Đo tác động của tỷ giá tới doanh nghiệp

Tác động hai chiều tới doanh nghiệp xuất khẩu

Sau chuỗi thời gian tăng nóng trong 6 tháng đầu năm, bắt đầu từ tháng 7/2024, tỷ giá USD/VND có dấu hiệu hạ nhiệt khi các tín hiệu giảm lãi suất của Fed trở nên rõ ràng hơn. Sáng ngày 6/9, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố giữa VND với USD ở mức 24.222 đồng, giảm 7 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá USD trên thị trường tự do lao dốc mạnh so với phiên trước. Tại thị trường Hà Nội, lúc 6h43, USD giao dịch (mua - bán) ở quanh mức 25.107 - 25.117 đồng/USD, giảm 96 đồng/USD ở chiều mua vào và giảm 116 đồng/USD ở chiều bán ra so với phiên giao dịch trước đó.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, hiện chỉ số USD-Index thủng mức đáy của tháng 4/2024 và đà giảm có thể chưa dừng lại trong thời gian tới. Việc USD xuống giá - yếu tố bên ngoài và căn bản, cộng thêm yếu tố bên trong là chính sách điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước đã giúp tỷ giá USD/VND hạ nhiệt đáng kể.

Theo ông Minh, diễn biến mới của tỷ giá mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế trong nước, đặc biệt là giảm áp lực lạm phát, tăng cường sức mua nội địa và củng cố niềm tin tiêu dùng, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tỷ giá hạ nhiệt có lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm cả đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII), vì khi tỷ giá ổn định, nhà đầu tư nước ngoài mới yên tâm rót vốn.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ chịu tác động trực tiếp của biến động tỷ giá. Cụ thể, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ hưởng lợi nhiều khi tỷ giá giảm, chi phí đầu vào giảm. Với các doanh nghiệp xuất khẩu, về lý thuyết, sẽ chịu tác động tiêu cực khi giá USD giảm, do hàng hóa thanh toán bằng đồng USD, nhưng ghi nhận từ các doanh nghiệp khối này cho thấy, việc Mỹ - nhà nhập khẩu số 1 thế giới kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát sẽ giúp một số ngành hàng xuất khẩu vào thị trường này hưởng lợi gián tiếp khi sức cầu tiêu dùng kỳ vọng cải thiện.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (lũy kế từ đầu năm) đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Thông tin được ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May 10 (mã M10) chia sẻ, biến động tỷ giá không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của May 10, bởi Công ty có cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu. Với hoạt động nhập khẩu, tỷ giá USD/VND giảm sẽ giúp Công ty giảm chi phí. Trong khi ở mảng xuất khẩu, hiện Công ty đã nhận đơn hàng đến hết quý IV, tình hình kinh doanh khả quan. Năm 2024, May 10 đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 130 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,6% và 5,7% so với năm 2023.

“Sức cầu tiêu dùng đang cải thiện giúp May 10 có doanh thu và lợi nhuận tốt. Chúng tôi tự tin có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh được đại hội đồng cổ đông giao phó. Hiện chúng tôi đang hướng tới mục tiêu cao hơn”, ông Việt cho hay.

Tại Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã TCM), đến thời điểm hiện tại, Công ty đã nhận khoảng 82% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV/2024 và khoảng 87% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng năm 2024. Dự báo tình hình xuất khẩu dệt may tích cực trong mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm, TCM kỳ vọng sẽ đạt kế hoạch kinh doanh đề ra.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, TCM đạt hơn 2.286 tỷ đồng doanh thu (tương đương 91 triệu USD), tăng 16% so với cùng kỳ, thực hiện 58% kế hoạch năm; lãi sau thuế hơn 175 tỷ đồng (7 triệu USD), tăng 32% so với cùng kỳ, vượt 2% mục tiêu năm đặt ra.

Ở đầu ra, doanh nghiệp dệt may chịu thiệt hại khi doanh thu quy đổi mỗi đơn vị sản phẩm từ USD sang đồng nội tệ giảm so với trước, song ghi nhận từ nhiều doanh nghiệp ngành này, ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu như bông, vải sợi, mực, bao bì… nên tỷ giá giảm giúp doanh nghiệp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào. Cộng với tình hình đơn hàng tích cực hơn, những tác động tiêu cực từ tỷ giá tới doanh nghiệp trong ngành này không rõ ràng.

Không chỉ doanh nghiệp ngành dệt may, ngành da giày, điều… cũng chịu tác động hai chiều từ biến động tỷ giá. Hiệp hội Da giày TP.HCM cho biết, hơn 75% nguyên phụ liệu cho ngành sản xuất giày da, may mặc phải nhập khẩu, thậm chí nhiều sản phẩm phải nhập khẩu tới 85 - 95% nguyên liệu.

Việt Nam đang đứng số 1 thế giới về xuất khẩu hạt điều, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD trong năm nay, tăng hơn 200 triệu USD so với năm 2023 nhưng lại chưa chủ động hoàn toàn được nguyên liệu. Có tới 90% nguyên liệu phục vụ sản xuất của ngành điều Việt Nam được nhập khẩu từ châu Phi và Campuchia, thanh toán bằng USD. Theo thông tin của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2024, kim ngạch nhập khẩu điều thô lên tới 2,3 tỷ USD (để nhập khẩu khoảng 1,88 triệu tấn hạt điều thô).

Một doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu cho biết, đồng USD giảm giá sẽ giúp kích thích nhu cầu mua sắm, tiêu dùng các sản phẩm nhập khẩu, trong đó ô tô là sản phẩm có giá trị cao, được hưởng lợi lớn từ tỷ giá giảm. Theo đó, giá bán ô tô nhập khẩu sẽ cạnh tranh hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phân phối xe.

Doanh nghiệp bất động sản gián tiếp hưởng lợi

Tỷ giá hạ nhiệt, theo ông Nguyễn Thế Minh, có tác động gián tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành bất động sản.

Theo chuyên gia, sau một thời gian hút tiền qua thị trường mở (OMO) và nâng lãi suất liên ngân hàng để giải quyết bài toán tỷ giá tăng nóng, thời gian qua, NHNN đã có động thái giảm lãi suất tín phiếu và lãi suất OMO, phát đi tín hiệu rõ ràng Ngân hàng Nhà nước không còn áp lực tăng lãi suất vào 6 tháng cuối năm. Hiện tại, áp lực tăng lãi suất được giải tỏa, Ngân hàng Nhà nước có thời gian kéo dài chính sách nới lỏng tiền tệ sang đầu năm 2025.

“Khuynh hướng lãi suất huy động có khả năng cao không tăng lên và điều hành lãi suất cho vay ra ở mức thấp, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí thấp. Hiện nay, nhu cầu vay vốn lớn nên chi phí vay thấp sẽ tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp đẩy dòng vốn vào sản xuất - kinh doanh”, ông Minh phân tích.

Trong đó, ông Minh nhấn mạnh, mặt bằng lãi suất thấp sẽ kích nhu cầu vay mua nhà, đầu tư bất động sản, giúp thị trường bất động sản sôi động hơn. Doanh nghiệp bất động sản cũng có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay rẻ hơn để giải bài toán giảm áp lực nợ trái phiếu và dùng dòng vốn này để triển khai dự án mới khi vướng mắc pháp lý của dự án được khơi thông.

Doanh nghiệp vay nợ ngoại tệ bớt áp lực

Nếu như thời điểm tỷ giá USD/VND tăng cao, doanh nghiệp có dư nợ bằng USD lớn chịu áp lực tăng chi phí cũng như lỗ chênh lệch tỷ giá không nhỏ, thì nay, áp lực này đã vơi dần.

Chẳng hạn, tại thời điểm 30/6/2024, Tổng công ty Điện lực Dầu khí (mã POW) có khoản vay dài hạn bằng ngoại tệ của hai ngân hàng nước ngoài là HSBC Bank USA NW và SMBC-CN Singapore, với giá trị quy đổi lần lượt là hơn 136 tỷ đồng và hơn 4.847 tỷ đồng. Tổng dư nợ vay của hai ngân hàng này là hơn 4.983 tỷ đồng. Thử làm phép tính, tại ngày 5/9/2024, tỷ giá USD/VND bán ra được niêm yết tại Vietcombank là 24.920 VND/USD, giảm 2,17% so với thời điểm 30/6/2024 (25.473 đồng/USD), khoản dư nợ của POW có thể giảm hơn 108 tỷ đồng trong giai đoạn này.

“Tất nhiên, phải xem diễn biến tỷ giá tại thời điểm cuối quý III/2024 là bao nhiêu mới xác định được POW được lợi bao nhiêu từ chênh lệch tỷ giá”, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AzFin Việt Nam nói.

Một doanh nghiệp khác cũng giảm gánh nặng tài chính đáng kể khi tỷ giá USD/VND giảm là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN). Trong quý I năm nay, chi phí tài chính của doanh nghiệp này tăng gần gấp đôi, lên mức 1.470 tỷ đồng, trong đó có gần 650 tỷ đồng là lỗ chênh lệch tỷ giá do Công ty có nhiều khoản nợ vay bằng ngoại tệ. Theo ước tính của ông Đặng Trần Phục, tính đến ngày 5/9/2024, Vietnam Airlines lãi chênh lệch tỷ giá khoảng 800 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thế Minh khẳng định: "Khi tỷ giá hạ nhiệt, doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính cao bằng đồng USD sẽ giảm bớt áp lực chi phí vay”.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn