Đường sắt tích cực đổi mới, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận vẫn bị bào mòn
Báo cáo tài chính do Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn mới công bố cho thấy trong quý 2/2024, doanh thu của công ty đạt gần 530 tỷ đồng, tăng hơn 101 tỷ đồng, tương đương tăng 23,59% so với cùng kỳ 2023. Dù ghi nhận mức doanh thu tăng mạnh song lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt gần 4,9 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ.
GIA TĂNG CHI PHÍ ĐIỀU HÀNH, NHIÊN LIỆU
Nửa đầu năm 2024, toàn ngành ghi nhận 4 sự kiện lớn, đó là khai trương đoàn tàu “Kết nối di sản miền Trung”, vận hành đoàn tàu “Hành trình đêm Đà Lạt”, đoàn tàu chất lượng cao SE21/22 Sài Gòn – Đà Nẵng và đoàn tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên từ Ga Cao Xá (Hải Dương) tham gia hành trình liên vận quốc tế.
Một số điểm sáng của ngành đường sắt đạt được nửa đầu năm như: ga Đà Nẵng lọt top 3 ga đông khách nhất với trung bình mỗi ngày 6.000 người lên xuống, số lượng khách tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Với Ga Đà Lạt, trong 6 tháng đầu năm doanh thu 2,7 tỷ đồng, số lượng khách lên xuống tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Trong khi đó, hàng liên vận 6 tháng đầu năm tăng 55%. Ngoài ra, môi trường lao động, thu nhập của người lao động trong nửa đầu năm 2024 cũng được cải thiện đáng kể.
Lý giải nguyên nhân giảm lãi trong khi quý 2/2024 sản lượng tăng trưởng cao, ông Thái Văn Truyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết do chi phí tăng cao hơn, ở mức 25,76%.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 giảm 6,4 tỷ đồng so với quý 2/2023 do chi phí tăng, giảm tương ứng với tỷ lệ tăng, giảm doanh thu, với phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt chiếm 8% doanh thu theo quy định; phí điều hành giao thông vận tải, chi phí các sản phẩm tác nghiệp liên quan đến công tác tổ chức chạy tàu...
Cùng với đó, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng do lạm phát, chiến tranh tại nhiều nơi trên thế giới.
"Phát sinh thêm các chi phí chuyển tải, phục vụ hành khách do sự cố sạt lở 02 hầm Bãi Gió và Chí Thạnh trong quý 2/2024 và tăng phí điều hành giao thông vận tải đường sắt".
Ông Thái Văn Truyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn.
Luỹ kế nửa đầu năm 2024, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đạt doanh thu gần 1.082 tỷ đồng, tăng 18% cùng kỳ song lợi nhuận tương đương cùng kỳ, ở mức gần 38 tỷ đồng.
Với Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, trong quý 2/2024, công ty ghi nhận mức doanh thu gần 784 tỷ đồng, tăng 23,54% so với cùng kỳ (tương ứng gần 150 tỷ đồng). Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm sâu 76%, ở mức hơn 6 tỷ đồng.
Lý giải mức doanh thu tăng mạnh, ông Trần Văn Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, cho biết doanh thu cung cấp dịch vụ hàng hóa tăng chủ yếu là doanh thu vận tải hành khách và hành lý tăng gần 108 tỷ đồng, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 17,6 tỷ đồng.
Cùng với đó, doanh thu cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khác tăng 4,5 tỷ đồng, các hoạt động dịch vụ sản xuất phụ tăng 19,2 tỷ đồng.
Dù doanh thu tăng song chi phí tăng mạnh hơn khiến doanh nghiệp hao mòn, lợi nhuận tụt dốc. So với quý 2/2023, doanh thu và thu nhập khác quý 2 năm 2024 có tỷ lệ tăng là 23,54% song về tổng chi phí quý 2/2024 có tỷ lệ tăng tới 27,68%.
Nguyên nhân cơ bản làm cho lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 giảm 19,2 tỷ đồng so với quý 2/2023 do tăng phí điều hành giao thông vận tải. Trong đó, đơn giá nhiên liệu mua vào phục vụ cho sức kéo tăng 10,59% khi giá nhiên liệu quý 2/2023 là 16.900 đồng/lít so với quý 2/2024 là 18.600 đồng/lít.
Luỹ kế nửa đầu năm 2024, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đạt doanh thu gần 1.490 tỷ đồng, tăng 15,5% cùng kỳ; lợi nhuận giảm 7,8% cùng kỳ, ở mức trên 40 tỷ đồng.
SẮP HỢP NHẤT HAI DOANH NGHIỆP
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sản lượng, doanh thu và giảm chi phí, dự kiến trong quý 4/2024, hai công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn chính thức hợp nhất. Đây sẽ là quý đầu tiên của công ty hợp nhất nên dự kiến lợi nhuận không cao, từ năm 2025 trở đi phấn đấu lãi từ 1-2% so với vốn điều lệ của công ty.
Tên doanh nghiệp sau hợp nhất là Công ty cổ phần Vận tải đường sắt (viết tắt: VRT) với vốn điều lệ 1.303,7 tỷ đồng. Công ty có 74 ngành nghề kinh doanh, trong đó, ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh vận tải đường sắt, phương tiện vận tải chủ yếu là toa xe khách và toa xe hàng các loại. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sở hữu 87,27% cổ phần của công ty hợp nhất.
Các cổ đông của hai công ty đều nhất trí thông qua việc chuyển toàn bộ số cổ phiếu lẻ do nguyên tắc tính toán theo tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu cho cổ đông nhà nước là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sở hữu và quản lý. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày chốt danh sách cổ đông để hoán đổi.
Các phương án về nhân sự, tài chính, lao động, phương án hoạt động đã được xây dựng. Song song với đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng tích cực triển khai đề án cơ cấu lại, thoái vốn giai đoạn đến hết năm 2025 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về tài chính, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, cả hai công ty trước khi hợp nhất đều lỗ. Trong năm 2023, cả hai đơn vị nỗ lực từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, quản lý chi phí để giảm dần lỗ lũy kế (đến cuối năm 2023 còn lỗ 739 tỷ đồng từ mức 775 tỷ đồng năm 2022). Vì vậy, công ty hợp nhất vẫn rất khó khăn về vốn đầu tư, kinh phí trả nợ hàng năm tương đối lớn.
Bước vào hoạt động theo mô hình tổ chức mới, công ty hợp nhất sẽ chủ động trong việc sử dụng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, phát huy hiệu quả phương tiện; triệt tiêu cạnh tranh nội bộ.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa khi ngành đường sắt thấy rõ cơ hội từ thị trường vận chuyển hàng hóa phát triển, không chỉ nhu cầu vận chuyển lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước tăng cao mà việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ khu vực phía Nam ra các ga biên giới xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc hoặc sang nước thứ 3 và ngược lại sẽ là rất lớn.
Lộ trình hình thành công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt riêng biệt sau này sẽ được tính toán sau này.
Xem thêm tại vneconomy.vn