Doanh nghiệp mua lại cổ phiếu, cổ đông được gì?

Những doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt dồi dào như PV Gas (GAS), Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Vingroup VIC), Thế Giới Di Động (MWG)... và dòng tiền kinh doanh tích cực hoàn toàn có thể xem xét việc mua cổ phiếu quỹ.  Trên lý thuyết, điều này làm giảm quy mô vốn lưu hành, đồng nghĩa với giá trị sổ sách của một cổ phiếu đang lưu hành tăng lên.

Theo phân tích của SGI Capital, việc doanh nghiệp mua lại cổ phiếu có thể xem như chia lại lợi nhuận cho cổ đông thay cho cách làm truyền thống là trả cổ tức tiền mặt hoặc là trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo đó, cổ đông không trực tiếp nhận thêm cổ phiếu hay tiền mặt nên không phải nộp thuế thu nhập theo quy định, nhưng hưởng lợi hơn từ việc gián tiếp tăng tỷ lệ sở hữu công ty (do giảm quy mô vốn điều lệ), đồng thời hưởng lợi từ mức tăng giá cổ phiếu, tăng định giá P/E.

Về phía doanh nghiệp, lượng tiền chi ra được tái đầu tư vào chính mình, không nằm yên, chỉ hưởng lãi suất ngân hàng (vốn đang có xu hướng thấp như hiện nay), hoặc đầu tư vào các dự án có tính rủi ro.

 Top doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền lớn nhất tại 30/6. Nguồn: H.K tổng hợp.

Trên thế giới, một ví dụ điển hình được nhắc nhiều nhất là Apple (Mã: AAP), khi công ty đã liên tục mua cổ phiếu quỹ trong nhiều năm, bắt đầu từ 2013. Tháng 5/2024, doanh nghiệp có logo quả táo tiếp tục công bố đợt mua cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử nước Mỹ, với số tiền dự chi lên đến 110 tỷ USD. Theo đó, số lượng cổ phiếu lưu hành ngày càng thu hẹp.

Apple trên xu hướng tăng trưởng kinh doanh, thường góp mặt vào nhóm có lợi nhuận ròng cao nhất thế giới. Tập đoàn này cũng vừa đưa dự báo về việc nâng tỷ lệ chia cổ tức năm thứ 12 liên tiếp. Song song đó, cổ phiếu AAPL (sàn chứng khoán Mỹ) duy trì tăng giá khả quan qua nhiều năm.

Như vậy, việc mua cổ phiếu quỹ của một doanh nghiệp tốt như Apple càng làm tăng độ khan hiếm cổ phiếu lưu hành. Việc thị giá đi lên theo thời gian gần là hệ quả tất yếu. Không riêng Apple, nhiều tập đoàn lớn tại Mỹ cũng từng có động thái tương tự như Berkshire Hathaway của huyền thoại Warren Buffett, Microsoft.

Một số mục đích khác kể đến như thu hồi cổ phiếu ESOP, hay cải thiện các chỉ số tài chính EPS, ROE.... khiến định giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, thông thường các doanh nghiệp tính đến chuyện mua cổ phiếu quỹ khi thị giá giảm sâu. Việc mua lại giúp bình ổn giá thị trường và gia tăng giá trị cho cổ đông. Làn sóng mua cổ phiếu quỹ từng ghi nhận vào đầu năm 2020 hay cuối năm 2022, khi thị trường chứng khoán lao dốc. Tuy nhiên, theo quy định mới, việc mua cổ phiếu quỹ đồng nghĩa với việc hủy lượng cổ phiếu trên, giảm vốn điều lệ.

Trường hợp mới đây, CTCP Vinhomes (VHM) thông báo sẽ mua 370 triệu cổ phiếu quỹ, chiếm 8,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Theo công bố, Vinhomes cho biết "thị giá VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực của công ty, việc mua lại cổ phiếu nhằm đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông".

VHM đóng cửa phiên 6/8 tại 34.800 đồng/cp. Ước tính theo mức giá này, Vinhomes sẽ phải bỏ ra hơn 12.800 tỷ đồng để mua lại số cổ phiếu quỹ nêu trên. Đồng thời, việc mua lại 370 triệu cổ phiếu sẽ khiến cho vốn điều lệ giảm 3.700 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành giảm sẽ giúp thu nhập trên một cổ phiếu (EPS) tăng lên.

Vinhomes dự kiến thực hiện sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ đăng ký mua lại và công ty đã công bố thông tin về việc mua lại cổ phiếu theo quy định.

Theo quy định tại Điều 36 Luật Chứng khoán 2019, để mua lại cổ phiếu của chính mình (cổ phiếu quỹ), công ty phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó bao gồm có quyết định của ĐHĐCĐ thông qua việc mua lại cổ phiếu và phương án cụ thể; có đủ nguồn lực thực hiện.

Nguồn: Luật Chứng khoán 2019.

Quy định trên buộc các công ty có ý định mua cổ phiếu quỹ phải được ĐHĐCĐ thông qua. Trước đây hội đồng quản trị có thẩm quyền quyết định mua lại tối đa 10% số lượng cổ phần đã phát hành làm cổ phiếu quỹ.

Điều này khiến việc mua cổ phiếu quỹ không thể diễn ra tức thời khi cổ phiếu giảm sâu dưới đánh giá. Doanh nghiệp cũng không được phát hành tăng vốn trong 6 tháng sau khi mua cổ phiếu quỹ.

Cũng theo Luật Chứng khoán 2019, doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ bắt buộc phải hủy số lượng cổ phiếu quỹ đã mua, giảm vốn điều lệ.

Ngược với những lợi ích, việc mua cổ phiếu quỹ có thể ảnh hưởng đến tài chính của doanh nghiệp và hay sở hữu của các cổ đông khác. Khi mua lại với số lượng lớn sẽ dẫn đến giảm nguồn tiền mặt, ảnh hưởng đến chi phí cho các hoạt động kinh doanh khác, đồng thời tăng hệ số nợ của doanh nghiệp.

Xem thêm tại vietnambiz.vn