'Đói' đơn hàng, ông lớn ngành dệt may rao bán máy móc, nhà xưởng, cắt giảm nhân công rồi chuyển sang làm bất động sản

CTCP Garmex Sài Gòn (GMC) tiền thân là CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn, được thành lập vào năm 1976 với khởi đầu là một doanh nghiệp quốc doanh. Năm 2004, Garmex Saigon được cổ phần hóa và niêm yết trên HoSE với mã chứng khoán là GMC từ năm 2006.

GMC đã từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành may mặc Việt Nam với 5 nhà máy, khoảng 3.800 nhân sự, hơn 70 dây chuyền sản xuất và doanh thu những năm trước đại dịch Covid-19 lên gần 100 triệu USD. Thời điểm đó, vốn hóa Garmex Sài Gòn đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh "xuống dốc không phanh"

Mặc dù có nền tảng hoạt động gần 50 năm trong ngành may, nhưng hoạt động kinh doanh của GMC liên tục "xuống dốc không phanh" trong 5 năm trở lại đây do vắng đơn hàng. Từ mức đỉnh cao 2.045,3 tỷ đồng doanh thu năm 2018, đến năm 2021 doanh thu doanh nghiệp chỉ còn 1.064,8 tỷ đồng.

Đỉnh điểm, khi GMC mất đơn đặt hàng từ CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - HoSE: GIL) vào thời điểm sau Covid-19, bởi GIL mất đối tác lớn là gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC, doanh thu GMC chỉ còn lại 8,3 tỷ đồng vào năm 2023.

'Đói' đơn hàng, ông lớn ngành dệt may rao bán máy móc, nhà xưởng, cắt giảm nhân công rồi chuyển sang làm bất động sản
Hoạt động kinh doanh của GMC xuống dốc nhanh chóng do không có đơn hàng

Từ 3.800 nhân sự vào cuối năm 2021, đến ngày 31/12/2023, GMC chỉ còn vỏn vẹn 35 người. Từ tháng 9-10/2023, doanh nghiệp rao bán nhiều máy móc, thiết bị. Đến tháng 12/2023, GMC tổ chức đấu giá xe ô tô tải, máy thêu, máy giặt, máy sấy công nghiệp.

Vào cuối tháng 2 vừa qua, GCM tiếp tục rao bán 2 khu nhà xưởng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Quảng Nam. Ngày 13/3, doanh nghiệp tổ chức đấu giá 5 máy cắt vải tự động với giá khởi điểm gần 9 tỷ đồng.

Phía GMC cho biết, do kinh doanh không thuận lợi, nếu giữ lại nguồn nhân lực và tài sản trên công ty sẽ lỗ rất nhiều nên bắt buộc phải cắt giảm và rao bán bớt để giảm thiểu chi phí.

Đến thời điểm hiện tại, GMC đang tạm ngưng sản xuất (bao gồm tạm ngưng may trang phục và túi vải) do chưa nhận được đơn hàng.

'Đói' đơn hàng, ông lớn ngành dệt may rao bán máy móc, nhà xưởng, cắt giảm nhân công rồi chuyển sang làm bất động sản
Một khu xí nghiệp may của Garmex Sài Gòn

Tìm hướng đi mới

Từ tháng 5-10/2023, Garmex Sài Gòn đã đăng ký bổ sung thêm 1 số ngành mới trong Giấy đăng ký kinh doanh gồm: Bán buôn đồ dùng khác cho gia đình; Bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật dụng vệ sinh; Kho bãi và lưu giữ hàng hóa; Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải; Cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình.

Đặc biệt, Garmex Sài Gòn đã thực hiện tăng vốn góp từ 4,3 tỷ đồng lên 23,2 tỷ đồng tại CTCP Phú Mỹ (công ty liên kết của GMC) qua 2 đợt tăng vốn để thực hiện dự án Nhà ở thương mại Phú Mỹ.

Hiện công ty dệt may này chỉ có nguồn doanh thu từ hoạt động vận tải.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn