EU gia hạn biện pháp tự vệ thép đến 2026, Hòa Phát, Nam Kim và Hoa Sen... bị tác động ra sao?

Ngày 25/6, Ủy ban châu Âu (EU) đã quyết định gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép thêm hai năm, kéo dài đến tháng 6/2026. Quy định này được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thị trường hiện tại, nhằm ngăn ngừa hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thép của EU.

Quyết định gia hạn được đưa ra sau cuộc điều tra do 14 quốc gia thành viên EU yêu cầu. Điều tra cho thấy biện pháp tự vệ vẫn cần thiết do mức dư thừa thép toàn cầu cao và sự gia tăng xuất khẩu từ Trung Quốc sang các nước thứ ba, đặc biệt là châu Á. Các yếu tố này dẫn đến việc xuất khẩu tăng từ các nước thứ ba đó sang EU.

Theo đó, EU nhận thấy rằng Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã đạt tốc độ tăng trưởng công suất từ 35% đến 95%, trong khi nhu cầu thép giảm hoặc tăng nhẹ. Các biện pháp phòng vệ thương mại và hạn chế thương mại từ các nước thứ ba như Mục 232 của Hoa Kỳ và các biện pháp của Mexico và Brazil cũng góp phần gây áp lực nhập khẩu vào EU.

EU gia hạn biện pháp tự vệ thép đến 2026, Hòa Phát, Nam Kim và Hoa Sen... bị tác động ra sao
Ảnh minh họa

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu thép sang EU bị ảnh hưởng bởi quy định gia hạn này. Theo Chứng khoán Maybank, EU sẽ áp dụng mức giới hạn 15% đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Việt Nam, cho phép các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu khoảng 140.000 tấn thép HRC mỗi quý mà không phải chịu thêm thuế quan. Trong năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,16 triệu tấn thép HRC sang EU.

Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là hai doanh nghiệp xuất khẩu thép HRC lớn nhất của Việt Nam. Chứng khoán Maybank nhận định rằng Hòa Phát sẽ chỉ bị ảnh hưởng nhẹ về sản lượng do đã đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, giá bán thép HRC của Hòa Phát có thể bị ảnh hưởng do thị trường EU có mức giá tốt hơn so với thị trường nội địa và các thị trường khác, ngoại trừ Bắc Mỹ.

Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ như Công ty Cổ phần Thép Nam Kim, Tập đoàn Hoa Sen và Công ty Cổ phần Tôn Đông Á sẽ hưởng lợi từ quyết định của EU. Nguồn cung thép HRC đầu vào giá thấp hơn vào thị trường EU bị hạn chế, sẽ giữ mặt bằng giá thép HRC tại EU cao, thúc đẩy biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam.

Nhu cầu thép ở EU đang giảm đáng kể. Chủ tịch Ủy ban Thép OECD dự báo tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu sẽ chậm chạp trong năm 2024 và 2025. EUROFER cũng chỉ ra rằng sự bất ổn kinh tế sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng thị trường thép trong các quý tới. Các điều chỉnh kỹ thuật sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 và biện pháp tự vệ sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2026, với khả năng được điều chỉnh thêm nếu cần.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn