Doanh nghiệp lạc quan khi nhìn về 2024

Empty

Nền kinh tế đang dần khởi sắc, doanh nghiệp lên kế hoạch tăng trưởng cho 2024, ảnh: Trọng Hiếu

Kế hoạch tăng trưởng

Năm 2023 trôi qua và năm 2024 đã đến, doanh nghiệp bắt đầu đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm sau. Đây mới là kế hoạch sơ bộ và có thể phải điều chỉnh cho phù hợp tình hình kinh tế trước khi trình cổ đông tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên. Theo đó, nhiều doanh nghiệp có cái nhìn lạc quan về 2024 sau 1 năm đầy biến động, tin tưởng vào chính sách và nỗ lực của Chính phủ trong vực dậy nền kinh tế.

Chứng khoán Phú Hưng (mã: PHS) vừa công bố kế hoạch kinh doanh 2024 với tổng doanh thu 746 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 101 tỷ đồng.  Đây là mức doanh thu kỷ lục và lợi nhuận chỉ thấp hơn năm thị trường chứng khoán thăng hoa 2021. Công ty chưa công bố lợi nhuận năm nay nhưng 9 tháng mang về 20 tỷ đồng, quý cuối năm dự báo không đột biến khi mà thị trường chứng khoán gần như ảm đạm trong cả quý.

Nhìn lại 2023, lãnh đạo PHS đánh giá là năm tương đối khó khăn, thách thức cho các công ty chứng khoán không chỉ duy trì hoạt động mà còn bài toán giữ chân nhà đầu tư. Năm 2024 được coi là năm bản lề cho sự phục hồi chu kỳ kinh tế, đây cũng chính là thời cơ để thị trường chứng khoán Việt Nam bứt phá, thu hút nhiều hơn nữa dòng tiền. Sự quyết tâm của Nhà nước trong việc nâng hạng thị trường, ra mắt hệ thống KRX là bước đi để các công ty chứng khoán trong đó có PHS có cơ hội giới thiệu nhiều hơn các sản phẩm dịch vụ đa dạng cho nhà đầu tư.

HĐQT của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) thông qua kế hoạch kinh doanh 2024 gồm doanh thu 10.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng. Nếu so với con số lỗ ròng 880 tỷ đồng 9 tháng 2023 thì đây là sự phục hồi mạnh của công ty.

Năm 2023 tiếp tục là năm tương đối khó khăn với các doanh nghiệp xây dựng do thị trường bất động sản chưa phục hồi, đặc biệt những doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền như Hòa Bình. Tập đoàn phải liên tục trích lập dự phòng khoản phải thu cũng như gánh nặng chi phí tài chính đã gây nên khoản lỗ lớn 2022 và 2023.

Doanh nghiệp đang triển khai tái cấu trúc tài chính thông qua phát hành hơn 252 triệu cổ phiếu gồm 220 triệu cổ phiếu riêng lẻ và 32,5 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ. Hòa Bình công bố có 2 nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua cổ phần riêng lẻ gồm Tumaz and Tumaz Enterprises và PrimeTech VN Development and Investment (sau phát hành đối tác ngoại sẽ sỡ hữu gần 42% vốn công ty). Phương án thành công sẽ giúp doanh nghiệp trả được hàng nghìn tỷ đồng nợ vay.

Vào ngày 27/12, Hòa Bình công bố tin vui ký hợ đồng tổng thầu D&B (thiết kế và thi công) dự án khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên (TP. Hải Phòng) do CTCP Thái – Holdings làm chủ đầu tư, tổng giá trị hợp đồng gần 4.000 tỷ đồng.

Theo tiết lộ của ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG), năm 2024, doanh nghiệp dự tính xây dựng mục tiêu lợi nhuận tăng 25% so với thực hiện 2023.

Người đứng đầu HAGL cho biết nền tảng của kế hoạch trên là bên cạnh mảng chuối ổn đinh, năm sau sẽ có thêm đóng góp của mảng heo và sầu riêng. Năm 2023 mảng heo đóng góp không nhiều do giá bán thấp và mảng sầu riêng mới phát triển. Ông Đức dự báo theo chu kỳ thì giá thịt heo năm sau sẽ phục hồi, với giá thành dưới 50.000 đồng/kg, sự phục hồi của giá thịt heo có thể giúp doanh nghiệp lãi lớn. Cùng với đó, mảng sầu riêng dự kiến trong năm 2024 có thể thu hoạch trên diện tích 300 – 400 ha.

Ngoài ra, công ty đang tập trung thanh toán nợ, sau khi tất toán sẽ được hoàn nhập chi phí lãi vay phải trả và gia tăng lợi nhuận. Năm 2023, HAGL ước lãi đột biến 2.150 tỷ đồng. Một phần nhờ thanh toán đủ số tiền 750 tỷ đồng gồm nợ gốc và nợ lãi trong hạn cho Eximbank giúp doanh nghiệp được miễn giảm lãi lên đến 1.425 tỷ đồng, ghi nhận 1.200 tỷ đồng vào lợi nhuận.

Kinh tế sáng hơn

Các doanh nghiệp có góc nhìn lạc quan về triển vọng 2024 do nền kinh tế thế giới lẫn trong nước phát đi tín hiệu phục hồi, tuy còn đà phục hồi yếu và vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng khó khăn nhất đã qua.

Chứng khoán MBS phân tích khởi động chậm chạp trong quý I, nền kinh tế Việt Nam cải thiện dần qua các quý liên tiếp, các chỉ số về hoạt động sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu đều có sự cải thiện vào những tháng cuối năm 2023. Theo đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng thu hẹp đà giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước trong quý III và kỳ vọng dương trở lại từ quý IV.

Với năm 2024, MBS chỉ ra 4 động lực tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất, xuất khẩu Việt Nam có thể tăng 6 – 7% trên nền thấp 2023 nhờ các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc phục hồi và nỗi lực mở thêm các thị trường mới, nhất là trong tiêu thụ mặt hàng nông sản.

Thứ 2, năm 2024 được xem năm bản lề để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và bắt tay vào xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2026 – 2030. Theo đó, năm nay là thời điểm đẩy nhanh tiết độ. Đồng thời, nhiều nút thắt đầu tư những năm trước đã được tháo gỡ như công tác chỉ định thầu, việc khai thác mỏ đá mới được cấp phép, giá nguyên vật liệu xây dựng hạ nhiệt…

Thứ 3, chính sách tiền tệ ở trạng thái cân bằng hơn. Lãi suất có xu hướng tạo đáy trong quý IV/2024 và duy trì nền thấp trong cả năm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Cuối cùng, VND mạnh lên sau khi Fed phát đi tín hiệu lãi suất đạt đỉnh và sớm hạ hạn chế mức tăng của USD. Chính sách tiền tệ toàn cầu bắt đầu nới lỏng, đồng USD có xu hướng mất giá trên diện rộng giảm áp lực lên tỷ giá trong nước.

Dù vậy, nền kinh tế vẫn còn rủi ro liên quan đến lạm phát, thị trường bất động sản chưa rã băng và nợ xấu ngân hàng gia tăng.

Trong bối cảnh đó, MBS dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết năm sau tăng trưởng 16,8%, chủ yếu bởi sự hồi phục của ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng, bán lẻ và tiêu dùng. Điểm rơi lợi nhuận vào quý III và IV.

Xem thêm tại nhadautu.vn