Dự báo lợi nhuận doanh nghiệp tăng 18%, MBS tin VN-Index vượt 1.400 điểm
Năm 2024, MBS dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết toàn thị trường tăng 18% so với cùng kỳ từ nền thấp của năm 2023. Động lực chính cho sự cải thiện lợi nhuận toàn thị trường đến từ các nhóm ngành như ngân hàng (+15%), bán lẻ (+230%), vật liệu xây dựng (+81%) và xuất khẩu (+40%).
Trong thời gian tới, nền tảng vĩ mô vững chắc, thể chế cải cách và chính sách tiền tệ thuận lợi sẽ lan tỏa đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nghiệp.
Kỳ vọng vượt 1.400 điểm
Lợi nhuận thị trường năm 2025 - 2026 dự báo tăng trưởng lần lượt 18% và 19% so với cùng kỳ, trong đó các ngành ngân hàng (+20%/+24%); vật liệu xây dựng (+35%/31%); bất động sản nhà ở (+14%/6%); bán lẻ (27%/26%) và bất động sản công nghiệp (6%/+17%).
Trong khi lợi nhuận năm 2024 chủ yếu được thúc đẩy bởi tăng trưởng doanh thu so với nền thấp của năm 2023, việc cải thiện biên lợi nhuận gộp sẽ là yếu tố then chốt cho tăng trưởng năm 2025. Giữa bối cảnh lãi suất giảm, chi phí đầu vào thấp (giá dầu Brent, hàng hóa...) và mức tăng lương vừa phải, biên lợi nhuận gộp của nhiều ngành dự kiến sẽ có sự cải thiện đáng kể.
Về yếu tố hỗ trợ, năm 2025 sẽ đánh dấu sự chuyển mình của nền kinh tế với mục tiêu phát triển đột phá 7 - 8% trong thập kỷ tới. Lợi nhuận thị trường năm 2025 - 2026 dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 18% và 19% so với năm trước, hỗ trợ cho đà tăng của chỉ số.
Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các TTCK mới nổi. Cùng với đó, kỳ vọng chu kỳ nới lỏng của Mỹ sẽ kích hoạt dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại các TTCK mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Bàn về khía cạnh rủi ro, chính sách điều hành khó dự đoán của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump (Trump 2.0) có thể tác động đến triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam, có thể làm chậm lại quá trình cắt giảm lãi suất của Fed. Bên cạnh đó là áp lực tỷ giá trong bối cảnh đồng VND yếu, thị trường bất động sản nhà ở có thể phục hồi chậm hơn dự kiến, tạo gánh nặng lên tài sản đảm bảo của hệ thống ngân hàng.
Tính đến ngày 5/12, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng là 13,5 lần, thấp hơn mức trung bình 3 năm (13,8x lần) và giảm 20% so với đỉnh 3 năm (16,7x lần vào quý IV/2021).
Trong kịch bản cơ sở, với mức tăng trưởng 18% lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, và định giá 12,5 - 13 lần P/E, MBS kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.400 – 1.420 điểm trong năm 2025.
Sự phục hồi gần đây của các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã đưa định giá của VNMID lên mức 17,3x lần (P/E 12 tháng), cao hơn khoảng 17% so với VN-Index. Thậm chí, các cổ phiếu vốn hóa vừa hiện tại được giao dịch với mức P/B tương đương với các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Trong khi đó, định giá của các cổ phiếu vốn hóa lớn (đại diện bởi VN30 và VNX50) thấp hơn khoảng 11% so với mức trung bình của thị trường. Định giá cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn hấp dẫn hơn khi xét về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh giai đoạn 2025 - 2026 so với các nhóm cổ phiếu khác.
Xét theo nhóm ngành, nhiều nhóm ngành đang có định giá P/E thấp hơn so với trung bình 3 năm gần nhất, mở ra nhiều cơ hội đầu tư tích lũy các cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành.
8 chủ đề quan tâm
MBS xác định 8 chủ đề đầu tư hấp dẫn cho năm 2025, bao gồm: bất động sản khởi động chu kỳ phát triển mới; cơ hội từ tăng cường giải ngân đầu tư công; câu chuyện riêng ngành ngân hàng; hiệu ứng kích thích kinh tế từ Trung Quốc; thiếu hụt nguồn cung điện; nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump (Trump 2.0); sự xuất hiện các ngành công nghiệp mới; nâng hạng TTCK.
Với chủ đề đầu tiên, MBS tin rằng một chu kỳ mới đang bắt đầu với bất động sản nhà ở dựa trên 3 yếu chính: lãi suất thấp, cải thiện cơ sở hạ tầng, thay đổi khung pháp lý. Ngành bất động sản nhà ở hiện đang giao dịch với mức định giá tương đối thấp so với triển vọng phục hồi tích cực. Nhóm ngành tiêu biểu gồm bất động sản nhà ở, thép, xây dựng.
Thứ hai, năm 2025 đánh dấu năm cuối cùng thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đầu tư đầy tham vọng là 790.700 tỷ đồng. Với dự báo giải ngân đầu tư sẽ đạt khoảng 85% kế hoạch, giá trị sẽ tăng 24 - 31% so với năm 2024. Ngoài nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, thép, đá, sẽ là những nhóm ngành được hưởng lợi.
Thứ ba, chính sách tiền tệ nới lỏng toàn cầu và tăng trưởng cầu tiêu dùng nội địa (bao gồm cả sản xuất khối doanh nghiệp trong nước ) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành ngân hàng đẩy mạnh tín dụng và tăng chất lượng tài sản.
Thứ 4 là hiệu ứng từ các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc. Tác động tích cực đến một số hàng hóa cơ bản đại diện cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc như cao su, hóa chất, đồng, nickel. Nhóm ngành tiêu biểu là hóa chất và năng lượng.
Thứ 5, vào năm 2025, nền kinh tế quốc gia dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, Bộ Công Thương đã đặt ra một kịch bản cơ sở cho tăng trưởng tiêu thụ điện ở mức cao 11 - 12%, vượt qua cả kịch bản cao trong PDP8, dự báo 9,8%. Từ năm 2025 - 2030, tăng trưởng nhu cầu dự kiến duy trì tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) cao khoảng 9,1%. Nhóm hưởng lợi bao gồm năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng.
Thứ 6, chính sách từ nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump vẫn chưa chắc chắn, và có thể sẽ ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, bất động sản công nghiệp có khả năng là ngành hưởng lợi lớn nhất dù có nhiều thách thức.
Thứ 7 là sự xuất hiện của các ngành công nghiệp mới. Việt Nam có vị thế tốt để nắm bắt cơ hội từ các ngành công nghiệp mới, ví dụ: trung tâm dữ liệu, công nghệ 5G và chất bán dẫn.
Ngoài nhóm ngành công nghệ được hưởng lợi trực tiếp, nhu cầu tiêu thụ điện và nhu cầu thuê bất động sản khu công nghiệp sẽ tăng mạnh. Nhóm ngành tiêu biểu gồm khu công nghiệp, điện năng, công nghệ.
Chủ đề cuối cùng là câu chuyện nâng hạng của TTCK Việt Nam đang dần trở thành hiện thực. Các cổ phiếu vốn hóa lớn và có sẵn room cho nhà đầu tư nước ngoài và các công ty chứng khoán sẽ là các nhóm được hưởng lợi.
Xem thêm tại vietnambiz.vn