Doanh nghiệp lớn tiếp tục mở rộng đầu tư

Thép Nam Kim muốn tăng giá trị sản phẩm tôn mạ thông qua đầu tư nhà máy mới 	Ảnh: Lê Toàn
Thép Nam Kim muốn tăng giá trị sản phẩm tôn mạ thông qua đầu tư nhà máy mới Ảnh: Lê Toàn

Gemadept chọn đầu tư khi công suất gần lấp đầy

Đối với doanh nghiệp sản xuất, việc mở rộng công suất hay thu hẹp quy mô sản xuất là chỉ báo sớm về dự báo thị trường, từ động thái mở rộng công suất hay thu hẹp của doanh nghiệp sẽ là cơ sở để nhà đầu tư có thêm chỉ báo về xu hướng ngành trong trung và dài hạn.

Thực tế, sau đại dịch Covid-19, khi hoạt động xuất khẩu chậm lại, các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, kéo theo nhiều ngành nghề, lĩnh vực khó khăn, dẫn tới tốc độ tăng trưởng chậm lại trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, khi một số dấu hiệu xuất khẩu tăng trưởng trở lại, doanh nghiệp bất động sản từng bước tháo gỡ khó khăn dòng tiền và lãi suất duy trì mặt bằng thấp, hoạt động đầu tư mở rộng nhà máy/xây dựng đang có dấu hiệu ấm lên, các doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng dài hạn tại thị trường trong nước.

Bước sang năm 2024, khi một số dấu hiệu xuất khẩu tăng trưởng trở lại, nhiều doanh nghiệp tăng đầu tư mở rộng nhà máy để phát triển trong dài hạn.

Chia sẻ bên lề Đại hội đồng cổ đông năm 2024, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc CTCP Gemadept (mã GMD) nhấn mạnh về tính cấp thiết phải đầu tư giai đoạn tiếp theo của hai dự án trọng điểm: “Hiện tại, giai đoạn I và II của cảng Nam Đình Vũ đã đạt 90% công suất và giai đoạn I dự án cảng Gemalink sẽ đạt 90% công suất vào cuối năm 2024. Vì vậy, Công ty quyết định đầu tư Dự án cảng Nam Đình Vũ - giai đoạn III (tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng) và Dự án cảng nước sâu Gemalink - giai đoạn 2A (tổng vốn đầu tư 150 triệu USD) để đáp ứng nhu cầu trước khi công suất tại các cảng lấp đầy”.

Được biết, Gemadept lên kế hoạch đầu tư tới năm 2025 với tổng giá trị đầu tư là 10.000 tỷ đồng. Trong đó, Dự án cảng Nam Đình Vũ giai đoạn III dự kiến đầu tư từ quý II/2024 đến quý IV/2025, công suất 650.000 TEU/năm, nâng tổng công suất 3 giai đoạn là 1,75 triệu TEU/năm; Dự án cảng nước sâu Gemalink - giai đoạn 2A dự kiến triển khai từ quý IV/2024 đến quý IV/2025, với công suất 600.000 TEU/năm, nâng tổng công suất toàn dự án lên 2,1 triệu TEU/năm.

Tại thời điểm cuối quý I/2024, Gemadept sở hữu quỹ tiền mặt lên tới 2.391,6 tỷ đồng, chiếm 16,7% tổng tài sản. Ngược lại, nhu cầu vốn đầu tư tới năm 2025 lên tới 10.000 tỷ đồng, chủ yếu để phát triển cảng, hệ thống logistics, vì vậy, nhu cầu huy động vốn tương đối lớn, bao gồm cả vốn chủ sở hữu và vốn vay.

Tại ĐHĐCĐ của Gemadept năm nay đã thông qua việc việc huy động 3.001,4 tỷ đồng từ cổ đông. Số tiền huy động được Công ty sử dụng 2.213 tỷ đồng mua sắm tài sản cố định, giải ngân từ quý IV/2024 đến quý I/2025; 230,6 tỷ đồng trả nợ vay ngân hàng, giải ngân từ quý IV/2024 đến quý I/2025; còn lại 557,7 tỷ đồng để tăng vốn góp vào Công ty cổ phần Cảng Nam Đình Vũ (Gemadept sở hữu 60%) để triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh và trả nợ vay ngân hàng, giải ngân từ quý IV/2024 đến quý I/2025.

Có thể thấy, Gemadept đang có động thái mở rộng công suất thông qua việc mở rộng cảng trước khi các cảng đã khai thác bị lấp đầy trong những năm tới.

Thép Nam Kim và Tôn Đông Á đều muốn nâng giá trị sản phẩm

Tại ĐHĐCĐ năm 2024, cổ đông CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) cũng thông qua kế hoạch đầu tư Dự án Nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ, với công suất 1,2 triệu tấn/năm (công suất 3 nhà máy hiện tại là 1 triệu tấn/năm), triển khai thành nhiều giai đoạn và hoàn thành 100% vào năm 2027.

Để có thể bổ sung vốn đầu tư, Thép Nam Kim sẽ chào bán 131,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, huy động 1.579,7 tỷ đồng. Trong đó, toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sẽ dùng để góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư Dự án Nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ.

Ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch Thép Nam Kim nhấn mạnh: “Năm 2024 sẽ là năm bản lề để Thép Nam Kim tiến sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị ngành tôn mạ, khi Công ty quyết định đầu tư Dự án Nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ, có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng”.

Được biết, trái với Gemadept, Thép Nam Kim đang hoạt động trong lĩnh vực tôn mạ, sức tiêu thụ tuy có hồi phục so với đáy năm 2023, nhưng tốc độ vẫn chậm. Trong đó, thị trường trong nước đang chịu ảnh hưởng bởi sức tiêu thụ yếu liên quan tới lĩnh vực bất động sản, đồng thời áp lực cạnh tranh từ các quốc gia lớn như Trung Quốc.

Thực tế, việc mở rộng nhà máy của Thép Nam Kim không đơn thuần là mở rộng công suất, mà còn là tăng chiều sâu sản phẩm, lấn sân thêm mảng thép mạ cao cấp sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao hơn so với sản phẩm tôn mạ hiện nay của Thép Nam Kim.

Tương tự, tại ĐHĐCĐ năm 2024 của CTCP Tôn Đông Á (mã GDA), đơn vị này cũng tiếp tục kế hoạch đầu tư nhà máy thép lá mạ với công suất 1,2 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất toàn hệ thống lên 2 triệu tấn/năm, triển khai đầu tư trong vòng 6 đến 8 năm kể từ khi đầu tư. Trong đó, sản phẩm cuối cùng là thép lá mạ cung ứng cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô.

Có thể thấy, áp lực cạnh tranh vẫn còn hiện hữu giữa nhóm doanh nghiệp thép nói chung và tôn mạ nói riêng. Tuy nhiên, để tăng chiều sâu và lợi thế cạnh tranh dài hạn, các doanh nghiệp đều muốn đầu tư để tăng giá trị sản phẩm cuối cùng.

Xem thêm tại baodautu.vn