, phát huy tối đa nguồn lực và năng lực, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.

TKV sẽ nhập khẩu 1,2 triệu tấn than, tiêu thụ 3,25 triệu tấn trong tháng 8/2024. 

Theo TKV, bước vào tháng 8/2024, TKV thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh với một số chỉ tiêu chính. Sản xuất 2,78 triệu tấn than nguyên khai; 9,95 triệu m3 đất bóc; 23,83 ngàn mét lò đào. Nhập khẩu 1,2 triệu tấn than, tiêu thụ 3,25 triệu tấn.

Trong 7 tháng, doanh thu toàn TKV ước đạt 100.721 tỷ đồng, đạt 57,5% kế hoạch năm, bằng 104,7% so với cùng kỳ.

TKV đã sản xuất 2,63 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ đạt 3 triệu tấn; đất bóc đạt 8,9 triệu m3; đào lò đạt 23.222 mét. Sản xuất 114 nghìn tấn khoáng sản Alumin quy đổi, tiêu thụ 122 nghìn tấn. Tinh quặng đồng sản xuất 9,82 nghìn tấn, 1.650 tấn đồng tấm; 854 tấn kẽm thỏi; 8,48 ngàn tấn phôi thép. Ngoài ra, đã sản xuất và tiêu thụ 815 triệu kWh điện; sản xuất 4.900 tấn thuốc nổ, tiêu thụ 8.000 tấn. Sản xuất 9.000 tấn Amon Nitrat, tiêu thụ 8.000 tấn.

Hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản theo kế hoạch điều hành, đã đưa doanh thu tổng số của TKV trong tháng 7/2024 đạt 12.462 tỷ đồng.

Như vậy, trong 7 tháng, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 100.721 tỷ đồng, đạt 57,5% kế hoạch năm, bằng 104,7% so với cùng kỳ.

Xem thêm tại baodautu.vn