Đón sóng đầu tư, Hưng Yên dần trở thành 'thỏi nam châm' thu hút FDI
Ngày 7/7 vừa qua, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư. Tại hội nghị, Hưng Yên đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp Thổ Hoàng và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hưng Yên đã đón thêm 760 triệu USD vốn FDI và 10.000 tỷ đồng vốn trong nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thổ Hoàng. Dự án này có quy mô 250ha, nằm trên địa bàn xã Vân Du, xã Xuân Trúc, xã Quang Lãng và thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, với tổng vốn đầu tư 3.095 tỷ đồng. Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Ân Thi.
Trong số các dự án được trao giấy chứng nhận lần này, có 2 dự án đầu tư xây dựng đô thị. Đáng chú ý là dự án Công viên trung tâm và khu đô thị mới Đông Khoái Châu với tổng vốn đăng ký hơn 3.100 tỷ đồng (tương đương hơn 122 triệu USD) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Sakura làm nhà đầu tư; dự án khu đô thị Minh Hải - Phan Đình Phùng với tổng vốn đăng ký hơn 3.200 tỷ đồng (tương đương gần 127 triệu USD), do Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Mỹ Hào đầu tư.
Các dự án đô thị này nhằm xây dựng những khu đô thị mới có kiến trúc hiện đại, kết cấu hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh, với các công trình hạ tầng xã hội và kinh tế đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, người lao động trong các khu công nghiệp, cùng các đối tượng khác. Điều này sẽ góp phần ổn định xã hội và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới chiến lược hiện đại hóa tỉnh Hưng Yên...
Các dự án FDI đăng ký đầu tư vào Hưng Yên 7 tháng đầu năm chủ yếu đến từ các nước như Singapore, Đài Loan, Nhật Bản. Một số dự án nổi bật như: Công ty Cổ phần Hưng Yên Alpha Logistics Park với tổng vốn đăng ký hơn 114 triệu USD từ Singapore; dự án sản xuất tem nhãn RFID từ Đài Loan với tổng vốn đăng ký hơn 67 triệu USD; dự án xây dựng nhà xưởng, nhà kho, văn phòng và công trình phụ trợ hiện đại của một nhà đầu tư Singapore (77 triệu USD); và dự án sản xuất, chế biến thực phẩm của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam (87,7 triệu USD)...
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, tỉnh Hưng Yên có vị trí địa lý thuận tiện, hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, cùng với chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư thuận lợi, đã giúp doanh nghiệp lựa chọn Hưng Yên là điểm đến chiến lược để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, với vị trí thuận lợi tiếp giáp hai đường cao tốc lớn, riêng Khu công nghiệp số 5 đã thu hút 12 dự án đầu tư, trong đó có 10 doanh nghiệp Đài Loan với số vốn đăng ký khoảng 150 triệu USD.
Công ty TNHH Công nghệ Arizon (Việt Nam) đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tem nhãn RFID tại khu công nghiệp số 5, tỉnh Hưng Yên với diện tích gấp đôi nhà máy tại Dương Châu, Trung Quốc. Ông Ho Yi Da, Chủ tịch Công ty cho biết, doanh nghiệp đã thăm hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ để tìm kiếm vị trí đặt nhà máy, và Hưng Yên với vị trí địa lý đắc địa, cùng sự ủng hộ đối với ngành bán dẫn và chính sách ưu đãi của khu công nghiệp số 5, đã được công ty chọn là điểm dừng chân.
Mục tiêu đến năm 2030, Hưng Yên sẽ có 30 khu công nghiệp với tổng diện tích 9.589ha, bao gồm 17 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và 13 khu công nghiệp tiềm năng mới. Sau năm 2030, tỉnh sẽ quy hoạch thêm 5 khu công nghiệp tiềm năng với tổng diện tích 2.460ha.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn