Doanh nghiệp may của Vinatex đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng. |
Các doanh nghiệp trong hệ thống thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã có nhiều cải thiện trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý 3/2024.
Thông tin này được lãnh đạo Vinatex chia sẻ tại họp báo tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu nửa đầu năm 2024.
5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước, trong đó điểm sáng xuất khẩu ở thị trường Mỹ khi dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 2%, đạt 66 tỷ USD; Bangladesh chỉ tăng 3,9%, đạt 21,7 tỷ USD (Bangladesh tháng 5/2024 suy giảm mạnh 16%).
Phân tích kỹ hơn, đại diện Vinatex cho hay: "Sự khởi sắc của dệt may Việt Nam 5 tháng đầu năm không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may của thế giới cải thiện mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam, kết hợp với lợi thế tỷ giá khi VND mất giá 5% so với đồng USD kể từ đầu năm, trong khi đồng tiền các quốc gia cạnh tranh gần như không đổi so với USD".
Đơn hàng khởi sắc hơn, nhưng mặt bằng giá vẫn chưa ổn. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết: “So với năm 2023, các nhà cung cấp, đặt hàng đã thiết lập mặt bằng giá mới và bây giờ doanh nghiệp đang phải làm theo mặt bằng giá đó nên đơn giá vẫn thấp hơn 20%, thậm chí là 50% so với thời điểm năm 2019, năm trước dịch Covid-19.
Với ngành sợi, đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường chính như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc… đã tiệm cận mức hòa vốn, nếu tiết giảm được các chi phí trong sản xuất có thể đạt lợi nhuận.
Dự báo 6 tháng cuối năm, nhu cầu dệt may tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện, kế hoạch cắt giảm lãi suất tại các thị trường này chưa rõ ràng, trong khi các quốc gia cạnh tranh dự kiến sẽ phá giá mạnh đồng tiền từ 15%-20% để hỗ trợ xuất khẩu, do đó, các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực cạnh tranh về đơn giá trong bối cảnh đơn giá vốn đã thấp của 2 năm qua chưa cải thiện.
Mặt khác, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng… được dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Hiếu cho biết: "Vinatex sẽ tiếp tục linh hoạt trong điều hành, tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường, xác định mặt hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ… nhưng giá trị gia tăng cao để sản xuất thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh, đồng thời thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo các thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất-kinh doanh".
Mục tiêu là cán đích năm 2024 với doanh thu hợp nhất đạt 17.900 tỷ đồng, bằng 101,63% so với năm 2023, lợi nhuận hợp nhất đạt 550 tỷ đồng, bằng 102,13% so với năm 2023.
Trước tình hình cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhiều doanh nghiệp ngành sợi đã phải linh hoạt chuyển đổi sang các mặt hàng sợi pha, sợi recycle vốn không phải là thế mạnh để tìm hướng đi mới tại các thị trường ngách bên cạnh sợi cotton truyền thống.
Với Công ty mẹ, để thúc đẩy các cơ hội kinh doanh mới, Vinatex và Tập đoàn Coats (Anh Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về sản xuất các loại trang phục vải chống cháy với công nghệ độc quyền từ phía Tập đoàn Coats. Mục tiêu trong năm đầu tiên sẽ đưa ra thị trường các sản phẩm vải chống cháy với giá trị 5 triệu USD.
Được biết, ngay trong tháng 7/2024, những đơn hàng đầu tiên sang Indonesia với 5.000 mét vải sẽ được xuất khẩu, tiếp nối là đơn hàng 50.000 mét vải cho thị trường Trung Đông, 5.000 mét vải cho thị trường Ấn Độ và tiếp tục được chào hàng cho những thị trường khác.
Xem thêm tại baodautu.vn