Dòng tiền đầu cơ vẫn hoạt động mạnh trong phiên chiều 30/7

Sau phiên sáng giao dịch khá ảm đạm, thanh khoản thấp do thị trường không tìm được chất xúc tác nào đáng kể và chỉ một bộ phận nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro T+ cao, hướng vào các cổ phiếu đầu cơ, thì bước vào phiên chiều, giao dịch vẫn tương đối thận trọng trong những phút đầu.

Dù dòng tiền có cải thiện hơn sau đó, nhưng mức độ tập trung vẫn chỉ ở một số ít các mã nhỏ, trong khi nhịp rung lắc của VN-Index khi chạm gần 1.250 điểm và lùi về dưới 1.240 điểm, trước khi thu hẹp đà giảm về cuối phiên không làm nhà đầu tư quá bận tâm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 154 mã tăng và 267 mã giảm, VN-Index giảm 1,54 điểm (-0,12%), xuống 1.245,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 653 triệu đơn vị, giá trị 13.739 tỷ đồng, tăng 31% về khối lượng và 21% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 50,7 triệu đơn vị, giá trị 1.160 tỷ đồng.

Các trụ cột diễn biến không khác nhiều so với cuối phiên sáng, khi phân hóa mạnh nhưng nền biên độ giá gần như ít thay đổi. Trong đó, ba cái tên tăng tốt nhất là VIC, MWG và MBB chỉ tăng từ 1,44% đến 1,66% và ngược lại là VRE, VHM, VIB, PLX, POW khi giảm mạnh nhất cũng chỉ mất 10,6% đến 1,47%.

Thanh khoản cao nhất thuộc về MBB với 19,5 triệu đơn vị khớp lệnh, SHB khớp 17,5 triệu đơn vị, HPG khớp 15,5 triệu đơn vị, VPB khớp 12,8 triệu đơn vị…

Các cổ phiếu vừa và nhỏ với QCG phiên thứ hai liên tiếp tăng trần +6,9% lên 7.240 đồng sau chuỗi 6 phiên liên tiếp giảm sàn trước đó. Khớp lệnh phiên này chỉ hơn 0,75 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1,76 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu APH, SAM, TYA cũng chạm giá trần, cùng hai cổ phiếu vận tải GSP và PVP tương tự khi đóng cửa trong sắc tím, khớp lệnh đáng kể là APH có 4,68 triệu đơn vị và PVP có 4,7 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, áp lực bán có phần gia tăng tại một số cổ phiếu, với HBC, CMX, DRH, SMC, RDP đã giảm về mức giá sàn.

Đáng chú ý khác là cổ phiếu DBC, khi cũng bị bán mạnh và giảm sàn -7% xuống 26.050 đồng.

Mới đây, DBC đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 3.185 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 55% xuống còn 145 tỷ đồng và tính lũy kế từ đầu năm, con số lợi nhuận ở mức 218 tỷ đồng, gấp 36 lần số thực hiện cùng kỳ 2023. Mặc dù vậy, kết quả lợi nhuận trên sau nửa đầu năm 2024 của DBC mới ghi nhận hoàn thành 30% mục tiêu cả năm đề ra.

Cặp đôi bị bán tháo trong phiên trước đó là LDG và HNG đều thoát mức giá sàn trong phiên hôm nay, nhưng vẫn còn giảm mạnh, với LDG -5,7% xuống 1.980 đồng, khớp 25 triệu đơn vị và HNG -5,5% xuống 4.100 đồng, khớp 16,4 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu EVF, SGR, CSM, HHP, DCL, TDP, DLG, ITC, AAT, VIX, PSH, TDC mất từ 3% đến gần 6%. Trong đó, cổ phiếu VIX vươn lên khớp lệnh cao nhất sàn với gần 40 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhà đầu tư cũng tập trung giao dịch ở nhóm cổ phiếu nhỏ, trong khi một số mã lớn nới đà đi xuống đã khiến HNX-Index đuối sức và kết phiên giảm điểm.

Đóng cửa, sàn HNX có 55 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index giảm 1,65 điểm (-0,69%), xuống 235,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 54,2 triệu đơn vị, giá trị 985,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7 triệu đơn vị, giá trị 173,2 tỷ đồng.

Cổ phiếu LIG vẫn nằm sàn khi đóng cửa -7,7% xuống 3.600 đồng, khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn với hơn 4,2 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu API bất ngờ chạm giá trần +9,3% lên 8.200 đồng, khớp hơn 2,66 triệu đơn vị. Trong khi cổ phiếu SRA hạ nhiệt, từ giá trần về còn +5,1% lên 4.100 đồng, khớp 1,04 triệu đơn vị.

Các mã lớn như SHS, MBS, CEO, TNG, PVS, HUT đều đã chìm trong sắc đỏ, giảm trên dưới 2%. Trong đó, SHS vẫn là mã hút giao dịch nhất khi có hơn 7,4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UpCoM, giao dịch cũng chậm lại và UpCoM-Index chỉ kịp thu hẹp đà giảm ở những phút cuối.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,23%), xuống 95,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,8 triệu đơn vị, giá trị 510,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 9 triệu đơn vị, giá trị 125,2 tỷ đồng.

Cổ phiếu HIO nếu như phiên sáng tăng trần thì đóng cửa còn +10,4% lên 18.000 đồng, khớp 0,48 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu thanh khoản cao khác phân hóa, với BSR, BVB, DGT, AAT, OIL, BSR, DDV, VEA giảm, còn VGI VGT, TVN, AMS nhích lên, dù đa số chỉ biến động trên dưới 2%.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ. Trong đó, VN30F2408 tăng 4,6 điểm (+0,36%), lên 1.292,4 điểm, khớp lệnh hơn 174.700 đơn vị, khối lượng mở hơn 60.600 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, các mã khớp lệnh cao nhất đều khá ảm đạm, với CSTB2327 đứng tham chiếu tại 20 đồng/cq; CVHM2313 giảm về 50 đồng/cq và CVRE2403 giảm 4,6% xuống 210 đồng/cq, khớp trên dưới 2,5 triệu đơn vị mỗi mã.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn