Doanh nghiệp bảo hiểm thận trọng trong xây dựng kế hoạch lợi nhuận

BIC chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 ở mức 4,5%, so với mức tăng gần 20% năm 2023. Ảnh: Đức Thanh

Điểm sáng những đầu tàu

Cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty cổ phần PVI vừa tổ chức đã thông qua kế hoạch tổng doanh thu đầy tham vọng, lên tới gần 17.400 tỷ đồng, tăng 8,17% so với năm 2023. Đây cũng là mức chưa từng đạt được trong lịch sử hoạt động của PVI.

Quan trọng hơn, nếu hoàn thành mục tiêu, PVI sẽ có năm thứ tư liên tiếp nối dài chuỗi tăng trưởng doanh thu và càng vững chân hơn ở vị trí quán quân về quy mô trong nhóm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

Năm 2023 là một năm có nhiều biến động đối với hoạt động của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Dù vẫn “sáng” hơn mảng bảo hiểm nhân thọ, song doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ cả năm cũng chỉ tăng 3%, ước đạt 71.064 tỷ đồng.

Xét về các mảng nghiệp vụ, theo tính toán của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, một vài mảng sản phẩm đã thu hẹp quy mô doanh thu như bảo hiểm hàng không (-10,8%); bảo hiểm hàng hóa vận chuyển (-10,8%); bảo hiểm xe cơ giới (-1,9%) ở cả sản phẩm bắt buộc và tự nguyện. Tuy nhiên, cũng có một số mảng tăng trưởng mạnh như bảo hiểm cháy nổ tự nguyện, bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính… đều vượt trên 10%.

Tương tự, tăng trưởng doanh thu từng doanh nghiệp bảo hiểm cũng là bức tranh đa sắc, đặc biệt phân hoá mạnh ở tốp dẫn đầu.

Doanh thu của hai công ty bảo hiểm là Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Bảo hiểm Quân đội (MIG) giảm hơn 4% so với năm 2022. Cả hai gương mặt này đều nằm trong Top 5 thị phần bảo hiểm phi nhân thọ năm trước.

Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp khác lại bứt lên với mức tăng trưởng 2 chữ số. Dẫn đầu là Bảo hiểm BIDV (BIC), với mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm tới 31,1%. Tái bảo hiểm Hà Nội (Hanoi Re) - công ty con do PVI sở hữu hơn 81% vốn - đạt mức tăng trưởng hơn 17%. PVI năm vừa qua ghi nhận mức tăng trưởng gấp gần 5 lần so với tăng trưởng chung của thị trường, thu về 14.466 tỷ đồng doanh thu riêng mảng bảo hiểm - nhân tố chính đóng góp vào mức tổng doanh thu 16.083 tỷ đồng.

Thống kê hơn 10 doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn (riêng Tập đoàn Bảo Việt chỉ tính mảng phi nhân thọ), doanh thu từ phí bảo hiểm năm 2023 tăng xấp xỉ 6%, cao hơn mức tăng trưởng chung toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ.

Đặt mục tiêu cho năm 2024, PVI không phải là đơn vị duy nhất đặt kỳ vọng lớn vào tăng trưởng doanh thu. Dù chỉ hoàn thành 77% kế hoạch doanh thu và chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài hơn 10 năm, song Bảo hiểm Quân đội tiếp tục đặt mục tiêu bước chân vào Top 4 thị phần trong năm 2024, với doanh thu phí bảo hiểm tăng 33%.

Trong khi đó, theo bản kế hoạch kinh doanh trình cổ đông chuẩn bị cho cuộc họp đại hội đồng cổ đông sắp tới, lãnh đạo Bảo hiểm BIDV cho biết, doanh thu phí bảo hiểm mục tiêu năm 2024 là 4.774 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm trước.

Thách thức từ môi trường lãi suất giảm

Khác với khá nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã công bố kế hoạch kinh doanh ở thời điểm hiện tại, PJICO đặt mục tiêu doanh thu khá thận trọng, với doanh thu bảo hiểm gốc chỉ “không thấp hơn kết quả thực hiện năm 2023”. Nhiệm vụ đặt ra cho năm nay là theo định hướng phát triển kinh doanh an toàn - bền vững - hiệu quả, cùng các hoạt động chuyển đổi số, nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Thống kê hơn 10 doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn, doanh thu từ phí bảo hiểm năm 2023 tăng xấp xỉ 6%, cao hơn mức tăng trưởng chung toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ.

Điểm chung khá dễ nhận thấy ở phương án kinh doanh năm nay là sự thận trọng trong việc xây dựng kế hoạch lợi nhuận. Lãi suất huy động - yếu tố tác động lớn đến doanh thu tài chính do nhóm doanh nghiệp bảo hiểm phân bổ tỷ trọng lớn danh mục vào các khoản tiền gửi.

Theo bà Nguyễn Thị Hương Giang, Tổng giám đốc PJICO, lãi suất ngân hàng giảm rất mạnh, khoảng 35% so với lãi suất tiền gửi bình quân năm 2023, sẽ kéo theo sự sụt giảm đáng kể của doanh thu tiền gửi. Giải pháp mà lãnh đạo PJICO đưa ra là tìm kiếm để hợp tác với ngân hàng có lãi suất vay ưu đãi để tối ưu hoá dòng tiền đầu tư, thường xuyên rà soát danh mục đầu tư tài chính, lựa chọn thời điểm thoái vốn, bán cổ phiếu…

Đánh giá lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp và dự báo chưa nhiều khả năng điều chỉnh tăng trong năm 2024, Tái bảo hiểm Hà Nội cũng đánh giá, đây là thách thức hàng đầu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư tài chính.

PJICO đặt mục tiêu lợi nhuận đi ngang. Bảo hiểm BIDV dù lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu trên 14%, song cũng chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 4,5%. Doanh nghiệp bảo hiểm này từng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 tới gần 20%, nhờ nguồn thu từ tiền gửi tăng hơn 58% so với năm 2022.

Trong khi đó, PVI thận trọng hơn, khi đặt ra kế hoạch lợi nhuận đi lùi, giảm tới hơn 13%, dù doanh thu mục tiêu tăng khả quan.

Bảo hiểm Quân đội là trường hợp hiếm hoi tiếp tục kỳ vọng mức tăng trưởng cao về lợi nhuận (+25%) và doanh thu (+33%). Công ty nhận định, lãi suất năm 2024 ở mức thấp cũng là một trong những động lực giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng, bên cạnh sự phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán so với mức nền so sánh thấp.

Xem thêm tại baodautu.vn