Duyệt Dự án cao tốc hơn 6.100 tỷ đồng; cấp phép đầu tư Nhà máy linh kiện hàng không 20 triệu USD
Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Đắk Nông kêu gọi đầu tư 44 dự án tiềm năng, tổng vốn đầu tư 290.000 tỷ đồng
Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vừa ký văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về danh mục các Dự án thu hút đầu tư năm 2024 và các dự án có tiềm năng đầu tư ở tỉnh này.
Theo đó, các dự án có tiềm năng đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông gồm 44 dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 290.279 tỷ đồng.
Tỉnh Đắk Nông kêu gọi đầu tư nhiều dự án nghìn tỷ |
Trong đó, ở lĩnh vực Công nghiệp, Nông nghiệp có 19 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 212.265 tỷ đồng. Lĩnh vực Đô thị, Du lịch, Thương mại dịch vụ có 19 dự án, dự kiến mức đầu tư khoảng 77.444 tỷ đồng. Lĩnh vực Giáo dục, Môi trường và Hạ tầng kỹ thuật là 6 dự án, mức đầu tư khoảng 570 tỷ đồng.
Một vài dự án có tiềm năng ở tỉnh này được kể ra như: Dự án tổ hợp công nghiệp khai thác bauxit và chế biến alumin - Nhôm (thuộc dự án khai thác Cụm Đắk Nông 2), vốn đầu tư dự kiến khoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng.
Hay Dự án tổ hợp công nghiệp khai thác bauxit và chế biến alumin - Nhôm (thuộc dự án khai thác Cụm Đắk Nông 5), vốn đầu tư cũng từ 25.000-30.000 tỷ đồng. Thêm nữa là dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao, trên diện tích 970 ha, với tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh này cũng ban hành danh mục 17 dự án thu hút đầu tư năm 2024 với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng.
Có thể kể đến là dự án Khu đô thị trung tâm thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút), có tổng vốn đầu tư 750 tỷ đồng. Hay Khu du lịch sinh thái Hồ Trúc (huyện Cư Jút) với tổng vốn đầu tư từ 250-300 tỷ đồng; Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly (huyện Đắk Song) vốn đầu tư từ 100-300 tỷ đồng…
Theo tỉnh này, việc ban hành danh mục các dự án thu hút đầu tư là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư, đồng thời, cũng là cơ hội để tỉnh Đắk Nông thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để việc thu hút đầu tư có hiệu quả, UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tiếp nhận thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (thuộc Văn phòng UBND tỉnh) xây dựng bộ tài liệu xúc tiến, thu hút đầu tư theo đúng quy định đối với các dự án đã đầy đủ thông tin.
Quảng Ngãi đặt chỉ tiêu vốn đầu tư thực hiện năm 2024 đạt từ 38.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa xây dựng Kế hoạch phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, các chỉ tiêu thi đua chủ yếu mà tỉnh Quảng Ngãi đặt ra, gồm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 2,5 - 3%; GRDP bình quân đầu người khoảng 4.460 USD; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong GRDP chiếm khoảng 70 - 71% (trong đó công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 43 - 44%); vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn khoảng 38.000 - 39.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,5%; phấn đấu thu ngân sách vượt mức chỉ tiêu Trung ương giao trên 5%; có 3 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới; năng suất lao động xã hội tăng 2-3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 64,4%...
Một trong những nội dung thi đua đáng chú ý là tỉnh này tiếp tục thực hiện có hiệu quả 4 nhiệm vụ trong tâm và 3 nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XX; nâng cao năng lực nội tại, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội; tích cực xử lý những vấn đề tồn đọng để khơi thông nguồn lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững; tập trung nguồn lực cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thực hiện các Dự án có quy mô lớn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 3 Chương tình mục tiêu quốc gia; tăng cường chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Đồng thời, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động như: Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau; Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện Văn hóa công sở; Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, thực hành tiết kiệm chống lãng phí…
Tỉnh Quảng Ngãi sẽ thi đua phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; xây dựng, phát triển văn hóa, con người tỉnh này đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững…
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp bám sát kế hoạch này và nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình để xây dựng kế hoạch, phát động thi đua thiết thực, phù hợp với điều kiện kinh tế và triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2024…
Tư lệnh giao thông ký công điện yêu cầu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn năm 2024
Tại Công điện số 01/CĐ – BGTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định triển khai các dự án đáp ứng tiến độ, chất lượng, phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao, bảo đảm công khai, minh bạch, không tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành GTVT trong năm 2024.
Thi công Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. |
Theo đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án được yêu cầu khẩn trương triển khai phân khai dự toán chi (TABMIS) theo kế hoạch được giao cho các dự án tại Quyết định số 1767/QĐ-BGTVT ngày 29/12/2023 2 của Bộ trưởng Bộ GTVT theo đúng tiến độ yêu cầu; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu; kịp thời thực hiện ghi thu, ghi chi vốn ODA và vay ưu đãi đã thực hiện với Kho bạc Nhà nước; xử lý nghiêm cán bộ, phòng, ban không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán.
Các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải chủ động, quyết liệt chỉ đạo, cử cán bộ có đủ thẩm quyền thường xuyên có mặt tại hiện trường phối hợp, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng; thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện - giải ngân của từng dự án/gói thầu để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất biện pháp xử lý; thực hiện công tác báo cáo giải ngân đúng thời hạn, số liệu báo cáo phải chính xác, trung thực.
“Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án căn cứ kế hoạch giải ngân chi tiết hàng tháng đã được Bộ chấp thuận để làm cơ sở chỉ đạo, điều hành thực hiện; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó các dự án có nguồn vốn kéo dài từ kế hoạch năm 2023 phải giải ngân toàn bộ trước ngày 31/12/2024”, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu Vụ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức theo dõi chặt chẽ kết quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư của từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án; phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo Quy chế giám sát, đánh giá dự án đầu tư do Bộ GTVT quản lý.
Cơ quan này phải chủ động đề xuất các giải pháp xử lý điều hành kế hoạch, điều hòa linh hoạt kế hoạch vốn giữa các dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hoàn thành trong năm 2024; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; tham mưu cho Lãnh đạo Bộ có văn bản chấn chỉnh kịp thời các đơn vị có biểu hiện gây khó khăn, chậm trễ trong công tác chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện, giải ngân kế hoạch.
Hai đơn vị liên quan trực tiếp tới công tác quản lý tiến độ, chất lượng các dự án do Bộ GTVT quyết định đầu từ là Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam được yêu cầu khẩn trương thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu, thiết kế, dự toán, các dự án... khi nhận được hồ sơ do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trình, đặc biệt là các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.
Bên cạnh đó, hai cơ quan nói trên cũng được yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện đầu tư đối với các dự án do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật đối với các dự án do các địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chủ quản.
Trong đó, trọng tâm là các dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, đường liên kết vùng và các dự án trọng điểm như: các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận và đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…).
Bộ GTVT đặt mục tiêu trong năm 2024 đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130 km đường bộ cao tốc, sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn. Nội dung kiểm tra, đôn đốc phải gắn việc kiểm điểm tiến độ thực hiện với kết quả giải ngân của từng dự án, đặc biệt tại các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân chậm.
“Kết quả giải ngân kế hoạch đăng ký đầu năm là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2024 của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, trừ lý do bất khả kháng. Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lấy tiêu chí kế hoạch giải ngân của đơn vị để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cán bộ có liên quan”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
TTC Lâm Đồng muốn trả lại hơn 14 ha diện tích mặt nước chuyên dùng
Ông Võ Ngọc Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa thay mặt UBND tỉnh có ý kiến về đơn giá thuê đất đối với diện tích đất thuê thuộc Dự án Khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu tại phường 8, Thành phố Đà Lạt, do Công ty TNHH Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng (TTC Lâm Đồng) làm chủ đầu tư.
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị TTC Lâm Đồng chấp hành và khẩn trương thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước về tiền thuê đất đối với diện tích đất theo đơn giá thuê đất đã được UBND tỉnh này phê duyệt tại Quyết định số 2292/QĐ-UBND ngày 16/11/2023 và Quyết định số 2909/QĐ-CTLĐO ngày 22/11/2023 của Cục Thuế tỉnh.
TTC Lâm Đồng chủ động liên hệ và làm việc với Cục Thuế tỉnh để được hướng dẫn, thực hiện các thủ tục theo quy định để được gia hạn, giãn, giảm tiền sử dụng đất mặt nước chuyên dùng nếu thuộc đối tượng và đủ điều kiện được gia hạn, giảm, giãn theo quy định của pháp luật và chính sách có liên quan.
Cục Thuế tỉnh hướng dẫn TTC Lâm Đồng thực hiện hồ sơ, thủ tục để được gia hạn, giãn, giảm tiền thuê mặt nước chuyên dùng nếu thuộc đối tượng và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.
Trước đó, ngày 8/12/2023, TTC Lâm Đồng đề nghị giải thích rõ phương pháp tính cũng như cách tính giá đất cụ thể đối với các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đã được thuê tại Quyết định số 2865/QĐ-UBND ngày 15/12/2020 của UBND tỉnh này.
Công ty này cũng đề nghị UBND tỉnh thu hồi lại phần diện tích mặt nước chuyên dùng là 14,62 ha đã được UBND tỉnh cho thuê tại Quyết định số 2865/QĐ-UBND ngày 15/12/2020; đồng thời xin phép được tạm ngưng đóng tiền thuê đối với phần diện tích đất mặt nước chuyên dùng cho đến khi UBND tỉnh có quyết định điều chỉnh. Các loại đất khác, Công ty này cho biết sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Đối với Dự án Khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu, tại Quyết định số 2292/QĐ-UBND ngày 16/11/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt giá đất thương mại dịch vụ (vị trí 1, xác định theo Bảng giá đất) là 18.129.009 đồng/m2; đất rừng phòng hộ (vị trí 1, xác định theo Bảng giá đất) 60.000 đồng/m2.
Quyết định này còn cho biết, trường hợp sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo giá đất cụ thể đã được phê duyệt ở trên nhưng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra…, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện cso sự thay đổi về quy hoạch, hệ số sử dụng đất, phương pháp xác định giá đất và các yếu tố khác dẫn đến thay đổi giá đất cụ thể đã được phê duyệt phải truy thu cho ngân sách nhà nước (nếu có) thì Công ty Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng phải chấp hành nộp bổ sung số tiền thuê đất còn thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Acuity Funding tài trợ cho NSH Petro 650 triệu USD
Ngày 22/1, tại trụ sở UBND tỉnh Hậu Giang, trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang và đại diện các cơ quan, sở ngành của tỉnh, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) và Acuity Funding đã ký kết hợp tác.
Chủ tịch NSH Petro Mai Văn Huy (phải) và ông Ranjit Thambyrajah, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Acuity Funding ký kết hợp tác |
Theo đó, Acuity Funding cam kết tài trợ phát triển cho NSH Petro và các công ty thuộc NSH Petro khoảng 650 triệu USD cho những Dự án sau:
Nâng cấp và mở rộng Nhà máy lọc dầu Nam Việt Cái Răng (TP. Cần Thơ) khoảng 60 triệu USD;
Nâng cấp cơ sở vật chất Tổng kho Trà Nóc (TP. Cần Thơ) khoảng 40 triệu USD;
Mở rộng Kho cảng Mái Dầm và Nhà máy chế biến xăng dầu (Hậu Giang), khoảng 190 triệu USD;
Nâng cấp và mở rộng Kho cảng ngoại quan Gò Công (Tiền Giang), khoảng 50 triệu USD;
Xây dựng Nhà máy Lọc dầu Nam Sông Hậu (Tiền Giang), khoảng 180 triệu USD;
Nâng cấp và mở rộng Nhà máy sản xuất dầu nhờn (Long An), khoảng 30 triệu USD;
Và hạn mức tín dụng cho giao dịch khoảng 100 triệu USD.
Các gói tài trợ tín dụng này sẽ triển khai trong quý I năm 2024, qua đó sẽ mở ra cơ hội phát triển mới, mạnh mẽ hơn cho NSH Petro.
Acuity Funding là tổ chức tín dụng tư nhân toàn cầu đến từ Úc đã có hơn 40 năm hoạt động với nhiều kinh nghiệm, có khả năng cung cấp, điều phối và quản lý hơn 100 tỷ USD giá trị dự án tại nhiều quốc gia, nhất là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Mai Văn Huy, Chủ tịch HĐQT NSH Petro cho biết, năm 2024, Bộ Công thương phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (gồm nguồn nhập khẩu, sản xuất, pha chế và mua từ từ nguồn sản xuất trong nước) cho Công ty này là 684.926 m3, trong đó xăng 466.186 m3, dầu diesel 218.740 m3.
“NSH Petro nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tăng cường sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho các tỉnh thành ĐBSCL, góp phần phát triển sản xuất, giữ vững an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng”, Chủ tịch HĐQT NSH Petro chia sẻ.
Bộ Giao thông Vận tải duyệt Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, vốn hơn 6.100 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 63/QĐ – BGTVT về việc phê duyệt Dự ánđầu tưxây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.
Theo đó, Dự án có chiều dài tuyến dự kiến khoảng 26,6km với điểm đầu kết nối với tuyến N2 tại lý trình khoảng Km 96+875 (lý trình N2) thuộc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối tại nút giao An Bình (đầu cầu Cao Lãnh), thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Toàn bộ chiều dài của Dự án nằm trên địa phận huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Bình đồ tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh. |
Phần đường cao tốc có mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe với bề rộng nền đường 32,25m, mặt đường rộng 30,75m; mặt cắt ngang giai đoạn 1 được phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m, mặt đường rộng 16m; quy mô công trình cầu phù hợp với quy mô nền đường. Hệ thống đường gom, đường hoàn trả có quy mô tối thiểu là đường giao thông nông thôn loại B theo và phù hợp với quy mô đường hiện hữu.
Trên tuyến chính có 4 nút giao, trong đó xây dựng 1 nút giao liên thông khác mức với ĐT.846, 1 nút giao bằng với Quốc lộ N2, 2 nút giao còn lại thuộc phạm vi các dự án khác. Dự án sẽ xây dựng 18 công trình cầu, trong đó bao gồm 17 cầu trên cao tốc và 1 cầu trong nhánh nút giao liên thông trên đường ĐT.846.
Với quy mô đầu tư như trên, tổng mức đầu tư của Dự án là 6.127,819 tỷ đồng, tương đương khoảng 258,318 triệu USD.
Trong đó, vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc (thông qua Quỹ Hợp tác Phát triển kinh tế - EDCF) khoảng 4.462,465 tỷ đồng (tương đương khoảng 188,115 triệu USD), được sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công (không bao gồm thuế giá trị gia tăng); dự phòng phần vốn ODA; vốn đối ứng khoảng 1.665,354 tỷ đồng, được sử dụng để thanh toán thuế giá trị gia tăng (phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công); chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.
Tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 là 5 năm kể từ ngày thỏa thuận vay có hiệu lực. Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thực hiện quản lý dự án theo quy định.
Đơn vị này được yêu cầu khẩn trương phối hợp với Nhà tài trợ và các cơ quan liên quan để chuẩn bị, triển khai thủ tục đàm phán, ký kết Thỏa thuận vay vốn cho Dự án làm cơ sở thực hiện đầu tư; thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án và các nội dung được phân cấp, ủy quyền trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện dự án tuân thủ quy định.
Tập đoàn Trung Nam đề xuất làm 4 dự án giao thông nghìn tỷ tại TP.HCM
Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) vừa gửi văn bản đến UBND TP.HCM đề xuất tham gia đấu thầu 4 Dự án giao thông gồm: cải tạo nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); mở rộng đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm); Dự án cầu Thủ Thiêm 4; Dự án cầu Cần Giờ.
Dự án mở rộng đường trục Bắc - Nam tại TP.HCM đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư - Ảnh: Lê Toàn |
Nhà đầu tư này cho biết, với năng lực tài chính và đã có kinh nghiệm đầu tư các Dự án cầu Bạch Đằng, nút giao thông Ngã Ba Huế, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Phước An…nên doanh nghiệp mong muốn được tham gia đấu thầu dự án.
Trước đó, dự án mở rộng đường trục Bắc - Nam theo hình thức BOT cũng nhận được ít nhất đề xuất của 3 liên danh nhà đầu tư.
Theo quy định hiện nay của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), các dự án phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công khai, minh bạch.
Trong văn bản gửi các nhà đầu tư mới đây, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết sẽ tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các dự án, thực hiện song song với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi vào quý IV/2024, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư vào quý III/2025.
Vào đầu tháng 1/2024, UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch đầu tư mở rộng 5 dự án đường bộ theo hình thức BOT trên tuyến đường hiện hữu gồm: mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến lức Long Thành; xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Đây là những dự án thực hiện theo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội Khóa XV.
Quảng Trị: Nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án thuỷ điện 500 MW
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng vừa có buổi làm việc với Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSGI) và Tổng công ty phát điện 2 về thực hiện dự án năng lượng tại Quảng Trị.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng (phải ảnh) trao đổi với đại diện nhà đầu tư |
Tại buổi làm việc, đại diện CSGI thông tin một số nội dung về việc dự kiến triển khai đầu tưDự án Nhà máy Thủy điện tích năng tại Quảng Trị với công suất 500 MW và những hiệu quả khi đầu tư dự án này.
Theo đó, việc xây dựng nhà máy thủy điện tích năng đã được đơn vị tư vấn đánh giá tính khả thi và hiệu quả mang lại, không chỉ ổn định lưới điện quốc gia, tạo điều kiện cho các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn được phát điện liên tục, mang lại nguồn thu nhập lớn cho sự phát triển của tỉnh Quảng Trị.
Do vậy, phía CSGI rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương để thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định.
Trao đổi với nhà đầu tư, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, Quảng Trị là địa phương có tiềm năng lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo như: điện gió, điện khí LNG, điện mặt trời, thủy điện… do vậy trong thời gian qua, các nhà đầu tư cũng rất quan tâm tham gia đầu tư. Ngoài cơ chế chính sách chung thì tỉnh Quảng Trị cũng có sự hỗ trợ đồng hành với nhiều cơ chế, chính sách.
Phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng ủng hộ chủ trương đầu tư Nhà máy Thủy điện tích năng tại Quảng Trị. Đồng thời đề nghị CSGI phối hợp với các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ khảo sát, nghiên cứu các bước tiếp theo của dự án. Về phía chính quyền địa phương cam kết hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận các chính sách ưu đãi cũng như thực hiện các thủ tục cần thiết trong quá trình tìm hiểu, khảo sát thực hiện dự án theo đúng quy định.
Đồng loạt triển khai thi công các Dự án đường dây 500 kV mạch 3
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) vừa tổ chức triển khai thi công đồng loạt các cung đoạn của dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).
Việc thi công đồng loạt để phấn đấu hoàn thành đáp ứng mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo EVNNPT, chính quyền địa phương, các nhà thầu thi công thực hiện nghi thức triển khai thi công Dự án đường dây 500 kV mạch 3 cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, thuộc địa bàn tỉnh Hà Tĩnh |
Các Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối có tổng chiều dài khoảng 519 km, đi qua địa bàn 211 xã, phường, của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Tổng số móng cột là 1.179 móng cột, tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng.
Dự án có ý nghĩa rất quan trọng để tăng cường năng lực lưới điện truyền tải 500 kV Bắc - Trung, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc ngay ở thời điểm hiện tại và trong những năm tới. Dự án giúp nâng cao ổn định –vận hành hệ thống điện quốc gia, góp phần tăng cường truyền tải điện từ các nguồn điện khu vực Bắc Trung Bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc. Bên cạnh đó, dự án góp phần giảm bớt nguy cơ đầy và quá tải cho các đường dây 500 kV hiện hữu đảm bảo tiêu chí N-1, đặc biệt khi công suất truyền tải cao theo giao diện Bắc - Trung ở thời điểm các nhà máy thủy điện miền Bắc phát thấp.
Với tính chất cấp bách của dự án, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thường xuyên, liên tục, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa, phối hợp chặt chẽ hơn, chủ động giải quyết nhanh nhất các thủ tục, hồ sơ, công việc liên quan đến dự án theo chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm hoàn thành dự án, đưa vào vận hành theo mục tiêu phấn đấu.
Các Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ ngành, địa phương liên quan đã vào cuộc quyết liệt để nhanh chóng triển khai các thủ tục nhằm đảm bảo mục tiêu của Dự án.
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, thời gian qua, EVN, EVNNPT luôn xác định và nhận thức rõ đây là dự án trọng điểm, cấp bách và đã chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương liên quan, sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai Dự án. Đồng thời huy động tối đa các nguồn lực, làm việc không kể giờ giấc, xuyên đêm, không có ngày nghỉ... để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án.
Với tinh thần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để nỗ lực, phấn đấu hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy và lãnh đạo EVN/EVNNPT đã thường xuyên làm việc với cấp ủy và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố, nơi có đường dây đi qua để phối hợp triển khai tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ dự án.
EVNNPT đã lập tiến độ điều hành các dự án theo từng ngày. Ban Chỉ đạo định kỳ hàng tuần họp điều hành các dự án hoặc giải quyết đột xuất tại công trường.
Bình Định: 181 dự án, công trình được phê duyệt quyết toán với số tiến hơn 3.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Bình Định cho biết, tổng mức đầu tư của 181 Dự án, công trình hoàn thành trong năm 2023 được phê duyệt quyết toán là hơn 3.615 tỷ đồng. Trong đó, chủ đầu tư đề nghị phê duyệt là hơn 3.038 tỷ đồng; giá trị được phê duyệt quyết toán là hơn 3.034 tỷ đồng (chênh lệch hơn 4,2 tỷ đồng).
Trong 31 dự án nhóm B được phê duyệt quyết toán với giá trị hơn 1.379 tỷ đồng, một số dự án có tổng mức đầu tư lớn như Dự án thành phần 1 Bồi thường, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng thuộc Dự án Hồ chứa nước Đồng Mít (hơn 404 tỷ đồng, phê duyệt hơn 402 tỷ đồng); Dự án thành phần Sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Bình Định thuộc Dự án Sửa chữa và nâng cao toàn đập (hơn 235 tỷ đồng, phê duyệt hơn 224 tỷ đồng)…
Mới đây, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có chỉ thị yêu cầu đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý năm 2024.
Theo đó, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến hết quý II/2024 đạt trên 40%; hết quý III/2024 đạt trên 60%; đến hết quý IV/2024 đạt trên 90% (riêng kế hoạch vốn năm 2023 được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài sang năm 2024 đạt 100%) và đến hết ngày 31/1/2025 phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2024.
Trong chỉ thị này, Chủ tịch tỉnh Bình Định giao các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương và các chủ đầu tư cần quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; chủ động rà soát và báo cáo các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đối với các dự án.
Cụ thể, các dự án hoàn thành, chuyển tiếp cần tập trung tối đa nguồn lực, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tổ chức nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn đầu tư công ngay khi có khối lượng; khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục quyết toán Dự án hoàn thành gửi cơ quan tài chính thẩm tra…
Các dự án khởi công mới cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn và thi công, đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ, phấn đấu lựa chọn được nhà thầu triển khai thi công trong quý I /2024.
Các dự án ODA cần khẩn trương liên hệ chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc điều chỉnh thỏa thuận vay để sớm hoàn thiện hồ sơ dự án đảm bảo điều kiện triển khai dự án; đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo đúng thời gian quy định và theo cam kết với nhà tài trợ…
Được biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Bình Định, dự kiến theo văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (ngày 19/10/2023) là 7.365.617 triệu đồng; địa phương dự kiến thực hiện phân bổ 8.622.059 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 7.345.122 triệu đồng; vốn ngân sách Trung ương là 1.276.937 triệu đồng; vốn nước ngoài (ODA) là 184.850 triệu đồng.
Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế 2021 - 2030: Nhận diện không gian đô thị Huế trong tương lai
Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã khái quát được không gian đô thị Huế trong tương lai.
Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 |
Tại Quy hoạch này, Thừa Thiên Huế xác định, mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế.
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế sẽ là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; đô thị hạt nhân cấp Vùng và tiểu vùng; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; đồng thời là trung tâm lớn của cả nước ở lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo…
Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế, hướng tới thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu đặc sắc trên cả nước và châu Á.
Để thực hiện mục tiêu, Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát huy lợi thế đô thị ven biển, xây dựng công viên đầm phá quốc gia; đóng vai trò đô thị trung tâm kết nối vùng duyên hải miền Trung, vùng động lực miền Trung, có năng lực cạnh tranh cùng thương hiệu ở tầm khu vực, quốc tế…
Về phân bố không gian đô thị, Thừa Thiên Huế trong tương lai sẽ có 3 trung tâm đô thị. Trong đó, đô thị trung tâm gồm thành phố Huế (được chia thành 2 quận: quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương), quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà; trong đó quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương là trung tâm vùng, là đô thị di sản, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, du lịch, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ; quận Hương Thủy phát triển đô thị sân bay gắn với cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp động lực; thị xã Hương Trà là đô thị vệ tinh;
Đô thị vùng Tây Bắc: Thị xã Phong Điền - Quảng Điền - A Lưới, trong đó khu vực đô thị trung tâm là đô thị Phong Điền gắn với cảng Điền Lộc, khu công nghiệp Phong Điền phát triển đô thị công nghiệp là động lực phía bắc của tỉnh; là cửa ngõ phía Bắc kết nối với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong;
Đô thị Vùng Đông Nam: huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông, trong đó phát triển khu vực Chân Mây trở thành đô thị loại III - một thành phố thông minh, hiện đại gắn với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tạo động lực phát triển đột phá của vùng, cửa ngõ phía Nam kết nối với Đà Nẵng, cửa ngõ ra biển các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây. Có hệ thống hạ tầng giao thông đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; cảng biển nước sâu Chân Mây phục vụ đón khách du lịch, vận chuyển hàng hóa quy mô lớn. Phát triển đô thị biển gắn với đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đóng vai trò quan trọng, là nền tảng, cơ sở để định hình không gian phát triển và các nhiệm vụ trọng tâm sắp tới, đặc biệt trong bối cảnh toàn tỉnh nỗ lực xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
"Để sớm đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung xây dựng các chương trình, đề án, ưu tiên đầu tư cho mạng lưới hạ tầng quy mô lớn mang tính liên huyện, liên tỉnh, kết nối các hành lang kinh tế, mạng lưới giao thông vùng, khu vực, quốc tế. Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh để xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát huy lợi thế đô thị ven biển; gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước", ông Phương thông tin.
Ba nhà đầu tư lớn bắt tay “nâng đời” cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận
Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - Công ty cổ phần TASCO đã nộp đề xuất Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP.
Một đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương. |
Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) – Công ty cổ phần TASCO do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đã nộp đề xuất Dự ánđầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận theo phương thức PPP tới Ban quản lý dự án 7 – đơn vị được Bộ GTVT làm đầu mối tổ chức triển khai công trình.
Nhóm nhà đầu tư này đề nghị các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận liên danh Đèo Cả - CII – TASCO là nhà đầu tư lập đề xuất Dự án (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi); đồng thời sớm tổ chức mở, đánh giá hồ sơ đề xuất Dự án theo đúng quy định của Luật PPP.
Đèo Cả - CII – TASCO cam kết phối hợp với Cơ quan thẩm quyền chủ trương đầu tư Dự án trong suốt quá trình thẩm định, làm căn cứ để Cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Dự án. Trong trường hợp hồ sơ đề xuất Dự án không được chấp thuận, liên danh Đèo Cả - CII – TASCO chịu mọi rủi ro và chi phí.
Vào cuối tháng 11/2023, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 xây dựng kế hoạch, tiến độ triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bảo đảm trình Bộ GTVT hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi trước ngày 31/1/2024; báo cáo Bộ GTVT kế hoạch, tiến độ triển khai trước ngày 5/12/2023.
Ban Quản lý dự án 7 sẽ phải tổ chức làm việc với các nhà đầu tư quan tâm, thông báo cụ thể về cách thức phối hợp, thời hạn nộp hồ sơ đề xuất dự án, thành phần hồ sơ và các nội dung khác có liên quan theo quy định tại khoản 1, Điều 27, Luật Đầu tư theo phương thức PPP; tổ chức tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án và triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Đơn vị này cũng được yêu cầu thông báo cho nhà đầu tư quan tâm về kết quả đã nghiên cứu thực hiện, định hướng nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận. Ban Quản lý dự án 7 phải chủ động xây dựng phương pháp đánh giá và tổ chức đánh giá để lựa chọn hồ sơ đề xuất dự án có tính khả thi, hiệu quả cao nhất trong trường hợp phát sinh tình huống theo khoản 1, Điều 83, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP.
Hiện sức ép sớm nâng cấp, mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận rất lớn, bởi đây là “nút cổ chai” của hành lang vận tải đường bộ từ TP.HCM tới Cần Thơ. Cụ thể, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến đường kết nối trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nam bộ với TP.HCM.
Dù Quốc lộ 1 đoạn song song với đường cao tốc đã được đầu tư mở rộng với quy mô 4 làn xe, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại thông thương trong khu vực, thường xuyên xảy ra ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Do lưu lượng xe lớn, mặt đường chỉ 4 làn xe cao tốc và ở đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận bố trí làn dừng xe khẩn cấp cách quãng, nên tốc độ khai thác thấp, hiện tượng ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày đối với đoạn tiếp giáp TP.HCM, đặc biệt vào cuối tuần và dịp lễ, tết.
Theo thống kê của đơn vị quản lý khai thác, từ thời điểm tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương có chiều dài 50 km, không thu phí (từ ngày 1/1/2019), lưu lượng xe trên tuyến tăng lên trên 35% (trước thời điểm dừng thu phí, lưu lượng trung bình năm 2018 là khoảng 38.500 xe ô tô/ngày đêm); từ năm 2019 đến nay là khoảng 52.350 xe ô tô/ngày đêm, vào dịp lễ, tết, cao điểm có thể tăng đột biến đến 50%.
Đối với đoạn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, theo báo cáo của nhà đầu tư, lưu lượng xe trung bình năm 2022 (từ ngày 9/8/2022) là khoảng 18.200 xe ô tô/ngày đêm và 6 tháng đầu năm 2023 là khoảng 21.960 xe ô tô/ngày đêm, vào những dịp lễ, tết, cao điểm lên đến gần 40.000 xe ô tô/ngày đêm.
Đà Nẵng cấp phép đầu tư Nhà máy linh kiện hàng không với kinh phí 20 triệu USD
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng vừa cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư KP Aero Industries Co.,Ltd (Hàn Quốc) để đầu tư Dự án Nhà máy linh kiện hàng không KP VINA tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng, ảnh minh hoạ. |
Theo đó, với tổng vốn đầu tư là 20 triệu USD, dự án sản xuất, gia công và lắp ráp các bộ phận của máy bay, bao gồm cửa động cơ phụ (APU Door), đầu MIC (MIC tip), hộp cánh (Wingbox), cánh lượn (Winglet), dàn hỗ trợ cánh tả (Flap support fairing) của các dòng máy bay Boeing 787, Boeing 737 Max.
Theo Ban quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng, đây là dự án thứ 2 trong lĩnh vực hàng không vũ trụ đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng (KCNC Đà Nẵng) sau dự án của Công ty TNHH UAC Việt Nam.
“Việc thành công thu hút 2 dự án FDI trong lĩnh vực hàng không vũ trụ từ Hoa Kỳ - Hàn Quốc đã khẳng định những kết quả bước đầu của Ban Quản lý trong việc triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 641/QĐ-UBND ngày 26/02/2021 về việc kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025, phấn đấu đưa thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm công nghệ cao của cả nước đến năm 2030 theo tinh thần của Bộ Chính trị” Đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng cho biết.
Đại diện lãnh đạo của KP Aero Industries cho biết, trong thời gian đầu nghiên cứu địa điểm đầu tư, nhà đầu tư luôn lo ngại rằng việc kinh doanh ở Đà Nẵng sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở hạ tầng cũng như sự chậm trễ trong thủ tục hành chính sẽ khiến họ khó tiến xa hơn tại thị trường Việt Nam.
Đại diện Nhà đầu tư Hàn Quốc cho rằng, trong thời gian thực hiện đầu tư tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, nhà đầu tư đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiệt tình trong việc hoàn thành thủ tục, hồ sơ; nhanh chóng, linh hoạt trong công tác thẩm định, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án từ Ban Quản lý và các sở, ban, ngành có liên quan.
“Chính sự kết hợp nhịp nhàng trong công tác vận hành thủ tục hành chính ở đây khiến nhà đầu tư tin rằng không có gì là không thể ở Đà Nẵng. Nhà đầu tư cũng cam kết ngay sau khi ký kết Hợp đồng cho thuê đất sẽ khẩn trương triển khai các thủ tục xây dựng theo đúng quy định của pháp luật và dự kiến khởi công xây dựng công trình vào đầu tháng 02/2024, phấn đấu hoàn thành và bắt đầu hoạt động chính thức vào cuối năm 2024.” Đại diện KP Aero Industries cho biết.
KP Aero Industries, với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động và là đối tác của các công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng không như Boeing, Airbus, Korean Air. Việc triển khai dự án Nhà máy linh kiện hàng không KP VINA tại KCNC Đà Nẵng được trông đợi không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng, mà còn tạo nền tảng đầu tiên cho việc hình thành tổ hợp công nghệ hàng không – vũ trụ tại KCNC Đà Nẵng.
Được biết, năm 2023, Ban Quản lý đã cấp mới cho 19 dự án với tổng vốn đầu tư 258,6 triệu USD (tương đương 6.301 tỷ đồng). Luỹ kế đến nay, KCNC, KCNTT và các KCN đã thu hút 526 dự án với tổng vốn đầu tư 3.413 triệu USD (tương đương 83.152,6 tỷ đồng).
Năm 2024, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đặt mục tiêu thu hút ít nhất 03 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD và tập trung vào ba mũi nhọn chính, bao gồm: công nghệ hàng không vũ trụ, vi mạch bán dẫn và ngành y tế chất lượng cao.
Đắk Nông mời đối tác Ấn Độ đầu tư tuyến đường sắt 555 Km
Ngày 25/1, tin từ UBND tỉnh Đắk Nông cho hay, đoàn công tác của tỉnh này đã sang làm việc với các đối tác Ấn Độ để tìm kiếm, mở rộng cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương như cà phê, hồ tiêu, hạt điều...
Đắk Nông mời gọi Ấn Độ hợp tác đầu tư đường sắt tốc độ cao (ảnh minh hoạ). |
Đặc biệt, đoàn công tác tỉnh Đắk Nông gọi mời đối tác Ấn Độ nghiên cứu, hợp tác đầu tưtuyến đường sắt kết nối các tỉnh Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước), với chiều dài 555 Km. Trong đó, ưu tiên nghiên cứu hợp tác đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành, với chiều dài 67 Km.
Liên quan vấn đề, vào năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định này, mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Tầm nhìn đến năm 2050, sẽ hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP. Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Giai đoạn này sẽ đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước), với tổng chiều dài 555 Km.
Về thu hút đầu tư, Đắk Nông cam kết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh này thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và minh bạch.
Dự án 2,7 km đường Vành đai 2 TP.HCM điều chỉnh thời gian hoàn thành đến năm 2026
Ngày 24/1, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 290/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi Dự ánđầu tư 2,7 km đường Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1, TP.Thủ Đức) theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT).
Một số hạng mục đang thi công dở dang của đường Vành đai 2 TP.HCM đã xuống cấp do tạm dừng thi công quá lâu - Ảnh: Lê Quân |
Theo Quyết định điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, thời gian thực hiện sẽ kéo dài đến năm 2026. Trước đây thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 đến năm 2023.
Các nội dung khác không đề cập thì vẫn giữ nguyên và thực hiện theo Quyết định số 5305/QĐ-UBND ngày 20/10/2015 và Quyết định số 4273/QĐ-UBND ngày 22/12/2021 của UBND TP.HCM.
Sau khi phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, UBND TP.HCM giao Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với nhóm công tác liên ngành và doanh nghiệp Dự án rà soát, cập nhật lại các chỉ tiêu, số liệu tài chính và các nội dung chưa phù hợp của hợp đồng BT để điều chỉnh giá trị, tổng vốn đầu tư và các nội dung khác có liên quan.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cùng UBND TP. Thủ Đức được giao khẩn trương tham mưu UBND Thành phố giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ dự án.
Như Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vnđã phản ánh trong các bài viết trước đây, Dự án Dự án đầu tư 2,7 km đường Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1, TP.Thủ Đức) khởi công từ năm 2017, đến năm 2020 dự án tạm dừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng và do các quy định đầu tư theo hình thức BT có thay đổi.
Trong hơn 6 năm qua, nhà đầu tư đã chi hơn 1.474 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay) để ứng cho công tác giải phóng mặt bằng, thi công một phần Dự án. Với số tiền 1.474 tỷ đồng, giá trị lãi vay ước tính mà UBND TP.HCM phải chịu đến thời điểm cuối năm 2023 là 813 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng là 14,9 tỷ đồng.
Hậu Giang đề nghị bổ sung dự án ODA vốn hơn 1.200 tỷ vào kế hoạch đầu tư công
UBND tỉnh Hậu Giang vừa có Công văn số 93/UBND-NCTH gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung Dự án Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang vào kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025.
Tại Công văn nêu trên, UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện nay tỉnh đã bố trí kế hoạch vốn đối ứng nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án.
Để có cơ sở cho Bộ tài chính ký kết Hiệp định vay vốn với đơn vị tài trợ - Cơ quan Phát triển Pháp AFD và đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự án Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang vào kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, với nhu cầu vốn là 574.970 triệu đồng (trong đó, vốn trung ương cấp phát 273.180 triệu đồng; tỉnh vay lại 273.180 triệu đồng; vốn viện trợ không hoàn lại 28.610 triệu đồng).
Riêng năm 2024, nhu cầu kế hoạch vốn là 246.420 triệu đồng (vốn Trung ương cấp phát 117.080 triệu đồng, tỉnh vay lại 117.080 triệu đồng, vốn viện trợ không hoàn lại 12.260 triệu đồng).
Số vốn còn lại đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030.
Dự án Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang vay vốn AFD đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất dự án tại Công văn số 349/TTg-QHQT ngày 15/4/2022 và đã được HĐND tỉnh Hậu Giang phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 25/4/2023.
UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt Dự án tại Quyết định số 1933/QĐ-UBND ngày 9/11/2023 với tổng mức đầu tư dự án hơn 1.211 tỷ đồng, tương đương 44.457.280 EUR. Trong đó, vốn vay AFD hơn 28,6 triệu EUR; vốn vay không hoàn lại (AFD) 1,5 triệu EUR; vốn đối ứng gần 390 tỷ đồng.
Xem thêm tại baodautu.vn