Với triển vọng này, kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu 3,3 - 3,6 tỷ USD trong năm 2024, tăng 14%-24% so với năm 2023, đồng thời tiếp tục giữ đà tăng trưởng cho năm 2025.

Giá cao su tăng nhờ nhu cầu và nguồn cung

Theo báo cáo phân tích ngành cao su từ Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng (PHS), các chuyên gia chỉ ra rằng, thị trường cao su toàn cầu gần đây đã chứng kiến sự biến động mạnh mẽ, cả theo chiều hướng tăng và giảm. Tuy nhiên, nhờ vào mức nền giá thấp cùng kỳ, giá cao su vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh so với năm trước, kéo dài đến nửa đầu quý IV/2024.

Tính đến giữa tháng 11/2024, giá trung bình của TSR20 ghi nhận 1,94 USD/kg, giảm 3,1% so với tháng trước nhưng tăng mạnh 27% so với đầu năm và 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cao su tăng mạnh, doanh nghiệp kỳ vọng lợi nhuận bứt phá

Những biến động giá này chủ yếu xuất phát từ các yếu tố tác động cả tích cực lẫn tiêu cực. Về phía tích cực, các nhà sản xuất toàn cầu đã tăng cường thu mua cao su trong các tháng 9 và 10/2024 để đảm bảo ổn định sản xuất đến nửa đầu năm 2025. Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, đã tạo ra nhu cầu tiêu thụ cao su tăng trưởng cả theo quý lẫn theo năm.

Việc trì hoãn Quy định EUDR thêm một năm từ cuối 2024 sang 2025 đã khiến các nhà sản xuất gặp khó khăn khi phải điều chỉnh lại kế hoạch thu mua, vì giá cao su đạt chuẩn EUDR sẽ cao hơn từ 10% đến 30%.

Bên cạnh đó, nguồn cung cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết xấu ở các vùng trồng cao su chủ chốt tại Đông Nam Á, dẫn đến lo ngại về khả năng cung cấp nguyên liệu từ quý IV/2024 đến hết nửa đầu 2025.

Ngoài ra, việc chiến thắng của Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ đã làm dấy lên mối lo ngại về việc áp dụng thuế quan mới, khiến các nhà sản xuất thận trọng và chờ đợi chính sách cụ thể từ chính quyền mới.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia từ PHS giữ quan điểm tích cực đối với ngành cao su thiên nhiên từ quý IV/2024 đến cuối năm tài chính 2026. Giá cao su dự báo vẫn duy trì ở mức cao, với giá TSR có thể ổn định trên 1,8 USD/kg. Tăng trưởng giá có thể tiếp tục duy trì trong 6 tháng tới, với giả định giá TSR20 bình quân quý đạt 1,8 USD/kg trong giai đoạn từ quý IV/2024 đến hết quý II/2025.

Cơ hội và thách thức cho cao su thiên nhiên

Theo các chuyên gia từ PHS, ngành cao su thiên nhiên đang bước vào giai đoạn mới, với những yếu tố có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Về nguồn cung, yếu tố khí hậu bất thường như hiện tượng La Nina dự báo sẽ tiếp tục gây ra mưa bão mạnh, làm suy giảm sản lượng cao su trong nửa cuối 2024 và nửa đầu 2025.

Cùng với đó, các quy định mới như EUDR, với yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững, sẽ hạn chế khả năng cung ứng cao su vào thị trường EU, có thể gây gián đoạn 15-20% sản lượng toàn cầu.

Giá cao su tăng mạnh, doanh nghiệp kỳ vọng lợi nhuận bứt phá

Về nhu cầu, sự phát triển của lốp xe điện đang mở ra cơ hội mới cho tiêu thụ cao su thiên nhiên. Lốp xe điện yêu cầu chất liệu cao su có độ đàn hồi cao, khả năng chịu nhiệt tốt và độ bền vượt trội, những đặc tính mà cao su thiên nhiên có thể đáp ứng tốt hơn cao su tổng hợp. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cao su thiên nhiên trên toàn cầu, đặc biệt khi nhu cầu đối với lốp xe điện đang tăng mạnh.

Trong dài hạn, sự không chắc chắn về chính sách thuế quan có thể làm chậm lại quá trình sản xuất và làm gián đoạn kế hoạch kinh doanh của nhiều nhà sản xuất.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô cũng đang phải đối mặt với tác động kép từ các cuộc điều tra và thuế quan mới. Trong ngắn hạn, việc đẩy mạnh sản xuất để đưa hàng hóa vào thị trường trước khi các mức thuế mới có hiệu lực đã giúp các nhà sản xuất như Thái Lan gia tăng xuất khẩu lốp xe vào Mỹ.

Với tình hình hiện tại, thị trường cao su Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng tăng giá toàn cầu. Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là một số công ty niêm yết lớn đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý III/2024, với doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh.

Việc giá cao su xuất khẩu tăng cao là yếu tố thúc đẩy kết quả kinh doanh và cải thiện biên lợi nhuận. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp cao su tại Việt Nam dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh, với giả định giá SVR10 duy trì ở mức 1,8 USD/kg trong quý 4 năm 2024 và các quý tiếp theo.

Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ cao su nội địa tại Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp phụ trợ cao su, đặc biệt là ngành sản xuất lốp xe. Các dự án lốp xe lớn tại Việt Nam dự kiến sẽ đi vào hoạt động và tăng sản lượng tiêu thụ trong nước trong giai đoạn 2024-2027.

Theo đó, các doanh nghiệp đã hoàn tất chứng chỉ bền vững, đặc biệt là trong các khu vực trồng cao su trọng điểm như Bình Dương, Tây Ninh và Bình Phước, sẽ có cơ hội mở rộng khách hàng và gia tăng sản lượng tiêu thụ nhờ vào xu hướng đầu tư vào sản xuất phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là vào thị trường EU.

Nhìn chung, ngành cao su thiên nhiên vẫn được đánh giá có triển vọng tích cực trong giai đoạn tới, với cơ hội tăng trưởng từ cả yếu tố giá và nhu cầu tiêu thụ, đồng thời đối mặt với một số thách thức từ việc thay đổi chính sách thuế quan và các yếu tố tác động đến chuỗi cung ứng./.