Doanh nghiệp lo khó xoay vốn trước áp lực trái phiếu đáo hạn

Trong Thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ tại cuộc họp Quốc hội kỳ 8, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần phải vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, sản xuất kinh doanh. Kiểm soát chặt tín dụng, nợ xấu. Đặc biệt cần phải kiểm soát rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thực sự phục hồi, trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu là rất lớn. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý IV/2024 có giá trị đáo hạn trái phiếu lớn nhất trong năm.

Cụ thể, tổng giá trị trái phiếu đến hạn là gần 79.000 tỷ đồng. Bất động sản là ngành chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất, chiếm đến 43%, tương ứng 34.000 tỷ đồng. Theo sau là nhóm ngân hàng với gần 8,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 10,8%).

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2025 cũng không nhỏ với tổng giá trị đáo hạn là gần 180.000 tỷ đồng, chỉ thấp hơn 5% tổng giá trị đáo hạn năm 2024, tập trung vào quý III và quý IV.

-7620-1729572674.png

Trong quý IV/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là gần 79.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, trong thời gian qua, trước áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ trái phiếu. Điển hình như Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục chậm trả lãi, gốc trái phiếu lên đến 4.500 tỷ đồng; Novaland chậm trả tổng cộng hơn 800 tỷ đồng lãi, gốc; Đức Long Gia Lai nguy cơ bị hủy niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với khoản nợ trái phiếu còn khoảng 70,4 tỷ đồng…

“Chúng tôi cũng duy trì quan điểm cho rằng, áp lực đáo hạn của nhóm bất động sản, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị trái phiếu đáo hạn và chậm trả trong quý IV/2024, sẽ là một yếu tố rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt nếu thị trường bất động sản không phục hồi như kỳ vọng”, Chứng khoán Phú Hưng nhận định.

Thực tế, từ đầu tháng 10 đến nay, đã có một số doanh nghiệp tiếp tục thông báo chậm trả lãi, gốc trái phiếu. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm VIS Ratings đánh giá, nguy cơ chậm trả trong tháng 10 là khá lớn, dù tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong tháng 10 là khoảng 15.300 tỷ đồng, thấp hơn so với tháng trước (24.500 tỷ đồng).

Trong đó dự kiến có 8 trái phiếu (tổng mệnh giá lưu hành 420 tỷ đồng) có nguy cơ chậm trả nợ gốc. Trong số những trái phiếu này, có 6 trái phiếu đã chậm trả coupon trước đó; có 2 tổ chức phát hành có tình hình tài chính yếu kém và có lịch sử chậm trả đối với trái phiếu khác.

Liên quan trái phiếu doanh nghiệp chậm trả, VIS Ratings cho biết trong quý III/2024, tổng giá trị trái phiếu chậm trả phát sinh mới là 1,7 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình của bốn quý gần nhất là 14,9 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ thu hồi nợ gốc chậm trả của các trái phiếu chậm trả đã tăng 0,3% lên 21,2% vào cuối tháng 9/2024 nhờ sự cải thiện ở các nhóm ngành bất động sản nhà ở và xây dựng.

Chẳng hạn, trong tháng 9 có 10 tổ chức phát hành thuộc các lĩnh vực bất động sản nhà ở, năng lượng và xây dựng đã thanh toán một phần hoặc toàn bộ dư nợ gốc trái phiếu chậm trả với tổng giá trị là 781 tỷ đồng. Trong đó, 70% giá trị hoàn trả đến từ các công ty thuộc nhóm ngành bất động sản nhà ở, bao gồm Công ty TNHH Saigon Glory (Saigon Glory) và CTCP Đầu tư Hải Phát.

Các chuyên gia nhận định, áp lực đáo hạn vẫn ở mức cao sẽ buộc nhiều doanh nghiệp phải tiếp tục tái phát hành để huy động vốn trong quý IV/2024. Tuy nhiên, quy định mới trong dự thảo sửa đổi Luật chứng khoán, hiện đang được thảo luận, theo hướng cấm nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp (trừ trái phiếu ngân hàng) khiến nhiều người lo ngại thanh khoản thị trường "tắc nghẽn".

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp có quy mô tương đối nhỏ và đang có phần trầm lắng, cần khuyến khích nhà đầu tư tham gia. Việc cấm nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường có thể khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp thêm ảm đạm. Hệ quả là cản trở dòng vốn lưu thông trong nền kinh tế, giảm khả năng huy động vốn của doanh nghiệp.

Đồng thời, vị giám đốc này cảnh báo nếu Luật sửa đổi theo hướng "siết" chặt quá thì thị trường sẽ thiếu nhà đầu tư, không đủ người mua và hệ quả là doanh nghiệp không thể phát hành thành công trái phiếu để huy động vốn.

Hiện nay, ngân hàng là bên nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, tiếp đến là nhà đầu tư cá nhân (cá nhân đang sở hữu 30% trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ). Sự tham gia của các quỹ đầu tư vào thị trường trái phiếu còn rất nhỏ bé (khoảng 8%).

Vì vậy, tham gia thẩm tra dự thảo sửa đổi Luật chứng khoán, một số thành viên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng nhà đầu tư cá nhân là nhóm nhà đầu tư lớn tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, việc loại nhà đầu tư cá nhân sẽ dẫn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp.

Thay vì ngăn chặn, một số thành viên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất nên giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, bảo đảm cá nhân chuyên nghiệp đánh giá được mức độ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi tham gia đầu tư trái phiếu.

Trong khi đó Fiin Ratings cho rằng do mức độ rủi ro cao của trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, chủ trương hạn chế nhà đầu tư cá nhân là hợp lý, nhưng cũng mở ra cơ hội tham gia thị trường từ góc độ tổ chức.

Theo đó, quy định như dự thảo Luật sẽ hướng nhà đầu tư cá nhân thay vì trực tiếp đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, sẽ tham gia vào thị trường thông qua việc đầu tư vào các các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư trái phiếu, được quản lý bởi công ty quản lý quỹ và trái phiếu của tổ chức tín dụng phát hành, là tổ chức được quản lý, giám sát an toàn về tài chính theo các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, Fiin Ratings cũng khuyến nghị nới lỏng các quy định hiện nay về hạn chế nhà đầu tư tổ chức, bao gồm cả nhà đầu tư ngoại, để khơi thông nhu cầu về trái phiếu doanh nghiệp.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn