"Gã khổng lồ" ngành logistics lên kế hoạch lãi gần 2.200 tỷ đồng trong năm 2024
Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC - mã MVN) vừa công bố báo cáo kết quả hoạt động năm 2023. Cụ thể, sản lượng vận tải biển đạt 20,6 triệu tấn, tương ứng 95% thực hiện trong cùng kỳ năm 2022 và đạt 116% kế hoạch. Sản lượng hàng thông qua cảng đạt 113,5 triệu tấn, đạt 84% kế hoạch năm.
Doanh thu năm 2023 ước đạt 17.964 tỷ đồng, tương đương 91% thực hiện năm 2022 và vượt 4% kế hoạch 2023. Lợi nhuận 2023 ước đạt 2.084 tỷ đồng, tương đương 68% cùng kỳ năm trước và đạt 90% kế hoạch; trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 350 tỷ đồng, tương ứng 54% thực hiện năm trước.
Cụ thể hơn, tại khối vận tải biển, doanh thu ước đạt 6.261 tỷ đồng (bao gồm doanh thu Công ty mẹ), tương đương tăng 22% so với kế hoạch, trong đó tăng chủ yếu ở doanh thu của Vosco với 1.382 tỷ đồng nhờ mạnh dạn mở rộng hoạt động thương mại.
Thực tế, đội tàu của các doanh nghiệp vận tải biển thuộc VIMC đa phần đã nhiều tuổi, size tàu và tính năng lạc hậu khiến một số tàu đã xảy ra sự cố làm tăng chi phí sửa chữa; chi phí vật tư, phụ tùng… Năng lực đội tàu hàng năm giảm dần về cả số lượng và chất lượng. Mặt khác, thị trường vận tải container quốc tế bị ảnh hưởng lớn và vẫn tiếp tục giảm trong năm 2023. Chỉ số World Container Index (WCI) đã giảm hơn 60% so với cùng thời điểm năm 2022. Trong khi đó, thị trường vận tải container nội địa tiếp tục ảm đạm, giảm sâu về cả sản lượng và mức cước. Cước vận tải dầu sản phẩm liên tục tăng, giảm không ổn định. Tuy nhiên nhìn chung thị trường được nhận định vẫn ở mức khá tốt trong năm 2023.
Tại khối cảng biển, doanh thu ước đạt 6.447 tỷ đồng, giảm 7% so với kế hoạch. Lợi nhuận khối cảng biển ước đạt 1.724 tỷ đồng, giảm 9% so với kế hoạch (nguyên nhân do sụt giảm của doanh thu).
Theo VIMC, sản lượng toàn khối cảng biển VIMC giảm 16% so với KH do chịu ảnh hưởng chung bởi tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng yếu đặc biệt tại hai thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ và Châu Âu dẫn tới sản lượng các cảng của VIMC tại khu vực Cái Mép Thị Vải sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Tại khối dịch vụ hàng hải, doanh thu đạt 1.435 tỷ đồng, giảm 506 tỷ đồng tương đương giảm 26% so với kế hoạch. Ngoại trừ CMB có doanh thu tăng hầu hết các đơn vị trong khối đều có doanh thu giảm so với kế hoạch. Lợi nhuận khối ước đạt 59 tỷ đồng, giảm 31% so với kế hoạch.
Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2024 tăng nhẹ
Bước sang năm 2024, VIMC sẽ duy trì và mở rộng thị trường, thị phần khách hàng của VIMC tại các khu vực, đẩy mạnh công tác tái cơ cấu tổ sản xuất kinh doanh, tài chính, tái cơ cấu đội tàu vận tải biển, triển khai mạnh mẽ chương trình quản lý chi phí hiệu quả nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp thành viên. Đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư đặc biệt các dự án đầu tư trọng điểm: dự án đầu tư bến 3,4 Lạch Huyện, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án cảng nước sâu Liên Chiểu. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng và hoàn thiện hệ sinh thái cảng biển – vận tải biển – logistics của VIMC thông qua việc tham gia đầu tư dự án cơ sở hạ tầng logistics, ICD, kho bãi… và đưa Công ty cổ phần container VIMC vào hoạt động.
Về chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, VIMC lên mục tiêu sản lượng vận tải biển đạt 15,8 triệu tấn, tương đương 76% ước thực hiện năm 2023; sản lượng khối cảng biển đạt 123,7 triệu tấn.
Kế hoạch doanh thu là 17.742 tỷ đồng và lợi nhuận 2.169 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và tăng 4% so với ước thực hiện trong năm 2023, trong đó LNTT công ty mẹ mục tiêu đạt 368 tỷ đồng.
VIMC (tên cũ là Vinalines) được thành lập năm 1995 theo Quyết định số 250/TTg của Thủ tướng Chính phủ với sứ mệnh là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam. Với vai trò như vậy, VIMC là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất tạo được chuỗi hạ tầng và dịch vụ logistics khép kín gồm: Khai thác cảng – Vận tải biển – Dịch vụ hàng hải.
Xem thêm tại cafef.vn