Fed xoay trục khiến USD rớt giá, Việt Nam nhẹ bớt nỗi lo tỷ giá
Sau khi tăng vọt lên mức cao nhất trong hai thập kỷ nhờ các đợt tăng lãi suất của Fed vào năm 2022, đồng bạc xanh đã có một năm hoạt động không mấy hiệu quả. Kết thúc năm 2023, đồng USD giảm 2,07% so với các loại đồng tiền khác, đánh dấu năm giảm đầu tiên kể từ 2020.
Cuộc họp cuối cùng của Fed trong năm 2023 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đồng USD. Sau khi Chủ tịch Jerome Powell cho biết chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ đưa lãi suất lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ có thể đã kết thúc khi lạm phát hạ nhiệt. Các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 0,75% vào năm 2024.
Lãi suất giảm được xem là một trở ngại đối với đồng USD, khiến nó trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Nhiều chuyên gia kinh tế đang đặt cược vào kịch bản mất giá của đồng USD trong năm 2024.
Chiến lược gia Amanda Sunstrom của Ngân hàng Thụy Điển SEB AB nhận định: “Thị trường đang định vị một kịch bản vàng cho nền kinh tế Mỹ, trong đó Fed sẽ cắt giảm lãi suất đủ để kích thích tăng trưởng kinh tế mà không khiến lạm phát quay trở lại. Đây sẽ là yếu tố chính khiến đồng USD trượt giá”.
Một cuộc thăm dò đầu tháng 12/2023 với 71 chiến lược gia ngoại hối cũng cho thấy hầu hết đều kỳ vọng đồng USD sẽ giảm giá so với các loại tiền tệ hàng đầu thế giới vào năm 2024.
Ngoài sự đổi chiều chính sách tiền tệ của Fed, yếu tố địa chính trị cũng sẽ góp phần vào sự biến động của DXY và tạo tiền đề cho xu hướng thị trường tiền tệ vào năm 2024.
Căng thẳng quốc tế, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông và ảnh hưởng ngày càng tăng của khối BRICS sẽ tác động đáng kể đến thị trường tiền tệ toàn cầu, đặc biệt là đồng USD. Đồng bạc xanh cũng đang mất dần thị phần trong các giao dịch dầu trong bối cảnh tỷ trọng dầu trên thế giới được giao dịch bằng các loại tiền tệ khác đã tăng lên gần 20%.
Iran và Nga, hai trong số những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, mới đây cũng đã hoàn tất thỏa thuận giao dịch bằng đồng nội tệ thay vì đồng USD. Trung Quốc và Saudi Arabia cũng đã ký một thỏa thuận hoán đổi nội tệ trị giá 50 tỷ NDT (7 tỷ USD) để tăng cường quan hệ tài chính và mở rộng việc sử dụng đồng nội tệ giữa các quốc gia.
Theo dữ liệu do JPMorgan theo dõi, 12 hợp đồng hàng hóa lớn đã được thực hiện bằng loại tiền tệ không phải USD vào năm 2023, so với 7 hợp đồng vào năm 2022 và chỉ có 2 hợp đồng được ghi nhận từ năm 2015 đến năm 2021.
Sự thay đổi trong mạng lưới thương mại toàn cầu khả năng sẽ dẫn đến những biến đổi trong hệ thống tài chính mà ở đó, đồng USD sẽ chiếm ít ưu thế hơn.
Khi đồng USD suy yếu, tiền tệ của các thị trường mới nổi sẽ tăng trở lại sau một năm biến động. Trên thực tế, đồng tiền tệ của các thị trường mới nổi đã tăng giá kể từ đầu tháng 10/2023, khi dữ liệu lạm phát của Mỹ được cải thiện và thị trường kỳ vọng về việc Fed có khả năng cắt giảm lãi suất vào giữa năm 2024.
Tại Việt Nam, áp lực tỷ giá cũng được dự đoán sẽ vơi dần trong năm 2024. Trong năm 2023, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 1,23% với giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng hơn 3% so với VND. 2023 cũng là năm đầu tiên trong lịch sử chứng kiến tỷ giá trung tâm vượt mốc 24.000 đồng/USD.
Theo Chứng khoán Vietcombank, sức mạnh đồng USD vẫn sẽ tiếp tục là yếu tô chi phối tỷ giá USD/VND trong năm nay. Tuy vậy, trong bối cảnh lạm phát của Mỹ được cải thiện và khả năng cắt giảm lãi suất của Fed sẽ hạn chế mức tăng của đồng USD, áp lực lên tỷ giá sẽ “hạ nhiệt” đáng kể trong năm 2024.
Báo cáo cập nhật vĩ mô của Chứng khoán VNDirect và Chứng khoán Agribank cũng nhận định tỷ giá sẽ ổn định hơn nhờ xu hướng đồng USD suy yếu khi Fed phát đi tín hiệu cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn