Đón sóng đầu tư công, một cổ phiếu được kỳ vọng tăng gần 30%

Theo kế hoạch năm 2024 của Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công dự kiến tăng trưởng 12% svck lên mức 638.000 tỷ đồng, đóng góp chính từ các dự án chiến lược như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành hay đường Vành đai 3 (TP. HCM).

Trong nửa đầu năm, giải ngân đầu tư công hoàn thành khoảng 37% kế hoạch năm do những vướng mắc liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng và thiếu nguyên vật liệu như cát, đá xây dựng.

Tuy nhiên, theo Chứng khoán MB (MBS), giải ngân vốn có thể khả quan hơn trong nửa cuối năm và đạt 85% kế hoạch (+10% svck) nhờ những vướng mắc có thể phần nào được tháo gỡ nhờ:

Luật Đất Đai được áp dụng kể từ 1/8/2024 với những quy định cụ thể trong vấn đề định giá đất sẽ tạo hành lang pháp lý nhằm giải quyết vướng mắc trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất của chủ đầu tư trong triển khai đầu tư công. Nhóm phân tích đánh giá, việc hoàn thành xác định giá và chuyển đổi mục đích sử dụng đất tác động tích cực đến thời gian triển khai dự án khi những khúc mắc lớn nhất được giải quyết. Những quy định này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ tại các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam như dự án thành phần Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Vạn Ninh - Cam Lộ,...

Hơn nữa, vấn đề thiếu nguyên vật liệu như cát, đá xây dựng đã cản trở tiến độ xây dựng tại các dự án thành phần như Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn. Theo dự báo của Chính phủ, hiện nay dự án cao tốc Bắc – Nam đang thiếu khoảng 26 triệu m3 cát khiến 1 số dự án đang bị chậm tiến độ như Vạn Ninh – Cam Lộ, Chí Thạnh – Vân Phong. MBS cho rằng, các pháp được đưa ra như sử dụng cát biển cũng như cấp phép mỏ mới hay gia tăng công suất cho các dự án đá xây dựng, có thể phần nào giải quyết vướng mắc hiện nay.

Bên cạnh đó, nguồn cung bất động sản được cải thiện, đặc biệt tại phân khúc căn hộ khi các dự án được tháo gỡ vướng mắc trong việc xác định tiền sử dụng đất, điều này dự kiến tác động tích cực tới thời gian triển khai dự án. Theo trao đổi với doanh nghiệp, tâm lý các chủ đầu tư đã lạc quan hơn trong bối cảnh thị trường ấm lên, qua đó thúc đẩy tiến độ dự án và mang lại nguồn cung cho thị trường.

Đón sóng đầu tư công, một cổ phiếu được kỳ vọng tăng gần 30%
Nguồn: MBS

Theo MBS, CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HoSE: VCG) là 1 trong những doanh nghiệp được hưởng lợi đáng kể trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và ngành xây dựng dân dụng có triển vọng phục hồi tốt. Do VCG đã trúng thầu loạt dự án đầu tư công trọng điểm, được tập trung triển khai trong giai đoạn năm 2024 – 2025 như cao tốc Bắc – Nam và sân bay Long Thành, giúp backlogs của doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng 3% và 4% trong năm 2024-2025.

Theo dự báo của nhóm phân tích, doanh thu mảng xây dựng trong năm 2024 có thể đạt 6.604 tỷ đồng (-20% svck) do các dự án xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp tập trung hoàn thành vào năm 2025 – 2026. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 5% (so với mức âm 2% cùng kỳ) nhờ giá nguyên vật liệu hạ nhiệt.

Sang giai đoạn năm 2025 – 2026, doanh thu dự kiến tăng trưởng 4%/3% svck lên mức 6.811/7.088 tỷ đồng nhờ các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đưa và nghiệm thu. Biên lợi nhuận gộp ở mức 5,3% (+0,3 điểm % svck) trong năm 2025 và giảm về 3% do giá thép phục hồi vào năm 2026.

Đón sóng đầu tư công, một cổ phiếu được kỳ vọng tăng gần 30%
Nguồn: MBS

Bên cạnh đó, các mảng kinh doanh khác của VCG như kinh doanh nước có triển vọng tăng trưởng thuận lợi năm 2024 trong bối cảnh giá nước được điều chỉnh tăng 13% svck.

Do đó, MBS đưa ra khuyến nghị khả quan với cổ phiếu VCG, giá mục tiêu 24.100 đồng/cp, cao hơn 27% so với giá đóng cửa phiên giao dịch 16/8.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn