FPT - Giá về vùng hấp dẫn cho đầu tư dài hạn

Áp dụng mô hình định giá SOTP (Sum Of The Parts) cho các mảng kinh doanh, mức định giá lý thuyết của FPT là 111,388 đồng. Như vậy, nhà đầu tư hoàn toàn có thể mua vào ở mức hiện tại cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

FPT - Giá về vùng hấp dẫn cho đầu tư dài hạn

Áp dụng mô hình định giá SOTP (Sum Of The Parts) cho các mảng kinh doanh, mức định giá lý thuyết của FPT là 111,388 đồng. Như vậy, nhà đầu tư hoàn toàn có thể mua vào ở mức hiện tại cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Doanh thu ngành công nghiệp ICT tăng trưởng tích cực

Doanh thu ngành công nghiệp ICT có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR - Compound Annual Growth Rate) của giai đoạn 2016-2021 ở mức 15%, công nghiệp ICT đã trở thành một trong những ngành có đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Điều này giúp cho Việt Nam chuyển mình thành một trong những quốc gia dẫn đầu sản xuất công nghệ phần cứng và điện tử - viễn thông.

Bộ Thông tin và Truyền thông dự báo trong giai đoạn từ năm 2022-2025, ngành ICT sẽ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng kép 2 chữ số và đạt doanh thu từ mức 155 tỷ USD đến 240 tỷ USD.

Số lượng doanh nghiệp trong ngành ICT cũng liên tục tăng trưởng qua các năm. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng doanh nghiệp trong năm 2022 đạt 67,200 doanh nghiệp, tăng 4.2% so với năm 2021.

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông

Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ

Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng thay đổi đã tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng hơn, trong đó chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ được xem là xu hướng tất yếu.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 411/QĐ-TTG phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó nêu rõ định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, phấn đấu từng bước làm chủ công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới, hợp tác nhưng không phụ thuộc vào các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.

Mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt trên 50%, tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.

Nguồn: Global Innovation Index

Kết quả kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng trưởng

FPT liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Kết quả kinh doanh của FPT trong 9 tháng 2022 tiếp tục đạt mức tăng trưởng trên 20%, vượt kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. Cụ thể, doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 của FPT đạt 30,975 tỷ đồng, tăng 24.1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 3,943 tỷ đồng, tăng 30.1% so với cùng kỳ.

Với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, người viết nhận định kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ duy trì tăng tốt trong tương lai.

Nguồn: VietstockFinance, FPT

Công nghệ là động lực tăng trưởng chính

Công nghệ vẫn là là mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp khi luôn chiếm tỷ trọng lớn trong những năm gần đây (>55%).

Trong 9 tháng năm 2022, FPT ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, trong đó có 18 dự án với quy mô trên 5 triệu USD, doanh thu ký mới đạt 16,799 tỷ đồng (tăng 42.6% so với cùng kỳ), hướng tới cột mốc tỷ USD vào cuối năm nay.

Dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) trong nước tiếp tục giữ mức tăng trưởng dương. Dịch vụ CNTT trong nước đạt doanh thu 4,263 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế đạt 425 tỷ đồng (tăng 16.5% so với cùng kỳ).

Cùng với đó, các sản phẩm phần mềm Made-by-FPT cũng ghi nhận sự tăng trưởng với 658 tỷ doanh thu trong 9 tháng năm 2022, tăng 48.3% so với cùng kỳ.

Nguồn: FPT

Mảng viễn thông và mảng giáo dục phát triển tốt

Doanh thu Dịch vụ viễn thông tăng trưởng 2 con số (+16.1%), đạt 10,243 tỷ đồng. Biên lợi nhuận được mở rộng từ 18.1% lên 18.8% nhờ tăng trưởng lợi nhuận từ mảng PayTV.

Mảng giáo dục tiếp tục mức tăng trưởng doanh thu cao 47%, đạt 3,104 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2022.

Có thể thấy được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang đạt hiệu quả tốt khi ghi nhận sự tăng trưởng ở tất cả các mảng kinh doanh.

Hiệu quả sinh lời cao và rủi ro tài chính ở mức thấp

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROEA) của FPT luôn giữ ở mức cao, đạt mức 20% trong năm 2020 và 21.7% năm 2021. Người viết dự đoán tỷ suất sinh lời ROEA của doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.

Nguồn: VietstockFinance

Theo mô hình đánh giá rủi ro của Standard & Poor's (S&P), sức khỏe tài chính của FPT đang rất tốt. Các chỉ số FFO/Debt, Debt/EBITDA và Debt/Capital đều ở mức khá lý tưởng và liên tục được cải thiện qua các năm. Nhà đầu tư có thể hoàn toàn yên tâm về tình hình tài chính của doanh nghiệp trong những năm tới.

Nguồn: VietstockFinance

Giá cổ phiếu FPT đang về vùng hấp dẫn cho đầu tư dài hạn

Người viết không tính mảng giáo dục và đầu tư vào vì trong báo cáo tài chính không tách riêng hai mảng này ra nên gây khó khăn cho việc định giá. Áp dụng mô hình định giá SOTP (Sum Of The Parts) cho các mảng kinh doanh, ta có mức định giá lý thuyết của FPT là 111,388 đồng.

Như vậy, nhà đầu tư hoàn toàn có thể mua vào FPT ở mức giá thị trường hiện tại cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI