Doanh nghiệp Việt trước 'bão' thuế quan từ Mỹ
Phản ứng từ Việt Nam
Tuyên bố đánh thuế đối ứng với hàng hoá đến từ Việt Nam từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây “sốc tâm lý” cho giới kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Đã có những doanh nghiệp niêm yết phải nhanh chóng thay đổi phương án kinh doanh trình đại hội đồng cổ đông 2025, điển hình là Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) phải rút phương án chia cổ tức bằng tiền mặt để “tối đa nguồn vốn tiền mặt cho các hoạt động kinh doanh và kế hoạch phát triển trong tương lai”; và đây hẳn nhiên sẽ là xu hướng bởi bối cảnh kinh doanh đã thay đổi (dẫu cho ông Trump đã hoãn thời hạn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán cũng phần nào phản ánh thực trạng “sốc tâm lý”, bởi vốn dĩ thị trường chứng khoán là sân chơi của các doanh nhân từ lớn tới nhỏ. Từ cú sập kinh điển năm 2008 thì cho đến nay, có lẽ chưa bao giờ thị trường chứng khoán gặp cảnh bán tháo “rát” như vậy, còn “rát” hơn cả thời đại dịch Covid-19 bùng phát - một thảm hoạ thế kỷ đe dọa đến sinh mệnh con người, sinh mệnh của chính nhà đầu tư và dường như đa số doanh nhân bi quan về khả năng tồn tại của doanh nghiệp mình.
Không phải là “hàng loạt cổ phiếu giảm kịch sàn” nữa mà có thể nói là tuyệt đại đa số cổ phiếu đã giảm kịch sàn trong phiên 3/4/2025, khiến chỉ số VN-Index gần như giảm kịch biên độ (mất 87,99 điểm, tương đương 6,68%). Ba phiên tiếp theo cũng không khả quan khi VN-Index giảm lần lượt 1,56%, 6,43% và 3,4%. Phản ứng này có thể nói là thái quá bởi dù triển vọng kinh doanh bị ảnh hưởng lớn nhưng phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có thể thích ứng và nhiều tổ chức vẫn đánh giá GDP Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng, thậm chí là tăng trưởng không tệ.
Chính phản ứng tiêu cực thái quá đã dẫn đến phản ứng tích cực thái quá sau khi ông Trump tuyên bố hoãn đánh thuế đối ứng, tích cực tới mức mà hầu hết cổ phiếu “trắng bên bán” và chỉ số VN-Index cũng tăng kịch biên độ trong phiên 10/4 (tăng 74,04 điểm, tương đương 6,77%) và tiếp tục tăng 4,63% và 1,55% trong hai phiên tiếp theo.
Tựu trung, có thể thấy giới kinh doanh đang khá hoảng loạn trước tình huống đánh thuế đối ứng từ Mỹ và cách duy nhất ở thời điểm hiện tại là chờ đợi kết quả cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ. Ở thời điểm hiện tại, ngay cả các tín hiệu tích cực hay tiêu cực của cuộc đàm phán cũng không đủ căn cứ để doanh nghiệp tính toán kế hoạch kinh doanh, bởi tính bất định cao độ từ các quyết định của ông Trump.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT đưa ra 2 kịch bản:
Trong kịch bản xấu, Việt Nam nằm trong nhóm chịu thuế suất cao nhất bao gồm Trung Quốc, EU và Việt Nam và cao hơn đáng kể so với một số nước cạnh tranh trực tiếp trong khu vực như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Philippines,… Điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại thị trường Mỹ. Đồng thời giá thành đến tay người tiêu dùng Mỹ tăng vọt cũng sẽ tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng của người dân Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng dễ thay thế hoặc có mức độ nhạy với giá cao như đồ nội thất, dệt may, da giày, nông sản. Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu quan trọng khác như Trung Quốc, EU cũng sẽ tăng lên khi cầu giảm do triển vọng kinh tế xấu đi bởi thương chiến và Chính phủ các nước thúc đẩy người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng nội địa.
Với kịch bản này, xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ có thể sụt giảm khoảng 20-25% trong năm 2025 so với kịch bản không có thuế và tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể sụt giảm khoảng 9-11% so với kịch bản không bị áp thuế. Trước đó, VNDIRECT kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng khoảng 10,4-12,2% trong năm 2025. Do đó, trong kịch bản tiêu cực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể chỉ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong năm 2025. Điều này có thể khiến tăng trưởng GDP năm 2025 thấp hơn khoảng 2-3 điểm % so với kịch bản không có thuế.
Trong kịch bản tích cực hơn, nếu mức thuế đối ứng cho Việt Nam được điều chỉnh xuống mức 20-25%, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ nhìn chung sẽ ít chịu ảnh hưởng nhờ mức thuế suất mà Việt Nam phải chịu thấp hơn đáng kể Trung Quốc và không chịu bất lợi so với mức thuế 25% mà Mỹ dự kiến áp cho Mexico và Canada. Đồng thời sẽ không có chênh lệch đáng kể giữa mức thuế của Việt Nam với một số nước cạnh tranh trong khu vực như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Philippines, qua đó giúp duy trì khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Với kịch bản này, xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ có thể chỉ sụt giảm nhẹ khoảng 5-10% so với kịch bản không bị áp thuế và tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2025 chỉ sụt giảm nhẹ khoảng 3-5% so với kịch bản không bị áp thuế. Trong kịch bản này, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có thể đạt mức khá khoảng 6-7% trong năm 2025. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 có thể thấp hơn khoảng 0,5-1,0 điểm % trong kịch bản này.
Ảnh hưởng tới các nhóm ngành
Tuyên bố đánh thuế đối ứng từ Tổng thống Donald Trump đã dấy lên lo ngại về triển vọng kinh doanh của nhiều nhóm ngành – đặc biệt là những ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao sang thị trường Mỹ. Mức thuế 46% nếu được áp dụng đầy đủ sẽ không chỉ làm gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam mà còn đe dọa đến cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam đang tham gia.
Các ngành xuất khẩu chủ lực như thủy sản, gỗ, dệt may đang phải đối mặt với “cơn gió ngược” chưa từng thấy kể từ sau đại dịch Covid-19. Ngành thủy sản – vốn từng là điểm sáng trong cán cân thương mại với Mỹ – nay đứng trước áp lực kép từ cả chi phí gia tăng và nhu cầu sụt giảm. Mặc dù vẫn giữ được lợi thế tương đối so với Trung Quốc, nhưng mức thuế 46% vẫn đủ để khiến các sản phẩm cá tra, tôm, mực… trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà phân phối Mỹ, buộc doanh nghiệp phải hạ giá bán để duy trì đơn hàng – điều tất yếu sẽ làm co hẹp biên lợi nhuận.
Tương tự, ngành gỗ cũng không tránh khỏi vòng xoáy tiêu cực. Với hơn một nửa lượng sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam đổ vào thị trường Mỹ, việc tăng thuế gần như đồng nghĩa với đòn giáng trực diện lên doanh thu và kế hoạch mở rộng của các doanh nghiệp trong ngành. Ngay cả khi Việt Nam chủ động hạ thuế nhập khẩu gỗ từ Mỹ xuống 0% trước thời hạn 2/4, động thái này cũng khó đủ để tạo ra sự cân bằng trong ngắn hạn.
Dệt may – ngành thâm dụng lao động và phụ thuộc nhất định vào đơn hàng gia công từ Mỹ – cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Mức thuế cao hơn các đối thủ như Bangladesh hay Pakistan khiến khả năng cạnh tranh về giá của Việt Nam suy giảm rõ rệt. Trong bối cảnh chi phí đầu vào chưa thể hạ nhiệt, doanh nghiệp đứng giữa lựa chọn giảm giá bán để giữ đơn hàng hay chấp nhận sụt giảm doanh thu – một thế tiến thoái lưỡng nan.
Không dừng lại ở nhóm ngành xuất khẩu, tác động tiêu cực có thể còn lan sang cả các lĩnh vực trong nước thông qua hiệu ứng dây chuyền. Ngành bất động sản khu công nghiệp – vốn phụ thuộc lớn vào dòng vốn FDI – nay đang chứng kiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài tạm hoãn ký hợp đồng thuê đất hoặc trì hoãn giải ngân các dự án đã cam kết. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN, làm chậm lại chu kỳ đầu tư vốn trong ngắn hạn.

Ngành ngân hàng và bán lẻ, tuy không chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế, nhưng lại dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý thị trường và thu nhập người dân. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó về dòng tiền, nguy cơ gia tăng nợ xấu là điều khó tránh. Đồng thời, thu nhập khả dụng của người lao động trong các ngành sản xuất có thể giảm, kéo theo chi tiêu tiêu dùng suy yếu – đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa không thiết yếu. Hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ có thể đối mặt với tình trạng hàng tồn kho tăng cao và áp lực phải xả hàng bằng mọi giá.
Ngành cảng biển và vận tải cũng chịu chung số phận. Khi hoạt động xuất khẩu chững lại, sản lượng hàng hóa qua cảng giảm sút, kéo theo doanh thu và hiệu suất khai thác sụt giảm. Một số doanh nghiệp vận tải biển đã ghi nhận các tín hiệu sụt giảm cước vận chuyển tại các tuyến nội Á – vốn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực.
Bên cạnh những tác động tiêu cực lan rộng lên hầu hết các nhóm ngành, vẫn có một số lĩnh vực được dự báo sẽ hưởng lợi gián tiếp từ bối cảnh kinh tế mới, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp liên quan đến đầu tư công và sản xuất vật liệu nội địa.
Trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu gặp khó và dòng vốn FDI có xu hướng chững lại, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ Việt Nam sẽ đẩy mạnh đầu tư công như một giải pháp “kích cầu ngược dòng”. Điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, giao thông – vốn không phụ thuộc vào xuất khẩu hay chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhu cầu giải ngân các dự án đường cao tốc, cầu cảng, sân bay có thể gia tăng, giúp tạo ra dòng tiền ổn định và bảo đảm đầu ra cho các doanh nghiệp xây lắp lớn trong nước. Đây được xem là “điểm sáng” hiếm hoi trong một bức tranh kinh tế đang phủ bóng bất định từ chiến tranh thương mại.
Cùng với đó, những ngành sử dụng nguyên liệu đầu vào có xuất xứ nội địa hoặc khu vực như ngành phân bón và ống nhựa xây dựng cũng được đánh giá là ít bị ảnh hưởng, thậm chí có thể cải thiện biên lợi nhuận nhờ giá nguyên vật liệu hạ nhiệt. Trong trường hợp giá hạt nhựa PVC và HDPE giảm do nhu cầu toàn cầu đi xuống, các doanh nghiệp sản xuất ống nhựa trong nước – vốn không phụ thuộc vào thị trường Mỹ – sẽ có lợi thế cạnh tranh nhờ chi phí đầu vào được tiết giảm. Tương tự, ngành phân bón cũng duy trì được sự ổn định nhờ định hướng thị trường nội địa và các đối tác thương mại khu vực như ASEAN, Hàn Quốc và Campuchia.
Mặc dù vậy, cần nhấn mạnh rằng mức độ “miễn nhiễm” này chỉ mang tính tương đối và mang lại lợi thế trong ngắn hạn. Về dài hạn, nếu tâm lý thị trường toàn cầu tiếp tục suy yếu và dòng vốn đầu tư bị gián đoạn trong thời gian dài, không một ngành nào có thể hoàn toàn tách khỏi vòng xoáy tác động. Do đó, ngoài việc chờ đợi các diễn biến từ tiến trình đàm phán song phương, việc nhanh chóng cơ cấu lại thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại và thúc đẩy chuyển đổi số vẫn là những yếu tố sống còn với phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn