E&P dầu khí “nóng” trở lại

Đầu tư cho E&P gia tăng

Tròn 10 năm từ đỉnh chu kỳ, ngành dầu khí lại chứng kiến một cuộc chạy đua đầu tư mới.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, sau khi tạo đáy vào năm 2020, mức đầu tư dành cho khâu thượng nguồn dầu khí đã tăng 11% vào năm 2022, sau đó tăng 7% vào năm 2023. Năm 2024, đầu tư dầu khí thượng nguồn dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng tăng.

Trong đó, Bắc Mỹ đang chứng kiến một dòng vốn đầu tư đáng kể do điều kiện thị trường thuận lợi và những tiến bộ trong công nghệ. Các nước Trung Đông, châu Á cũng tăng cường đầu tư E&P để đáp ứng nhu cầu trong nước và các cam kết xuất khẩu.

Tại Đông Nam Á, hoạt động E&P không nằm ngoài xu hướng chung.

Cụ thể, ở Malaysia, khu vực thượng nguồn đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng hơn nữa vào năm 2024 khi chính phủ nước này tiếp tục thúc đẩy các khối ngoài khơi để thăm dò. Petronas - công ty dầu mỏ quốc gia của Malaysia có kế hoạch tăng chi tiêu cho thượng nguồn, tập trung vào việc mở rộng các hoạt động E&P để thúc đẩy sản xuất dầu khí trong nước. Công ty đang tăng cường thăm dò, đặc biệt là ở các khu vực nước sâu để đảm bảo trữ lượng và năng lực sản xuất trong tương lai.

Đầu năm nay, Cơ quan Quản lý Dầu khí Malaysia đã trao 7 hợp đồng chia sẻ sản xuất cho 6 khối thăm dò và một cụm Cơ hội Tài nguyên Khám phá. Petronas ước tính, các hợp đồng đó dự kiến sẽ tạo ra hơn 1,3 tỷ MYR (khoảng 277 triệu USD) vốn đầu tư vào các hoạt động thăm dò.

Tại Indonesia, nước này phác thảo kế hoạch đầu tư 17 tỷ USD vào lĩnh vực dầu khí trong năm 2024, tăng 29% so với năm 2023, nhằm thúc đẩy khả năng sản xuất dầu khí, trong đó dự kiến khoan khoảng 930 giếng so với con số 790 giếng năm 2023.

Tại Việt Nam, các dự án E&P thiếu vắng kể từ năm 2014 do giá dầu lao dốc và duy trì ở mức thấp trong nhiều năm, khiến các dự án phát triển dầu khí mới khó đem lại hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, với việc giá dầu thô hồi phục, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lên kế hoạch đầu tư khoảng 49.200 tỷ đồng trong năm 2024, tăng xấp xỉ 57% so với năm 2023, trong đó đầu tư hơn 25.700 tỷ đồng vào khâu thượng nguồn.

Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) là đơn vị dẫn đầu về kế hoạch đầu tư năm 2024 của PVN, với trên 20.600 tỷ đồng. PVEP sẽ dành các nguồn lực để triển khai các hoạt động phát triển tại các dự án mỏ Đại Hùng pha 3, mỏ Đại Hùng Nam, mỏ Sư Tử Trắng pha 2B, mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam, mỏ Lạc Đà Vàng và một số dự án trọng điểm khác.

Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS) dự kiến dành 1.823 tỷ đồng cho việc đầu tư trong năm 2024, gấp 4,4 lần so với năm 2023. Đến hết quý I/2024, PTSC đã thực hiện đầu tư công ty mẹ 301 tỷ đồng.

Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, mã chứng khoán PVD) nhận định, giá dầu sẽ tiếp tục ổn định ở mức cao, các chương trình khoan thăm dò, khai thác cũng như sửa giếng trong nước và khu vực gia tăng, kéo theo nhu cầu giàn khoan, giá thuê giàn khoan và các dịch vụ khác liên quan đến khoan được cải thiện. Vì vậy, Tổng công ty có kế hoạch đầu tư trong năm 2024 khoảng 2.661 tỷ đồng, trong khi con số giải ngân đầu tư năm 2023 chưa đến 50 tỷ đồng.

Hiện PV Drilling có kế hoạch chuyển từ đầu tư giàn khoan mới có giá hơn 130 triệu USD sang mua lại giàn khoan cũ hơn 15 năm tuổi với giá khoảng 90 triệu USD, đồng thời chi khoảng 19,8 triệu USD để mua máy móc, thiết bị.

Rủi ro dư thừa nguồn cung khó lặp lại

Năm 2024, dòng vốn đầu tư toàn cầu vào khâu thượng nguồn dầu khí, đặc biệt là hoạt động E&P, dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh.

Nhìn lại 10 năm trước, năm 2014, giá dầu duy trì ở mức cao, dao động quanh 100 USD/thùng đã thúc đẩy các công ty dầu khí hàng đầu thế giới như ExxonMobil, Chevron, BP đầu tư mạnh vào các dự án E&P, với tổng mức đầu tư toàn cầu đạt mức kỷ lục, vượt 700 tỷ USD. Trong đó, khu vực Bắc Mỹ, Brazil, Tây Phi và biển Bắc là điểm nóng của các hoạt động đầu tư.

Nhiều quốc gia Trung Đông cũng tăng cường đầu tư để mở rộng năng lực sản xuất dầu khí, nhằm duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2014, giá dầu bắt đầu giảm mạnh do cung vượt cầu. Giá dầu giảm xuống dưới 50 USD/thùng vào đầu năm 2015, dẫn tới hàng loạt vụ phá sản, huỷ bỏ, hoặc tạm dừng nhiều dự án E&P lớn.

Tròn 10 năm từ đỉnh chu kỳ, ngành dầu khí thế giới lại chứng kiến một cuộc chạy đua đầu tư mới. Có ý kiến lo ngại tình trạng dư thừa nguồn cung có thể sẽ xảy ra. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay khác trước, kinh tế các nước nước dần hồi phục dẫn tới nhu cầu dầu gia tăng, trong khi OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện và căng thẳng địa chính trị leo thang khiến nguồn cung bị hạn chế. EIA dự báo, tiêu thụ dầu thô toàn cầu năm 2024 sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày, vượt qua mức tăng trưởng nguồn cung.

Tại Việt Nam, nhiều mỏ dầu khí có sản lượng lớn trong nước đã được khai thác từ những năm 1986 - 2015, đến nay đang dần cạn kiệt. Trong khi đó, nhu cầu cho các ngành công nghiệp, năng lượng ngày càng tăng, buộc phải đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.

Một số dự án lớn dự kiến sẽ được đẩy mạnh triển khai như Lạc Đà Vàng Cửu Long, Sư Tử Trắng Pha 2B, Nam Du - U Minh, đặc biệt là Lô B - Ô Môn, đem lại nguồn công việc lớn và ổn định cho các doanh nghiệp thượng nguồn.

Sự sôi động của hoạt động E&P sẽ giúp PTSC có lượng công việc dồi dào vào các năm tới, nhất là khi doanh nghiệp trúng nhiều gói thầu từ dự án Lô B, lên đến 1,4 tỷ USD (bao gồm giá trị của các gói thầu đã trúng và gói thầu tiềm năng theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDIRECT).

Đối với PV Drilling, toàn bộ 5 giàn khoan tự nâng của doanh nghiệp đã có việc làm với các hợp đồng dài hạn ở nước ngoài, còn nhu cầu khoan trong nước dự kiến sẽ tăng mạnh kể từ năm 2025 nhờ loạt dự án dầu khí lớn được triển khai.

PV Drilling đang chiếm khoảng 25% thị phần khoan tự nâng tại Malaysia và là đơn vị chiếm thị phần cung cấp giàn khoan tự nâng lớn thứ hai tại đây. Tại Indonesia, PV Drilling hiện có 1 giàn khoan, nhưng doanh nghiệp có thể cung cấp 2 giàn khoan từ năm 2025 nhờ mới được trao thêm hợp đồng dài hạn.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn