Doanh thu từ ngành có 3 triệu lao động đạt 44 tỷ USD đưa Việt Nam vào top 2 thế giới về xuất khẩu
Tại buổi họp báo sáng 25/12, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho biết ngành dệt may đã tận dụng tốt cơ hội từ sự dịch chuyển đơn hàng do bất ổn chính trị tại Bangladesh. "Nửa đầu năm 2024, ngành đối mặt với nhiều khó khăn từ đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu khắt khe và giá xuất khẩu thấp. Tuy nhiên, từ tháng 7/2024, đơn hàng dồi dào hơn, giá cả cải thiện, giúp ngành đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng", ông Hiếu chia sẻ.
Nhờ đó, doanh thu toàn ngành dệt may năm nay đạt 44 tỷ USD, tăng trưởng 11% và là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc và vượt lên Bangladesh.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2024. Nguồn ảnh: Báo Đầu Tư |
Năm 2024 khởi sắc đặc biệt trong nửa cuối năm, khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng kín đến hết quý I/2025, thậm chí một số kéo dài đến tháng 4 và 5/2025. Doanh thu hợp nhất của Vinatex năm 2024 đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 2,8%, trong khi lợi nhuận hợp nhất tăng mạnh 37,5% lên 740 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người lao động đạt 10,3 triệu đồng/tháng, tăng 8,9% so với năm trước.
Đáng chú ý, Vinatex đã phát triển mạnh chuỗi cung ứng, hướng tới trở thành điểm đến trọn gói. Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang Vinatex đã đi vào hoạt động, đồng thời tập đoàn mở rộng thị trường với các sản phẩm đặc biệt như vải chống cháy thông qua hợp tác với Tập đoàn Coats (Anh).
Tuy nhiên, ngành cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tình trạng biến động lao động. Một số đơn vị thuộc Vinatex ghi nhận tỷ lệ biến động lên tới 20%. Ông Hiếu lý giải, việc mở thêm các thị trường xuất khẩu lao động như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã thu hút một lượng lớn lao động dệt may.
Nhìn về triển vọng năm 2025, ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Quản trị Vinatex, nhận định các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU sẽ phục hồi, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng. Tuy nhiên, ngành cũng phải đối mặt với cạnh tranh khi Bangladesh phục hồi đơn hàng xuất khẩu.
Một yếu tố đáng chú ý khác là chính sách thuế của Mỹ. Nếu Mỹ áp thuế mới, đặc biệt là 60% với hàng hóa Trung Quốc và 10-20% với một số quốc gia khác, Việt Nam có thể chịu mức thuế tăng 10% đối với hàng dệt may xuất khẩu. Dù vậy, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đón đầu đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc, nếu đáp ứng tốt các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ.
Dệt may hiện là ngành giải quyết việc làm lớn nhất cả nước với hơn 3 triệu lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn