Doanh nghiệp, doanh nhân ngành giao thông trước sứ mệnh làm việc lớn, việc khó
Các doanh nghiệp giao thông trong nước ngày càng lớn mạnh, có thể đảm nhận sứ mệnh xây dựng các đại công trình giao thông lớn của đất nước |
“Đã hứa là làm, đã làm là hiệu quả”
Gần 3 tháng trở lại đây, ông Cao Đăng Hoạt, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Định An gần như túc trực tại công trường Dự án Xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua TP. Thủ Đức. Gương mặt vị doanh nhân trẻ, xuất thân là thầy giáo dạy chuyên lý, đã sạm đen vì nắng, gió công trường.
Tại dự án này, Tập đoàn Định An là nhà thầu đứng đầu liên danh tại 2 gói thầu xây lắp: XL02 và XL03, trị giá gần 4.000 tỷ đồng. Đây cũng là những hạng mục thi công khó khăn nhất tại Dự án, do phần lớn tuyến đường đi qua nền địa chất rất yếu, phải thực hiện gia tải.
Từng “chinh chiến” tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, Tập đoàn Định An có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý nền đất yếu, song cái khó tại công trường thi công đường vành đai 3 TP.HCM là cát xây dựng vừa khan hiếm, vừa leo giá từng ngày.
Ông Hoạt cho biết, đoạn Km18+141 đến Km18+419 thuộc tuyến song hành phải và song hành trái được xử lý nền đất yếu với giải pháp bấc thấm (PVD) kết hợp đắp gia tải. Tổng thời gian thi công xử lý nền đất yếu là 14 tháng.
Theo quy trình, phạm vi tiếp giáp giữa đoạn PVD và trụ cầu cạn cao tốc sẽ thi công xử lý nền trước, sau đó mới thi công phần móng trụ cầu cạn. Do vậy, các trụ của cầu cạn từ T109 đến T115 chỉ được thi công sớm nhất từ tháng 8/2025, sau khi nền đất yếu được xử lý xong. Với tiến độ này, dự kiến đến tháng 9/2026, hạng mục cầu cạn mới có thể thi công hoàn thành trong thời gian thực hiện hợp đồng, kết thúc vào cuối quý I/2026.
Ngoài việc phải bám công trường, chỉ đạo nhân viên mua gom từng sà lan cát với giá cao gấp 2 - 3 lần dự toán, vị “chiến tướng” còn trực tiếp nghiên cứu thay đổi biện pháp tổ chức thi công để đẩy nhanh tiến độ xử lý nền đất yếu từ bấc thấm kết hợp đắp gia tải tại các lý trình như trên bằng giải pháp thi công cọc xi măng đất.
“Hiện nay, riêng hạng mục xử lý nền đất yếu, chúng tôi đã chi tới 70 - 80 tỷ đồng. Việc điều chỉnh biện pháp thi công nếu được chủ đầu tư chấp thuận cũng sẽ phát sinh một lượng kinh phí lớn nữa. Tuy nhiên, nhà thầu sẵn sàng chịu lỗ để thực hiện bằng được lời hứa với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, là hoàn thành công trình vào tháng 1/2026”, ông Cao Đăng Hoạt nhấn mạnh.
Cần phải nói thêm rằng, cam kết thi công đúng tiến độ, chất lượng của vị doanh nhân này đã từng được chứng thực tại nhiều công trình giao thông lớn mà Tập đoàn Định An từng tham gia, như cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2.
Khởi đầu với vai trò một nhà thầu phụ nhỏ tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhờ vào chữ tín với các chủ đầu tư, đối tác và kỹ năng quản trị sáng tạo; biết ứng dụng công nghệ mới, trọng dụng người tài và tinh thần dấn thân, đã nói là phải làm, hiệu quả là hài hòa lợi ích…, Tập đoàn Định An đã từng bước vươn lên trở thành đơn vị thi công có thương hiệu trong ngành giao thông, có thể coi là tiêu biểu cho đội ngũ doanh nghiệp giao thông thế hệ mới, tiến bước cùng các “ông lớn” như Đèo Cả, Sơn Hải, Phương Thành… thực hiện sứ mệnh xây dựng các đại công trình giao thông lớn cho đất nước.
Đặc biệt, đối với Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, các nhà thầu đã nỗ lực vượt bậc và xác định việc hoàn thành tiến độ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là danh dự, uy tín, trách nhiệm của mình, từ đó, chủ động khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, quyết tâm hoàn thành các dự án.
“Tre chưa già, nhưng măng đã mọc - đây là may mắn lớn của ngành giao thông. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, khi cả nước là đại công trường xây dựng đường cao tốc, chúng ta đã chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của các doanh nghiệp xây dựng cầu đường”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá.
Đón những việc lớn, việc khó
Các đại dự án giao thông được triển khai trong thời gian vừa qua là trường đào tạo, là những “phép thử” để giúp các doanh nghiệp giao thông trưởng thành, nhất là trong việc tích tụ kinh nghiệm, năng lực tài chính.
Ở chiều ngược lại, sự trưởng thành, bứt phá của các doanh nghiệp được dẫn dắt bởi các doanh nhân thế hệ mới cũng tạo nên sức bật mới cho các công trình giao thông.
Trước đây, do nguồn lực đầu tư hạn chế, khối lượng công việc do các doanh nghiệp xây dựng trong nước thực hiện không lớn; công tác thiết kế, thi công xây dựng các công trình có kỹ thuật cao như hầm, cầu dây văng chủ yếu do nhà thầu nước ngoài thực hiện, nhà thầu trong nước chủ yếu tham gia với vai trò thầu phụ.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, thời điểm cuối năm 2022, số lượng nhà thầu trong nước đã tham gia thi công xây dựng công trình giao thông có giá trị hợp đồng từ 1.000 tỷ đồng trở lên không nhiều, chỉ có khoảng 14 nhà thầu. Nhưng đến nay, danh sách này đã lên tới 40 - 50 đơn vị, trong đó có khoảng 10 nhà thầu lớn đảm nhận những hợp đồng lên tới 4.000 - 5.000 tỷ đồng, hoặc tổng giá trị hợp đồng đang triển khai thi công lên tới 1 tỷ USD.
Đặc biệt, các nhà thầu trong nước dần lớn mạnh, cơ bản làm chủ công nghệ, từ khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng hầu hết các công trình giao thông lớn, có tính chất, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, như công trình cầu dây văng, dây võng, cầu bê tông cốt thép nhịp đúc hẫng cân bằng, công trình hầm qua núi, vượt sông...
Trong quá trình thi công xây dựng, các nhà thầu đã không ngừng cải tiến công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trên thế giới trong quản lý, điều hành và tổ chức thi công xây dựng. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị thi công hiện đại, đồng bộ để phục vụ xây dựng như các thiết bị khoan, đào hầm, thiết bị thi công cầu lớn... rất hiệu quả và tạo ra sản phẩm công trình với chất lượng kỹ thuật - mỹ thuật cao. Tiêu biểu là tự thiết kế, thi công cầu Mỹ Thuận 2 nhịp dây văng dài 350 m, hầm Thần Vũ dài 1,1 km, hầm Núi Vung dài 2,2 km, các dự án có kỹ thuật phức tạp lần đầu áp dụng ở Việt Nam như hệ dàn thép khẩu độ lớn tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Tại công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia cũng như các dự án do các địa phương đầu tư xây dựng, các doanh nghiệp tham gia thi công xây dựng đều là các nhà thầu mạnh, có năng lực, kinh nghiệm và uy tín; có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi và đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề.
Các nhà thầu xây dựng đang nỗ lực, cố gắng hết sức mình triển khai thi công, đặc biệt trong việc hưởng ứng cuộc phát động “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” của Thủ tướng Chính phủ.
Các kỹ sư, công nhân của các nhà thầu đã và đang nêu cao tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, thi công “3 ca, 4 kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “đã ra quân là chiến thắng”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” theo đúng tinh thần chỉ đạo, động viên, khích lệ của Thủ tướng Chính phủ. Vào thời điểm này, thi công vượt tiến độ và đảm bảo chất lượng đang là thước đo thể hiện bản lĩnh, sự chuyên nghiệp của những người đứng đầu các doanh nghiệp hạ tầng giao thông trong thời kỳ cả nước là “đại công trường”.
“Chúng tôi rất trân trọng việc các nhà thầu đã vượt qua những tính toán lợi ích kinh tế của bản thân doanh nghiệp để thi công vượt tiến độ hợp đồng, quyết tâm thật lớn vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc”, ông Nguyễn Danh Huy cho biết.
Trong khát vọng vượt vũ môn, hướng tới đảm nhận những “việc lớn, việc khó”, trong đó có “siêu dự án” đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trị giá tới 67 tỷ USD dự kiến triển khai trong 2 - 3 năm tới, nhiều doanh nghiệp giao thông vẫn đang nỗ lực, bền bỉ tích lũy tiềm lực, tri thức mới, mà Tập đoàn Đèo Cả của doanh nhân Hồ Minh Hoàng là ví dụ điển hình.
Để tạo nền tảng vững chắc, Tập đoàn Đèo Cả luôn quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, đón đầu xu thế, đột phá, phát triển từ tư duy “nghĩ khác biệt, tạo cách biệt”, nhưng để phát triển bền vững, vươn tầm quốc tế, thì phải từ “tri thức tạo ra giá trị”.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, ngoài các dự án đường bộ cao tốc, việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt được xác định là hướng đi mới của Tập đoàn Đèo Cả trong giai đoạn 5 - 10 năm tới.
Để đón đầu các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, tháng 1/2024, Tập đoàn Đèo Cả đã phối hợp với Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả khai giảng chương trình đào tạo chuyên ngành xây dựng đường sắt - metro.
Các module đào tạo tại đây sẽ gắn liền giữa lý thuyết và thực tiễn thi công, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp cho mục tiêu hoàn thành Dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam trước mắt và định hướng lâu dài cho phát triển đường sắt của đất nước trong tương lai.
“Để giải quyết nhiều dự án khó khăn, xóa tan sự hoài nghi về năng lực, kinh nghiệm và đặc biệt là khát vọng Việt Nam, tôi thiết nghĩ, phải có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trước hết, phải lấy lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân làm tối thượng, nhưng cũng cần phải có trách nhiệm với lợi ích của cổ đông, người lao động, đồng thời cũng cần quan tâm tới lợi ích cho chính mình để tạo động lực”, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ.
Xem thêm tại baodautu.vn