Doanh nghiệp dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục

Dấu ấn xuất khẩu

Xuất khẩu hàng hóa cả nước vẫn đang đón bắt cơ hội thị trường ở mức rất khả quan. Theo Tổng cục Thống kê, sau 11 tháng của năm 2024, cả nước xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 370 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức kỷ lục trong bối cảnh thương mại toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình hình địa - chính trị căng thẳng ở nhiều khu vực, sự trở lại của chính sách bảo hộ ở nhiều nước.

Trong 11 tháng qua, xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến mang về 325,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ.

Dẫn đầu là nhóm điện tử, máy tính và linh kiện, với 65,27 tỷ USD, tăng 26,3%, vượt xa điện thoại và linh kiện (15 tỷ USD). Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác mang về 47,8 tỷ USD, tăng 26,1%.

Tính chung, các ngành hàng quy mô vài chục tỷ USD, đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn đều có mức tăng trưởng mạnh, từ đó góp phần đáng kể vào mức tăng chung của xuất khẩu 11 tháng.

Trong khi đó, nhóm nông - lâm sản cũng lập kỳ tích, đạt 31,35 tỷ USD, chiếm 8,4%, tăng 23,6%; còn nhóm hàng thủy sản sơ bộ đạt 9,17 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ.

Đáng lưu ý, trong nhóm nông sản, đã xuất hiện những mặt hàng về đích sớm, thậm chí vượt mục tiêu xuất khẩu đề ra từ đầu năm. Chẳng hạn, cà phê đạt 4,93 tỷ USD, tăng 35,4%; xuất khẩu gạo đạt 8,45 triệu tấn, trị giá 5,3 tỷ USD, tăng lần lượt 10,6% và 22,3%; hạt điều đạt 3,98 tỷ USD, tăng 20,6%; rau quả 6,62 tỷ USD, tăng 20,6%...

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, thời gian còn lại của năm 2024 còn rất ít, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đặt ra, các cấp, các ngành phải tăng tốc thực hiện các giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra.

“Rà soát các động lực tăng trưởng của nền kinh tế cho tới nay, tăng trưởng kinh tế đang có nhiều cơ hội để bứt phá. Đó là xuất khẩu có nhiều tín hiệu tốt với sự quay trở lại của các đơn hàng xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng cho nền kinh tế”, Thứ trưởng Phương nói.

Chỉ dấu tích cực là 11 tháng qua, đã xuất hiện thị trường xuất khẩu vượt 100 tỷ USD. Đó là thị trường Mỹ (108,9 tỷ USD, tăng 23,9%). Trong khi đó, EU nhập từ Việt Nam 47,3 tỷ USD, tăng 18,1%; Hàn Quốc nhập 23,4 tỷ USD, tăng 8,7%, ASEAN nhập 33,7 tỷ USD, tăng 13,4%...

“Các FTA mà Việt Nam ký kết với hơn 60 nền kinh tế trên toàn cầu đang trợ lực rất hiệu quả cho xuất khẩu của doanh nghiệp. Đơn cử, với riêng EVFTA, nhờ 5 năm thực thi, doanh nghiệp đã xuất khẩu lượng hàng hóa dệt may tăng gấp đôi, từ 20 triệu USD trước khi có EVFTA, lên 40 triệu USD hiện nay”, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên chia sẻ.

Mốc 400 tỷ USD đến rất gần

Do cầu thế giới thấp, năm ngoái, xuất khẩu của nước ta đã lỗi hẹn mục tiêu tăng trưởng, chỉ về đích gần 355 tỷ USD, giảm 4,6% (tương ứng giảm gần 17 tỷ USD) so với năm 2022 (371,5 tỷ USD).

Từ đầu năm 2024, cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn phục hồi đã tiếp sức cho xuất khẩu, nhờ đó các ngành hàng tăng đơn hàng lớn, bù đắp cho sự suy giảm của năm ngoái.

Dựa trên những kết quả tích cực đạt được 11 tháng qua và vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tháng cuối cùng của năm nay, xuất khẩu dự báo nhiều khả năng duy trì ở mức 33-34,5 tỷ USD.

Nếu duy trì xuất khẩu ở mức này, thì xuất khẩu cả năm đạt khoảng 403-404 tỷ USD. Ở tình huống thị trường với sức mua kém hơn, xuất khẩu tháng 12 đạt 28-29 tỷ USD, thì xuất khẩu đạt 398-399 tỷ USD, vẫn đánh dấu kỷ lục về ngoại thương của Việt Nam.

Xuất khẩu đang dần cán đích với con số ấn tượng, nhưng những hạn chế cần được khắc phục trong năm 2025 và những năm tiếp theo là giảm sự tập trung quá lớn vào một số thị trường để giảm thiểu rủi ro trước những bất lợi về chính sách thương mại. Đồng thời, rà soát xuất khẩu đối với một số ngành hàng xuất đi Mỹ, EU, Canada…, nhằm tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ông John Goyer, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á (Phòng Thương mại Mỹ) lưu ý, trao đổi thương mại Việt-Mỹ đang tăng trưởng nhanh, nhưng doanh nghiệp cần quan tâm chính sách thương mại dưới thời Tổng thống Trump, bởi nhiều khả năng, công cụ thuế quan sẽ được sử dụng nhiều hơn với hàng nhập khẩu. Rõ ràng, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần chuẩn bị cho khả năng này.

Xem thêm tại baodautu.vn