GDP Việt Nam 2023 đạt 5,05%: Báo nước ngoài nhấn mạnh một từ quan trọng khi so sánh với khu vực, thế giới
Tờ Nikkei (Nhật Bản) dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết: GDP Việt Nam 2023 tăng trưởng 5,05% vào năm 2023, không đạt mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6,5%, do trung tâm xuất khẩu Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi nhu cầu nước ngoài chậm lại.
Con số "khiêm tốn" so với năm 2022 khi Việt Nam đạt mức tăng trưởng 8,02%, nhanh nhất trong một phần tư thế kỷ, khi xuất khẩu và doanh số bán lẻ trong nước phục hồi sau khi chính phủ dỡ bỏ tất cả các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch.
Dù vậy, Nikkei vẫn cho rằng: Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, nhưng tốc độ đã chậm lại trong năm nay do nhu cầu toàn cầu yếu hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 sẽ đạt 4,7%.
Theo dữ liệu công bố của Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng mới nhất cũng thấp hơn mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 5,87% trong thập kỷ trước.
Xuất khẩu năm của Việt Nam giảm 4,4% so năm 2022 xuống còn 355,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu cà phê, mặt hàng xuất khẩu chủ lực, giảm 9,6% so với một năm trước đó xuống còn 1,6 triệu tấn.
Doanh số bán lẻ tăng 9,6% trong năm và lượng khách du lịch nước ngoài tăng vọt lên 12,6 triệu du khách từ 3,6 triệu vào năm 2022. Tổng lượng khách đến vẫn thấp hơn mức 18 triệu vào trước đại dịch năm 2019.
"Chỉ số sản xuất công nghiệp của nước này năm 2023 tăng 1,5% so với năm ngoái", tờ báo chuyên kinh tế hàng đầu thế giới nhấn mạnh.
Tăng trưởng GDP Việt Nam 2023 vẫn ở mức "tích cực" trong khu vực
Nikkei dẫn lời cơ quan thống kê cho biết: "Mặc dù mức tăng trưởng năm nay thấp hơn mục tiêu 6,5% nhưng đây vẫn là kết quả tích cực, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới".
Trong quý 4, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,72%, tăng tốc sau khi tăng 5,47% trong quý 3 và 4,25% trong quý 2.
"Kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan so với tiêu chuẩn khu vực và thế giới", ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhận định.
Ông Hinh cũng chỉ ra vô số thách thức, bao gồm sự sụt giảm đơn đặt hàng xuất khẩu và "những khó khăn tiếp tục xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, cũng như nguy cơ nợ xấu gia tăng phủ bóng lên ngành ngân hàng".
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh mô tả năm 2023 là một "năm rất khó khăn đối với Việt Nam".
Hãng tin Reuters cũng dẫn lại báo cáo từ Tổng cục Thống kê và nhấn mạnh tăng trưởng Việt Nam ngược năm ngoái "do sức ép từ nhu cầu toàn cầu yếu trong khi đầu tư công bị đình trệ".
Việt Nam là một trung tâm sản xuất khu vực phụ thuộc nhiều vào thương mại. Trong báo cáo, xuất khẩu điện thoại thông minh, nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của nước này, giảm 8,3%.
Từ "tích cực" cũng được nhắc đến trong đánh giá của Reuters về tình hình kinh tế Việt Nam năm qua: "Mặc dù mức tăng trưởng năm nay thấp hơn mục tiêu 6,5% của chính phủ nhưng đây vẫn là kết quả tích cực, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới", hãng tin nàydẫn lại báo cáo Tổng cục Thống kê.
Theo báo cáo, nhập khẩu vào năm 2023 giảm 8,9% xuống còn 327,5 tỷ USD, dẫn đến thặng dư thương mại là 28 tỷ USD trong năm. Thặng dư thương mại lớn hỗ trợ tiền đồng nhưng nhập khẩu giảm mạnh có thể cho thấy hoạt động sản xuất sẽ chậm lại trong những tháng tới.
GDP Việt Nam 2023 khả quan nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng
Reuters đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong năm, ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất bốn lần.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến cuối tháng 11 là 8,2%, cho biết "nền kinh tế vẫn đang gặp khó khăn với tốc độ phục hồi kinh tế chậm và do đó nhu cầu về các khoản vay yếu".
"Để bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu, Việt Nam đã quyết định gia hạn cắt giảm thuế giá trị gia tăng để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, trong khi các cơ quan chức năng đang tìm cách đẩy nhanh đầu tư công, chủ yếu là vào cơ sở hạ tầng", Reuters phân tích.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn công trong năm tính đến cuối tháng 11 ước đạt 461.000 tỷ đồng (18,98 tỷ USD), chỉ đạt 65% mục tiêu đề ra trong năm.
Quốc Hội, cơ quan lập pháp của Việt Nam, vào tháng 11 đã phê duyệt các mục tiêu của chính phủ cho năm tới là tăng trưởng GDP từ 6,0% đến 6,5% và lạm phát ở mức 4,0% đến 4,5%.
Tân Hoa Xã (Trung Quốc), cũng dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê, nhấn mạnh mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 5,05% vào năm 2023. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, trong khi công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, dịch vụ tăng 6,82%.
Báo cáo cho biết ba lĩnh vực trên đã đóng góp lần lượt 8,84 điểm phần trăm, 28,87 điểm phần trăm và 62,29 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Tờ The Star (Malaysia) cũng dẫn lại các số liệu trên và nhận định lý do GDP Việt Nam 2023 tăng trưởng chưa như kỳ vọng do "nhu cầu toàn cầu yếu".
Xem thêm tại cafef.vn