FPT ước tính lợi nhuận quý I tăng 20%
Chiều ngày 10/4, CTCP FPT (mã FPT-HOSE) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 với sự tham gia của 1.071 cổ đông, đại diện cho 65,82% cổ phần có quyền biểu quyết.
Theo báo cáo của Ban lãnh đạo, năm 2023, Tập đoàn FPT ghi nhận doanh thu đạt 52.618 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ và đạt 101% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 9.203 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ và đạt 102% kế hoạch năm; lãi sau thuế đạt 7.788 tỷ đồng.
Tại Đại hội, ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT FPT cho biết "Điểm nổi bật về kinh doanh trong năm 2023 của FPT là đã đạt được 1 tỷ USD doanh thu từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài". Nói thêm về điều này, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT cho biết "Sau khi đã đạt được cột mốc 1 tỷ USD, con số 5 tỷ, 10 tỷ đã nằm trong tầm tay."
Sang năm 2024, Tập đoàn FPT lên kế hoạch doanh thu 61.850 tỷ đồng, tăng trưởng 17,5% so với kết quả năm trước, trong đó khối công nghệ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất - dự kiến đạt 38.150 tỷ đồng, tiếp theo là khối viễn thông dự kiến doanh thu đạt 17.600 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 10.875 tỷ đồng, tăng trưởng 18,2% so với kết quả năm 2023.
Trong quý I/2024, ông Nguyễn Thế Phương-Phó Tổng giám đốc cho biết FPT duy trì tăng trưởng trên 20% về doanh số và xấp xỉ 20% về lợi nhuận. Doanh thu từ mảng xuất khẩu phần mềm tăng khoảng 20%, trong đó, thị trường Nhật có tốc độ tăng 40% còn thị trường Mỹ có tăng song chậm hơn so với bình quân chung.
Năm 2024, tập đoàn dự kiến chi 6.500 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư, trong đó khối viễn thông sẽ dùng 2.300 tỷ đồng để đầu tư các trục cáp chính, cáp biển, nâng chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống Trung tâm dữ liệu.
Công ty sử dụng 2.200 tỷ đồng cho khối công nghệ, trong đó sẽ đầu tư mở rộng các khu tổ hợp văn phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Quy Nhơn...2.000 tỷ đồng còn lại sẽ dùng để đầu tư mở rộng khuôn viên đại học tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, đồng thời mở các cơ sở đào tạo mới tại các tỉnh thành trên toàn quốc.
Thông tin chi tiết về việc đầu tư cho mảng công nghệ (2.200 tỷ), ông Nguyễn Thế Phương thông tin rằng90% là chi phí xây văn phòng cho lập trình viên. Hiện FPT có khoảng 30.000 lập trình viên với tốc độ tăng trưởng 20%/năm thì ước tính bổ sung thêm 6.000 nhân lực một năm. FPT có hai lựa chọn là tự xây văn phòng hoặc đi thuê. FPT đã chọn tự xây ở các khu campus, với giá đất rẻ nên tổng chi phí trên một m2 tự xây chỉ bằng 1/3, 1/4 chi phí đi thuê. Nhờ vậy hiệu quả cao.
"Năm nay, FPT sẽ xây campus ở Hoà Lạc, Quy Nhơn và tiếp tục mở rộng ở Đà Nẵng, TP.HCM", ông Phương nói.
Về phương án chia cổ tức, ĐHĐCĐ công ty đã thông qua chính sách cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 20% - trong đó, công ty đã thực hiện chi trả 10%, 10% còn lại dự kiến thực hiện trong quý II/2024. Đồng thời, công ty muốn phát hành 190.495.331 cổ phiếu để tăng vốn cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20:3 (20 cổ phiếu được nhận 3 cổ phiếu mới). Thời gian thực hiện dự kiến thực hiện trong quý II đến quý III/2024.
Ông Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh rằng FPT sẽ vẫn duy trì chính sách trả cổ tức 20% bằng tiền. Ngoài ra, hàng năm Tập đoàn vẫn có chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng giúp gia tăng lượng cổ phiếu nắm giữ.
"Mảng công nghệ và giáo dục là ngành đầu tư dài hạn, nên vốn đầu tư rất cần thiết" ông Phương nói.
Liên quan đến vấn đề M&A, ông Phạm Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc FPT cho biết tập đoàn có tham vọng không chỉ mở rộng mà còn đi sâu để rút ngắn thời gian nên FPT muốn bổ sung thêm công ty để cùng FPT làm các hợp đồng lớn. Hàn Quốc, Singapore, châu Âu tiếp tục là các thị trường mà FPT nhắm tới.
5 từ khóa quyết định lịch sử nhân loại
Ngoài ra tại phần thảo luận, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT đã chia sẻ thêm với cổ đông rằng, cách đây khoảng 2 tuần, Hiệp hội các ông chủ Nhật Bản đã sang Việt Nam gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và họ bàn đến 5 từ khoá: Trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ông Trương Gia Bình gọi tắt đó là "Tuệ Bán Xe Số Xanh".
Theo ông Bình, đây là 5 từ quyết định lịch sử của nhân loại trong 3/4 thế kỷ và tiếp tục xác định 1/4 thế kỷ còn lại. Và cũng vì 5 từ này mà Việt Nam được chọn.
Giải thích vì sao Việt Nam được chọn, ông Bình cho biết, có 1 lý do rất quan trọng là nguồn nhân lực. Các quốc gia bắt đầu làm bán dẫn khi nghèo và đã đổi đời nhờ bán dẫn. Bằng chứng là năm 2022, Đài loan đã vượt GDP đầu người tại Nhật Bản. Tuy nhiên sau này, lao động tại các nước này lại không chọn làm bán dẫn nữa. Ngành bán dẫn trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang có nhu cầu lớn khủng khiếp về nguồn nhân lực.
Ở Đài Loan (Trung Quốc) hiện nay đang xây dựng 40 nhà máy bán dẫn, năm nay khai trương 13 nhà máy bán dẫn nhưng không có lao động. Công ty hàng đầu về làm bán dẫn chỉ đáp ứng được 1 nửa nhu cầu về lao động. Hàn Quốc đang xây dựng cả thành phố bán dẫn nhưng không có người. Riêng ngành bán dẫn hiện đang thiếu 1 triệu lao động.
Về chuyển đổi xanh, theo người đứng đầu FPT, muốn phát triển nhanh và lớn mạnh chỉ có một cách là đi tiên phong. Ông Bình nhận định rằng FPT không chỉ là 1 doanh nghiệp tăng trưởng mà FPT còn mang sứ mệnh của quốc gia và FPT đã bắt đầu chạm tay vào những tiến bộ của nhân loại, đó là AI.
"FPT muốn ký hợp đồng lớn với tập đoàn lớn thì yếu tố xanh là yêu cầu quan trọng phải đáp ứng được. Chúng tôi cũng đang phát triển giải pháp phần mềm kế toán xanh, kế toán carbon", ông Bình nói.
Xem thêm tại nhadautu.vn