Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, tình hình suy giảm toàn cầu nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) rất khó khăn. Suy giảm tiêu dùng trong năm 2023, cộng với áp lực lãi suất cao đã khiến doanh nghiệp suy kiệt.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn đối mặt với những khó khăn về áp lực trả nợ, thiếu hụt tài sản đảm bảo thế chấp vay vốn mới. Với Thông tư 02 cho phép giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ thì chỉ những doanh nghiệp biết và kiến nghị lên ngân hàng, còn lại rất khó được ngân hàng công bố rộng rãi xuống các doanh nghiệp.
Vì vậy, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp đã đề nghị ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách hy sinh một phần lợi nhuận để giảm thêm lãi vay cho các doanh nghiệp. Hiện mặt bằng lãi vay đã giảm so với đầu năm 2023, song để có thể vực dậy thị trường doanh nghiệp cần thêm sự chia sẻ về lãi vay.
Toàn cảnh Hội nghị |
Thực tế hiện nay, doanh nghiệp không dám vay vốn ngân hàng để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Dù thủ tục để tiếp cận vốn vay đã được cải thiện, ngân hàng cũng đang đi tìm khách hàng có nhu cầu vay vốn, song việc kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp cần được đẩy mạnh thêm.
Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%, hiện tâm lý của ngân hàng còn e ngại về việc hậu kiểm, đồng thời phía doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà vì thủ tục rườm rà và phức tạp nên Hiệp hội doanh nghiệp cũng mong muốn ngành ngân hàng có thể mạnh dạn hơn trong việc đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất này và tiết giảm thủ tục.
Chia sẻ tại Hội nghị, lãnh đạo BIDV chi nhánh TP. HCM cho rằng, trong năm qua, hoạt động của ngành ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn, bởi bên cạnh việc cạnh tranh tìm kiếm khách hàng cho vay, ngân hàng cũng phải kiểm soát được chất lượng tín dụng trong bối cảnh khó khăn.
Vì thế, ngân hàng cũng mong muốn được NHNN gia hạn thêm Thông tư 02, nhằm kéo dài thời gian, hoãn, giãn trả nợ cho các doanh nghiệp có thêm thời gian và điều kiện để duy trì hoạt động cũng như mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn.
Đại diện HDBank chia sẻ rằng, kinh tế năm 2023 gặp nhiều thách thức và khó khăn, song GDP của Việt Nam vẫn đạt 5,3%; lạm phát kiểm soát ở mức 3%; NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong 2023 và kiểm soát tỷ giá ổn định.
Với HDBank, trong năm qua ngân hàng cũng đã nỗ lực đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng, với lãi suất ưu đãi, trong đó có gói tín dụng 5.000 tỷ đồng. Không chỉ dừng lại ở khách hàng là doanh nghiệp, thông qua HD SAISON, ngân hàng HDBank cũng đẩy mạnh gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để kích cầu tiêu dùng cho các công nhân.
Riêng về việc giãn, hoãn, tái cơ cấu nợ theo Thông tư 02, đến cuối năm 2023 tổng số giải ngân của ngân hàng đạt 1.600 tỷ đồng, trong đó khu vực TP.HCM là 1.500 tỷ đồng.
Lãnh đạo các nhà băng cho biết, bước sang đầu năm nay, NHNN cũng đã chủ động cấp hết hạn mức tín dụng 15%, sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động trong cả năm 2024. Tuy nhiên, cầu tín dụng chưa cải thiện nhiều.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, hiện áp lực lãi vay đã giảm mạnh so với đầu năm 2023, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp, nhất là với các SME là phải minh bạch về tài chính. Vì thực tế hiện nay, lãi suất dành cho SME đã giảm sâu, song các doanh nghiệp này khó tiếp cận được, do không minh bạch được tài chính.
NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay, kết thúc năm 2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 3,541triệu tỷ đồng, tăng gần 9,8% so với cuối năm 2022 và chiếm 26,1% so với tổng dư nợ tín dụng của cả nước. So với các năm trước đây, tốc độ tăng trưởng này thấp hơn, cụ thể, tín dụng năm 2022 tăng 13,8%; năm 2021 tăng 11,9% và năm 2020 tăng 10,4%.
Cơ cấu tín dụng giữa VND và ngoại tệ; giữa ngắn hạn và trung dài hạn không thay đổi, song dư nợ tín dụng VND tăng trưởng cao hơn, tăng 10,8%; dư nợ ngắn hạn tăng 13,6%, trong khi đó dư nợ trung dài hạn tăng 6,5%. Diễn biến này phù hợp và phản ánh hiệu ứng chính sách, trong đó lãi suất cho vay VND thấp, kích thích tăng trưởng tín dụng tiền đồng.
Thực hiện cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ đạt 39.660 tỷ đồng, cho 36.763 khách hàng; cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên với lãi suất không quá 4%/năm đạt gần 200.000 tỷ đồng; tổ chức thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực nhà ở xã hội để hỗ trợ thị trường bất động sản, giải ngân gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản thủy sản đạt doanh số gần 500 tỷ đồng cho 200 khách hàng.
Công tác đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, với kết quả ấn tượng về lần đầu tiên số lượng hội nghị kết nối trên địa bàn đạt 34 hội nghị, tổng số tiền cho vay, giải ngân gói tín dụng ưu đãi đạt 633.000 nghìn tỷ đồng, cho 176.891 khách hàng, tăng 11% so với năm 2022 - là số tiền hỗ trợ cao nhất của chương trình trong 10 năm qua.
Thông qua hoạt động ngân hàng, ngành ngân hàng Thành phố đã thực hiện hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ, với doanh số cho vay đạt gần 81.000 tỷ đồng, chiếm 36% so với cả nước, cho 429 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực hàng không, vận tải kho bãi, lưu trú nhà hàng, ăn uống; công nghiệp chế biến, chế tạo, lĩnh vực nông lâm thủy sản; giáo dục, lập trình máy vi tính và hoạt động có liên quan; xây nhà ở cho công nhân thuê…