Doanh nghiệp “kêu khó” vì hạn mức tín dụng
Doanh nghiệp khó vì giảm hạn mức, tăng tài sản thế chấp
Chia sẻ tại Hội nghị về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của Chính phủ vừa qua, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex bày tỏ, trong tiếp cận tín dụng, các doanh nghiệp dệt may không khó vì bản chất doanh nghiệp dệt may có đơn hàng là có lãi, nên suốt 18 tháng qua, ngành gặp nhiều khó khăn là ngành sản xuất nguyên liệu.
Do những khó khăn từ bối cảnh kinh tế, ngành sợi toàn thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải chịu lỗ. Ông Trường nêu rõ, năm 2022, các doanh nghiệp này tiếp cận vốn thuận lợi nhưng sang năm 2023 thì khó hơn, đặc biệt là từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024 khi các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024 với các doanh nghiệp ngành sợi.
Trong khi đó, ngành sợi của các quốc gia khác trong khu vực đang nhận được nhiều hỗ trợ như giá điện rẻ, lương tối thiểu thấp. Ông Lê Tiến Trường nhận định, nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi.
Vị này dẫn chứng, ngành sợi hiện nay có 10 triệu cọc sợi, giá trị tài sản đầu tư mới khoảng 6 tỷ USD, giá trị còn lại khoảng 3 tỷ USD và mỗi năm đang trả ngân hàng khoảng 300 triệu USD. Trong khi đó, ngành sợi đang duy trì 150.000 lao động, tiền lương trả cho công nhân khoảng 1 tỷ USD, đặc biệt ngành sợi dùng điện nhiều, 1 năm đang trả khoảng 500 triệu USD tiền điện.
“Nếu chúng ta giảm hạn mức thì nghe có thể an toàn về phương diện ngắn hạn, nhưng thực ra mất an toàn về vốn dài hạn vì không sản xuất thì không có tiền trả vay dài hạn trước đây. Do vậy, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sợi trong năm 2024, không giảm hạn mức tín dụng và cũng không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định để duy trì sản xuất quay trở lại", Chủ tịch Tập đoàn Dệt may nhấn mạnh.
Cũng về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chia sẻ, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Vietnam Airlines tiến tới mở rộng sản xuất, kinh doanh, mở lại các đường bay cũ cũng như mở các đường bay mới, đặc biệt những đường bay xuyên lục địa. Năm 2024, dù còn chịu nhiều khó khăn của tình hình biến động chính trị quốc tế, nhưng Vietnam Airlines phấn đấu mở rộng mảng bay, cân đối thu chi hoặc tiệm cận được cân đối thu chi vào năm 2024.
Vì thế, lãnh đạo Vietnam Airlines bày tỏ mong muốn được ngành ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn. Đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng tăng hạn mức tín dụng cho Vietnam Airlines.
Trong ngành dầu khí, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, các dự án đầu tư của PVN có quy mô và khối lượng vay rất lớn, như dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn lên đến gần 5 tỷ USD… Do đó, nên xem xét áp dụng cho từng trường hợp để nâng trần hạn mức tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, các dự án siêu lớn có thể tiếp cận và sử dụng nguồn tín dụng trong nước.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, chính sách này sẽ giúp các chủ đầu tư như PVN và các ngân hàng trong nước kiểm soát được chi phí sử dụng vốn bình quân của dự án đầu tư khi có các biến động. Bởi bài học cho thấy đàm phán tái cơ cấu tài chính của các dự án vay vốn nước ngoài rất khó khăn.
Trong báo cáo gửi UBND TPHCM mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) đã nêu, khảo sát cho thấy có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn trong khi việc định giá tài sản chế chấp thấp dẫn đến hạn mức tín dụng được vay cũng thấp. Vì vậy, HUBA kiến nghị, ngân hàng nên xem xét về tỷ lệ thế chấp, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai.
Ngân hàng vướng nợ xấu và điều kiện cho vay
Tuy vậy, từ phía ngân hàng, việc đưa ra hạn mức tín dụng cũng có nguyên nhân. Chẳng hạn, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cho biết, ngân hàng có hơn 40.000 khách hàng doanh nghiệp với hạn mức tín dụng được cấp là 240.000 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được tổng cộng hơn 60.000 tỷ đồng, còn lại không giải ngân được do nhiều lý do.
Ông Vinh lý giải, đó là những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn nhưng không có đầu ra, không có phương án sản xuất kinh doanh. Vì thế, tiền trong ngân hàng đang thừa, không phải ngân hàng không muốn cho vay mà ngân hàng rất muốn cho vay, nhưng điều kiện nào để cho vay?
Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, ngành ngân hàng đang phải đối diện với áp lực nợ xấu hiện hữu, nên dòng vốn tín dụng ngân hàng chỉ là dòng vốn bổ sung, không phải dòng vốn chủ lực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo dữ liệu Wigroup, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng lên trên ngưỡng 3% trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm xuống dưới 100% thay vì luôn ở trên 100% như trước đây. Do đó, dù đạt doanh thu cao song nhiều ngân hàng phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả lợi nhuận như trong năm 2023.
Báo cáo của NHNN cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân tín dụng tăng chậm, trong đó do một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Hơn nữa, một số ngân hàng quy trình thủ tục cho vay vẫn chậm được cải tiến, nhất là thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn